Một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định người lao động có thời gian đóng BHXH từ 35 năm trở lên đối với nam, 30 năm trở lên đối với nữ, khi có yêu cầu thì được nghỉ hưu, không bị trừ tỷ lệ hưởng BHXH.
Cơ quan soạn thảo cho biết, theo quy định của pháp luật BHXH và thông lệ quốc tế, người lao động để được hưởng lương hưu thì phải đáp ứng đồng thời 2 điều kiện là đủ tuổi nghỉ hưu và đủ thời gian đóng BHXH tối thiểu.
Riêng điều kiện về thời gian đóng BHXH tối thiểu theo quy định của Luật BHXH hiện hành là phải đủ 20 năm đóng BHXH. Việc quy định như vậy đã gây khó khăn, giảm cơ hội được hưởng lương hưu của những người đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng thời gian đóng chưa đủ 20 năm.
Vì vậy, việc quy định giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm nhằm tạo điều kiện cho người lao động có thời gian đóng BHXH ngắn nêu trên từ chỗ không có lương hưu, không có BHYT cũng có cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng, được bảo đảm BHYT khi đủ tuổi nghỉ hưu.
Quy định này cũng góp phần giảm số người hưởng BHXH một lần do đủ điều kiện hưởng lương hưu. Đối với người lao động có thời gian đóng BHXH dài hơn thì vẫn được hưởng lương hưu với tỷ lệ hưởng lương hưu cao hơn, không thay đổi so với quy định hiện hành.
Điều chỉnh tăng lương với những người có mức lương hưu thấp
Về ý kiến đối với những người có mức lương hưu thấp, Bộ LĐTB&XH cho biết, một trong những nguyên tắc của BHXH là mức hưởng BHXH được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng và có chia sẻ giữa những người tham gia BHXH.
Như vậy, người lao động có thời gian đóng dài, mức đóng cao thì mức lương hưu cao hơn so với người có thời gian đóng ngắn, mức đóng ngắn hơn.
Tuy nhiên, tại Nghị quyết số 28/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 về cải cách chính sách BHXH, có nội dung: “Lương hưu cơ bản được điều chỉnh chủ yếu dựa trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, khả năng của Quỹ BHXH và ngân sách nhà nước; quan tâm điều chỉnh thỏa đáng đối với nhóm đối tượng có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995 nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu ở các thời kỳ".
Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung lắng nghe các Đại biểu Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật BHXH (sửa đổi).
Thời gian qua khi Chính phủ thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng, bên cạnh việc điều chỉnh tăng chung còn thực hiện điều chỉnh tăng riêng đối với những người nghỉ hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng trước ngày 1/1/1995 có mức hưởng thấp.
Về ý kiến đề nghị cho phép người lao động có thời gian đóng BHXH từ 35 năm trở lên đối với nam, 30 năm trở lên đối với nữ, khi có yêu cầu thì được nghỉ hưu, không bị trừ tỷ lệ hưởng BHXH, Bộ LĐTB&XH cho rằng, người lao động nghỉ hưu trước tuổi quy định đều phải áp dụng mức hưởng thấp hơn so với trường hợp nghỉ hưu đúng tuổi.
Quy định này nhằm đảm bảo công bằng giữa những người nghỉ hưu đúng tuổi và người nghỉ hưu trước tuổi quy định.
Trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Bộ luật Lao động năm 2019, vấn đề tuổi nghỉ hưu đã được trao đổi, thảo luận và đánh giá một cách kỹ lưỡng, tổng thể các mặt có liên quan.
Chính vì vậy, quan điểm chung trong lần sửa đổi Luật BHXH lần này là kế thừa từ quy định về tuổi nghỉ hưu của Bộ luật Lao động năm 2019 để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất.
Link bài viết: https://vietnamnet.vn/them-nhieu-nguoi-duoc-luong-huu-neu-thoi-gian-dong-bhxh-tu-15-nam-2218095.html?gidzl=PMciSR3_1s9fVwjsjU05O61wh7QYvW5XVIh-8FBYLJjuVFikyki2FtztgoZtxWOuVIBv8pNihfqZklO4PW