Thứ ba, ngày 21 tháng 01 năm 2025
Hợp tác quốc tế
Hình ảnh
THÔNG TIN ĐẤU THẦU
VIỆN VẮC XIN VÀ SINH PHẨM Y TẾ
Sai lầm tai hại gây nhiều vụ thương vong do chó cắn và bệnh dại
Dại là một trong những virus nguy hiểm nhất. Một khi nạn nhân phát triệu chứng, cơ hội sống sót gần như không còn.
 
Nhiều trường hợp bị chó cắn không tiêm vaccine phòng bệnh làm tăng nguy cơ mắc bệnh dại. Ảnh: Shutterstock.
 
 
    Bé gái 4 tuổi, ngụ Bình Thuận, được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM vì vết thương khắp mặt, mũi. Thủ phạm gây ra vết thương này lại là một con chó nhỏ khoảng 6 tháng tuổi.
    Theo báo cáo của Trung tâm Y tế Hàm Tân (Bình Thuận), lúc mới bị chó cắn, bé không được tiêm phòng dại mà gia đình điều trị bằng phương pháp dân gian. Đến khi nhập viện, tức sau 9 ngày kinh hoàng, bé không qua khỏi do mắc bệnh dại.
    Đây không phải trường hợp hiếm hoi bị chó mèo, súc vật cắn, cào gây thương vong trong thời gian gần đây.
    Dại là căn bệnh không mới và luôn được cảnh báo thường xuyên do người Việt có thói quen nuôi chó mèo trong nhà. Tuy nhiên, những sai lầm, chủ quan có thể khiến nhiều người gặp nguy hiểm từ chính những vật nuôi này.
 
    Hậu quả đau lòng
    Một trường hợp khác đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM là ông V.V.T., 53 tuổi, ngụ Đắk Lắk.
    Ông T. nhập viện trong tình trạng sốt không rõ nguyên nhân, viêm màng não, nhiễm trùng máu. Các bác sĩ nghi ngờ người bệnh bị dại, vì có biểu hiện hoảng loạn, lo lắng và có cảm giác ngộp thở khi uống nước.
    Đau lòng hơn, ông N.V.Đ., 60 tuổi, ngụ Phú Yên, khi đánh đuổi một con chó lạ chạy vào nhà thì bị cắn vào tay trái. Vết thương chảy máu nhưng chủ quan không đi tiêm vaccine phòng dại.
Một bệnh nhi nhập viện tại Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng có nhiều vết thương
vùng mặt và đầu do bị chó cắn. Ảnh: BVCC.
    Sau khi bị cắn, ông Đ. xuất hiện triệu chứng mệt mỏi, sợ nước, sợ gió, được người nhà đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Yên. Vài ngày sau, ông Đ. tử vong.
    Chỉ 7 ngày nghỉ Tết Giáp Thìn mới đây, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), tiếp nhận gần 90 trường hợp bị chó, mèo, khỉ, chuột, thỏ... cắn hoặc cào. Trẻ em chiếm 90% trong các trường hợp bị súc vật tấn công.
    Các bác sĩ cho biết rất nhiều vật nuôi tấn công người chưa được tiêm vaccine phòng dại. Thời điểm người bị cắn lại rơi vào dịp nghỉ dài, khiến việc tiếp cận với huyết thanh, vaccine phòng dại khó khăn, làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
 
    Không còn cơ hội sống khi phát bệnh
    Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do virus, rất nguy hiểm. Virus dại có thể lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, cào, thậm chí chỉ cần vết liếm trên da bị tổn thương.
    Ngoài ra, virus dại có thể lây từ người sang người qua cấy ghép mô, phủ tạng hoặc tiếp xúc với chất tiết của người bị dại.
    Thời gian ủ bệnh dại ở người thông thường 1-3 tháng sau phơi nhiễm, hiếm khi có trường hợp thời gian ủ bệnh ngắn dưới 9 ngày hoặc dài tới một vài năm.
    Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng, vị trí của vết cắn có liên quan đến nơi có nhiều dây thần kinh, khoảng cách từ vết cắn đến não, số lượng virus xâm nhập. Vết cắn của động vật càng nặng, gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.
    Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có trên 10 triệu người bị súc vật dại hoặc nghi dại cắn phải đi điều trị dự phòng bằng vaccine, có khoảng 60.000-70.000 người chết do bệnh này.
    Tại Việt Nam, bệnh dại lưu hành ở nhiều địa phương, chủ yếu ở các tỉnh miền núi với nguồn truyền bệnh chính là chó, mèo. Các biểu hiện lâm sàng của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn đến tử vong.
    Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100%. Tuy vậy, bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vaccine và huyết thanh.
    Khi bị chó, mèo hoặc động vật hoang dại cắn hay gây tổn thương, mọi người cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được tư vấn, hướng dẫn dự phòng. Đặc biệt, người dân cần lưu ý những vết cắn vào các vùng nguy hiểm như đầu, mặt, cổ.
    Các bác sĩ cho hay dự phòng dại bằng huyết thanh và vaccine là giải pháp duy nhất, hiệu quả nhất để bảo vệ tính mạng của người bị phơi nhiễm. Việc tự ý điều trị bằng thuốc nam, lấy nọc, đắp lá cây... có thể gây nguy hiểm, tạo điều kiện cho virus xâm nhập vào cơ thể nhanh chóng hoặc gây ra các tình trạng nhiễm trùng cơ hội.
    Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, huyết thanh kháng dại được tiêm càng sớm càng tốt vào ngày đầu sau khi bị cắn, hoặc trong vòng 7 ngày sau mũi vaccine đầu tiên.

Link bài viết: https://baomoi.com/sai-lam-tai-hai-gay-nhieu-vu-thuong-vong-do-cho-can-va-benh-dai-c48367547.epi?utm_source=dapp&utm_medium=zalochat&utm_campaign=share
Các bài viết khác