Thứ bảy, ngày 27 tháng 04 năm 2024
Hợp tác quốc tế
Hình ảnh
THÔNG TIN ĐẤU THẦU
VIỆN VẮC XIN VÀ SINH PHẨM Y TẾ
Sắp cấp phép vắc xin phòng bệnh tay chân miệng ở Việt Nam
Đại diện Bộ Y tế cho biết đã có công ty nộp hồ sơ đăng ký xin cấp phép vắc xin phòng bệnh tay chân miệng, dự kiến đến cuối năm 2023 sẽ được cấp.
    Sáng 23.6, tại Viện Pasteur TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã họp trực tuyến khẩn với 20 tỉnh, thành phố phía nam về phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng.
    Tại cuộc họp trực tuyến, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết vừa có tin mừng là đã có công ty sản xuất vắc xin phòng bệnh tay chân miệng gửi hồ sơ đăng ký đến Cục Quản lý dược. Hy vọng từ nay đến cuối năm vắc xin này được cấp phép.
 
    Đánh giá tình hình hiện nay, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho rằng tình hình dịch bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, có trường hợp tử vong.
    Trong thời gian qua, Bộ Y tế và các vụ, cục, địa phương đã triển khai biện pháp phòng chống dịch tích cực. Các tỉnh chủ động hơn về nguồn lực, nguồn kinh phí, triển khai hoạt động phun hóa chất.
    Để đáp ứng kịp thời, dự phòng bệnh tật, giảm nguy cơ tử vong, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các tỉnh khẩn trương ban hành kế hoạch phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2023, trong đó đảm bảo 4 tại chỗ. Các địa phương khi đã có kế hoạch, nếu chưa hoặc đang trình phê duyệt, đề nghị tham mưu, đề nghị UBND tỉnh khẩn trương phê duyệt kinh phí để triển khai hoạt động phòng chống dịch tay chân miệng và sốt xuất huyết một cách chủ động.
    Đề nghị các tỉnh thành tăng cường theo dõi, giám sát tình hình dịch. Phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch. Phân tích được diễn biến dịch bệnh và có các biện pháp kịp thời.
    Thứ trưởng lưu ý chế độ thông tin báo cáo, có tỉnh báo cáo chậm trễ, ảnh hưởng công tác phòng chống dịch, cấp cứu điều trị. Tổ chức tổ phân tuyến điều trị, phân luồng khám chữa bệnh.
 
Cũng theo Thứ trưởng, một số người dân khi bị bệnh thường vào cơ sở y tế tư nhân, nhưng một số nơi chưa nắm kiến thức phòng chống dịch bệnh và triệu chứng nên chuyển tuyến chậm, người bệnh không được điều trị kịp thời. Vì vậy, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị tăng cường tập huấn, hướng dẫn giám sát chặt chẽ, thực hiện phòng lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế.
    Vấn đề quan trọng khác là các tỉnh phải đảm bảo trang thiết bị, vật tư hóa chất, thuốc điều trị. "Hiện tất cả chi tiêu cho phòng chống dịch đã chuyển về địa phương thành chi thường xuyên. Đề nghị các địa phương chủ động trong dự trù cơ số thuốc điều trị, vật tư tiêu hao, hóa chất... Đề xuất số lượng cần trong năm, trao đổi, làm việc với các đơn vị cung cấp để chủ động phòng chống dịch", Thứ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo.
    Thứ trưởng Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, trong phòng chống dịch bệnh, truyền thông phải đi trước. Truyền thông về kiến thức phòng chống dịch, dấu hiệu phát hiện sớm dịch bệnh để đưa đến cơ sở y tế. Truyền thông tại cộng đồng, tại trường học…
    Tính từ đầu năm 2023 đến nay, khu vực phía nam đã có 11.065 ca mắc tay chân miệng và 7 ca tử vong. Trong khi đó, phía nam cũng đã có hơn 25.000 ca mắc sốt xuất huyết.
Nguồn: https://thanhnien.vn/sap-cap-phep-vac-xin-phong-benh-tay-chan-mieng-o-viet-nam-185230623104423432.htm?gidzl=nK4_3kS322J9LpW8wXKA9yDQCWls5WCdsrap2FSJL7VK3M89_HDQAzK8E5NvIbftqbCu264RUW4QxGeB80