TỔNG QUAN CÁC BẰNG CHỨNG VÀ KIẾN NGHỊ VỀ VIỆC SỬ DỤNG VẮC XIN HO GÀ VÔ BÀO ĐỐI VỚI NHÓM CÓ NGUY CƠ CAO (VỊ THÀNH NIÊN, PHỤ NỮ MANG THAI, TRẺ SƠ SINH, NHÂN VIÊN Y TẾ)
Tác giả: Angela Bechini, Emilia Tiscione, Sara Boccalini, Miriam Levi, Paolo Bonanni
Tóm tắt:
Thông tin cơ bản: Bệnh ho gà là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây ra bởi vi khuẩn Bordetella pertussis. Hiện tượng suy giảm miễnsau khi tiêm vắc xin hay sau khi nhiễm bệnh góp phần đáng kể vào việc gia tăng số ca nhiễm bệnh trên vị thành niên và người trưởng thành. Việc phòng bệnh ở các nước công nghiệp phát triển chủ yếu dựa vào gây miễn dịch bằng vắc xin vô bào kết hợp với các thành phần kháng nguyên khác. Một mũi vắc xin nhắc lại với công thức pha cho người lớn gồm giải độc tố uốn ván – bạch hầu và ho gà vô bào (Tdap) hiện được khuyến cáo cho tất cả đối tượng vị thành niên ở nhiều nước, và việc thay thế liều Td 10 năm/lần bằng một hay nhiều liều Tdap được khuyến cáo cho người trưởng thành.
Mục tiêu: Bài tổng quan này nhằm mục đích mô tả các kiến thức hiện nay về việc tiêm vắc xin ho gà vô bào trên đối tượng vị thành niên và người trưởng thành, đặc biệt chú trọng vào nhóm nguy cơ cao: vị thành niên, phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh và nhân viên y tế, và đề xuất một chiến lược tiêm chủng khả thi.
Kết quả: Ở các nước chấp nhận việc tiêm một liều nhắc lại cho vị thành niên đã ghi nhận hiện tượng giảm tỷ lệ mắc một cách đáng kể. Không có mối liên quan huyết thanh của sự bảo vệ sau khi miễn dịch tồn tại, nhưng các đối tượng có lượng kháng thể với kháng nguyên ho gà cao có vẻ ít phát triển bệnh hơn. Vắc xin Tdap đã được chứng minh làm tăng lượng kháng thể chống kháng nguyên ho gà vượt trội ở vị thành niên và người trưởng thành so với các loại đã có hiệu quả đối với trẻ sơ sinh. Sử dụng vắc xin Tdap với phụ nữ mang thai có vẻ an toàn và có thể là một công cụ để ngăn ngừa bệnh ở tháng đầu đời. Miễn dịch ở trẻ sơ sinh bằng vắc xin ho gà vô bào đơn giá có thể kích hoạt tế bào B và T và hoạt động như một cơ sở cho sự đáp ứng miễn dịch trong tương lai.
Chiến lược bao vây bao gồm tất cả mọi yếu tố xung quanh trẻ sơ sinh bắt đầu được áp dụng. Tác động của chúng với các ca nhiễm ho gà ở trẻ sơ sinh sẽ được đánh giá trong những năm sắp tới. Cần phải tăng tầm tác động đến các nhân viên trong ngành y tế với vai trò quan trọng của họ trong việc lan truyền bệnh ho gà trong các cơ sở y tế.
Kết luận: Mặc dù các công bố gần đây của Tổ chức Y tế Thế giới chú trọng chính đến việc chủng ngừa bệnh ho gà đối với trẻ sơ sinh và trẻ em, và xem việc miễn dịch với đối tượng vị thành niên, người trưởng thành và nhóm có nguy cơ cao là lựa chọn cho tương lai, các dữ liệu đã nhanh chóng được thu thập để hỗ trợ sự cần thiết quan tâm đến việc chủng ngừa ho gà như là một can thiệp phòng ngừa quan trọng ngay cả với đối tượng vị thành niên và các nhóm nguy cơ cao.
Người dịch: Ngô Tú Anh