Thứ bảy, ngày 27 tháng 04 năm 2024
Hợp tác quốc tế
Hình ảnh
THÔNG TIN ĐẤU THẦU
VIỆN VẮC XIN VÀ SINH PHẨM Y TẾ
TÓM TẮT NGHIÊN CỨU THỬ NGHIỆM LÂM SÀNG VẮC XIN COVIVAC GIAI ĐOẠN 2 TẠI HUYỆN VŨ THƯ, TỈNH THÁI BÌNH
Ngày 07 tháng 8 năm 2021, tại Bộ Y tế, Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia đã họp thông qua đề cương nghiên cứu giai đoạn 2 vắc xin COVIVAC do Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế trực thuộc Bộ Y tế sản xuất.
 
Tên đề cương chung 2 giai đoạn: “THỬ NGHIỆM LÂM SÀNG GIAI ĐOẠN 1 VÀ 2, NGẪU NHIÊN, MÙ KÉP, CÓ ĐỐI CHỨNG VỚI GIẢ DƯỢC (GIAI ĐOẠN 1) VÀ VỚI VẮC XIN COVID-19 ĐÃ ĐƯỢC CẤP PHÉP (GIAI ĐOẠN 2) ĐỂ ĐÁNH GIÁ TÍNH AN TOÀN VÀ TÍNH SINH MIỄN DỊCH CỦA VẮC XIN COVIVAC DO IVAC SẢN XUẤT TRÊN NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH TỪ 18 TUỔI VÀ TỪ 60 TUỔI TRỞ LÊN TẠI VIỆT NAM”


TỔNG QUÁT GIAI ĐOẠN 2
- Thời gian bắt đầu nghiên cứu: 10/08/2021, thời gian kết thúc tiêm mũi 2: 20/9/2021;
- Thời gian gửi mẫu làm xét nghiệm miễn dịch: tháng 10/2021; thời gian báo cáo kết quả giữa kỳ, chọn 1 mức liều vắc xin COVIVAC chuyển sang giai đoạn 3: cuối tháng 11/2021; thời gian kết thúc nghiên cứu giai đoạn 2: 6 tháng sau tiêm mũi 2;
- Tổng số đối tượng tham gia 375 người, nam và nữ, tuổi từ 18-59 và ≥ 60 tuổi, phân thành 3 nhóm, mỗi nhóm 125 người (1:1:1); trong đó độ tuổi ≥ 60 tuổi chiếm tỷ lệ 1/3;
- Sản phẩm nghiên cứu: vắc xin COVIVAC với mức liều 3 µg và 6 µg và vắc xin AstraZeneca;
- Hai nhóm đối tượng tiêm 2 mức liều vắc xin COVIVAC (3µg hoặc 6µg) và 1 nhóm đối tượng tiêm vắc xin AstraZeneca (AZD1222)
- Điểm nghiên cứu tại Trung tâm Y tế huyện và các Trạm y tế tại Huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình


VAI TRÒ CHỦ CHỐT VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC BÊN

- Đề cương nghiên cứu giai đoạn 1 và 2 được Bộ Y tế phê duyệt ngày 26/02/2021;
- Đề cương giai đoạn 2 được Hội đồng Đạo đức chấp thuận ngày 09/08/2021
- Tổ chức nhận thử: Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (NIHE)
- Nghiên cứu viên chính (PI):1)GS.TS.Đặng Đức Anh, NIHE; 2) PGS.TS.Vũ Đình Thiểm, NIHE
- Điểm nghiên cứu: Trung tâm Y tế huyện và các Trạm y tế tại Huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình
- Đơn vị quản lý dữ liệu độc lập: BIOPHICS, Đại học Mahidol, Thái Lan;
- Phòng xét nghiệm miễn dịch: NEXELIS, Laval, Quebec, Canada
- Phòng thí nghiệm vi sinh vật: Khoa vi rút, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương;
- Đơn vị giám sát độc lập nghiên cứu: Vietstar;
- Nhóm giám sát theo đề cương (PSRT), gồm 5 người;
- Ban đánh giá an toàn và dự liệu độc lập (DSMB), gồm 3 chuyên gia.
- Tổ chức hỗ trợ kỹ thuật: Văn phòng PATH tại Việt Nam, Văn phòng PATH tại Mỹ;
- Nhà tài trợ: Viện vắc xin và sinh phẩm y tế (IVAC);
- Nhóm giám sát an toàn của nhà tài trợ: giám sát theo định kỳ
- Hội đồng Đạo Đức/BYT: quản lý và thanh, kiểm tra bất kỳ
 

MỤC TIÊU
Đánh giá tính an toàn và tính sinh miễn dịch vắc xin COVIVAC ở 2 mức liều 3 µg và 6 µg để chọn ra 1 mức liều tối ưu cho nghiên cứu giai đoạn 3.

•    Mục tiêu chính đánh giá tính sinh miễn dịch:
- Đánh giá đáp ứng kháng thể trung hòa SARS-CoV-2 bằng xét nghiệm giảm đám hoại tử vi rút (PNA50)
- Đánh giá đáp ứng miễn dịch IgG kháng protein S của SARS-CoV-2 bằng xét nghiệm ELISA
- Thăm dò đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào bằng xét nghiệm ELISpot
- Thăm dò đáp ứng miễn dịch của từng mức liều vắc xin COVIVAC với đáp ứng miễn dịch của vắc xin đối chứng để chuẩn bị thiết kế tốt hơn cho nghiên cứu giai đoạn 3.

•    Tính an toàn và khả năng dung nạp:
- Đánh giá tính an toàn và khả năng dung nạp của COVIVAC với hai mức liều vắc xin 3 µg và 6 µg ở người trưởng thành theo từng nhóm 18-59 tuổi và ≥60 tuổi

THIẾT KẾ NGHIÊN CỨU
- Mỗi đối tượng tiêm bắp 2 liều (hoặc vắc xin AZD1222 hoặc COVIVAC 3 µg hoặc COVIVAC 6 µg), mỗi liều cách nhau 28 ngày;
- Kề cả lần tiêm liều đầu tiên các đối tượng được thăm khám theo dõi an toàn `7 lần vào các ngày thứ D1, D8, D29, D36, D43. D57 và D197 (khoảng 6 tháng);
- Xét nghiệm đáp ứng miễn dịch vào các ngày: trước khi tiêm mũi 1 và 14 ngày, 6 tháng sau tiêm mũi 2;

CÁC BIẾN SỐ PHÂN TÍCH
•    Các biến số tính an toàn, khả năng dung nạp:
- Số lượng và mức độ nặng của các biến cố bất lợi (AE) toàn thân và tại chỗ trong dự kiến trong vòng 7 ngày sau mỗi liều vắc xin.
- Số lượng, mức độ nặng và mối liên quan của tất cả các AE ngoài dự kiến trong vòng 28 ngày sau mỗi liều vắc xin.
- Số lượng, mức độ nặng và mối liên quan của các biến cố bất lợi nghiêm trọng (SAE) trong suốt thời gian tham gia nghiên cứu của đối tượng.
- Số lượng, mức độ nặng và mối liên quan của các AE cần đến cơ sở y tế để thăm khám (MAAE) trong suốt thời gian tham gia nghiên cứu của đối tượng.
- Số lượng, mức độ nặng/nhẹ và mối liên quan của các AE cần quan tâm đặc biệt (AESI) trong suốt thời gian tham gia nghiên cứu của đối tượng, bao gồm AESI liên quan đến COVID-19 và các tình trạng y khoa tiềm ẩn do miễn dịch qua trung gian tế bào (PIMMC).

•    Các biến số tính sinh miễn dịch: Phân tích tại thời điểm trước khi tiêm vắc xin, và thời điểm 14 ngày; 6 tháng sau tiêm liều 2.

-    Phân tích kháng thể trung hòa vi rút SARS-CoV-2
    + Trung bình nhân hiệu giá kháng thể trung hòa (GMT).
    + Số lần tăng trung bình nhân (GMFR) hiệu giá kháng thể trung hòa so với trước khi tiêm.
    + Tỷ lệ % đối tượng có đáp ứng tăng hiệu giá kháng thể trung hòa ≥4 lần và ≥10 lần so với trước tiêm

-    Phân tích kháng thể IgG kháng protein S:
    + Trung bình nhân (GMT) hiệu giá kháng thể IgG kháng protein S
    + Số lần tăng trung bình nhân (GMFR) hiệu giá kháng thể IgG kháng protein S so với trước khi tiêm
    + Tỷ lệ % đối tượng có đáp ứng tăng hiệu giá kháng thể  IgG kháng protein S  ≥4 lần và ≥10 lần so với trước tiêm.

-     Đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào về các chỉ số Th1; Th2 liên quan đến sinh Interferon gama và Interlekin 5.
 
***

                                                                                                               PGS. TS. BS. Lê Văn Bé