Có nhiều lý do khiến trẻ không được tiêm vắc xin sởi như cha mẹ đi làm xa sống với ông bà, thường xuyên thay đổi chỗ ở, trẻ thường bị bệnh…
Đáng lưu ý, có đến 14 trẻ (27%) không được cha mẹ, người thân cho tiêm
vắc xin sởi dù đã được mời nhiều lần và trẻ cũng hoàn toàn không có chống chỉ định.
Trong quá trình điều tra trẻ bệnh, HCDC cũng tiến hành đánh giá công tác tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh sởi tại trường trẻ bệnh đang học. Kết quả ghi nhận có tình trạng các trường học bỏ sót trẻ cần tiêm chủng trong chiến dịch. Cụ thể, có 2 trường hoàn toàn chưa tổ chức tiêm chiến dịch tại trường và 15 trường báo cáo đã hoàn thành chiến dịch tiêm trước đó nhưng nay vẫn phát hiện trẻ bệnh và các trẻ này hoàn toàn chưa được tiêm vắc xin sởi.
"Điều này cho thấy công tác rà soát tiền sử tiêm chủng và lập danh sách trẻ cần tiêm chưa được thực hiện tốt ở một số trường học. Do đó dù chiến dịch tiêm vắc xin sởi cho trẻ từ 1 - 10 tuổi đã triển khai hơn 2 tháng với tỷ lệ tiêm chủng được báo cáo rất cao nhưng thực tế hằng tuần vẫn có ca bệnh sởi mới trong độ tuổi chiến dịch", Sở Y tế TP.HCM đánh giá.
Cũng trong khảo sát này, HCDC ghi nhận có đến 17% trẻ bệnh từ 1 – 5 tuổi (6/35) có địa chỉ khai báo trên Hệ thống thông tin tiêm chủng thuộc các tỉnh khác và 23% trẻ (8/35) không có tên trên hệ thống.
Theo Sở Y tế, thực trạng địa chỉ khai báo trên hệ thống không trùng với địa chỉ thực tế hoặc không có tên trên hệ thống dẫn đến hậu quả trẻ không được trạm y tế phường xã quản lý và mời tiêm chủng. Đây là một thách thức lớn của công tác quản lý đối tượng tiêm chủng tại TP.HCM.
Giải pháp căn cơ cho thách thức này là mỗi địa phương từ xã phường, quận huyện, tỉnh thành phải tiếp tục thực hiện nghiêm túc hoạt động "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" và chấp hành nghiêm túc quy chế sử dụng hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia của Bộ Y tế.