Trong tháng 10, việc WHO chấp nhận và thông qua R21, vaccine sốt rét một liều mới do Oxford và Viện Serum (Ấn Độ) phát triển đã cộng thêm một phương thức phòng ngừa căn bệnh truyền nhiễm vùng nhiệt đới này, sau khi đã có vaccine RTS,S vào năm 2021. Đây được coi là một cột mốc cho nỗ lực 60 năm phát triển vaccine sốt rét trên phạm vi toàn cầu. PGS. Ethan Mollick của trường Wharton, ĐH Pennsylvani, nhận xét trên trang cá nhân “Tôi không hề cường điệu khi nói rằng đây là một trong những thành công lớn bậc nhất lịch sử y học thế giới. Sốt rét là một kẻ thù nguy hiểm của con người. Ước tính nó là thủ phạm dẫn đến cái chết của 5% người từng sống trên Trái đất – 5 tỉ người”.
Với Việt Nam, một quốc gia nhiệt đới và chịu nhiều xáo trộn trong lịch sử về môi trường sống, sốt rét không hề là một căn bệnh xa lạ. Sốt rét, ngã nước hay chứng ngược tật – căn bệnh kinh hoàng trong ký ức những người dân đồng bằng châu thổ di cư lên vùng cao theo tiếng gọi của phong trào khai hoang làm kinh tế mới từ những năm 1980 và trước nữa, loại bệnh hoành hành trong các đồn điền cao su thời Pháp thuộc, dẫn đến cái chết của nhiều phu phen hoặc rút cạn sinh lực của họ, gần như đã lùi về quá khứ. Tuy nhiên theo một cuộc họp vào tháng 3/2023, do Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương phối hợp Văn phòng Bộ Y tế, PATH tổ chức, mặc dù 42 tỉnh thành ở Việt Nam đã đẩy lùi được sốt rét nhưng vẫn còn gần 7 triệu người sống trong vùng sốt rét lưu hành, tập trung chủ yếu ở tỉnh Lai Châu, Bình Phước và một số tỉnh ở miền Trung, Tây Nguyên. Điều đó có nghĩa là nguy cơ bùng phát căn bệnh này có thể vẫn chực chờ lẩn quất ở đâu đó trong những vùng này. Trong bối cảnh ấy, vaccine R21 có thể là một phương thức quan trọng mới để kiểm soát bệnh sốt rét ở Việt Nam, bên cạnh những giải pháp cổ điển như giám sát vùng có nguy cơ, giám sát vector truyền bệnh, phòng ngừa muỗi đốt…
Nhưng vaccine R21 có thực sự cần thiết khi thế giới đã có RTS,S để chèo chống việc ngăn ngừa sốt rét? Câu hỏi riêng về một căn bệnh đã tồn tại hàng nghìn năm này còn dẫn chúng ta đến một câu hỏi lớn hơn: tại sao cần phải đầu tư nhiều tiền của cho nghiên cứu và phát triển các vaccine mới?
Việc Việt Nam có thể tự sản xuất vaccine có ý nghĩa lớn về kinh tế và xã hội bởi ngoài việc tự chủ và phát triển được công nghệ, chúng ta có thể chủ động phát triển được sản phẩm để dùng trên diện rộng của quốc gia mình một cách kịp thời.
Vaccine, một sản phẩm đặc biệt
Trong Vaccines, một trong những cuốn sách kinh điển về ngành vaccine xuất bản vào năm 1988, GS. Stanley Alan Plotkin, người từng cố vấn cho nhiều nhà sản xuất vaccine như Sanofi Pasteur, thốt lên “Thật khó mà phóng đại về tác động của chủng ngừa với sức khỏe của mọi người trong thế giới này. Bởi xét cho cùng thì ngoài nước sạch, không phương thức nào khác lại đạt được hiệu quả lớn lao trong việc giảm thiểu tỉ lệ tử vong và gia tăng tỉ lệ sinh như vaccine”.
Có lẽ, trong kỷ nguyên của miễn dịch học, không có thứ vũ khí nào hiệu nghiệm hơn việc chủng ngừa vaccine trong quá trình chống lại các bệnh truyền nhiễm. Có một đặc điểm khác biệt của các loại bệnh truyền nhiễm là khi con người bị phơi nhiễm các tác nhân gây bệnh, họ sẽ dễ trở thành một vector lây nhiễm và truyền bệnh cho những người khác. Tình huống này, nói như đại sứ EU tại ASEAN Igor Driesmans, khiến “không ai an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn”. Trước nguy cơ lây lan đó, “các vaccine như một sự hứa hẹn hiệu quả bậc nhất của y sinh: ngăn ngừa bệnh dịch”, TS. Aurélia Nguyễn, Giám đốc chiến lược Chương trình của Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI), cho biết như thế trong một công trình nghiên cứu của mình.
Thật kỳ lạ là bất chấp việc theo thời gian, vaccine đã trở thành một trong số những loại hình sản phẩm phổ thông bậc nhất trên thị trường thế giới và chứng thực được sức mạnh của mình nhưng lại không có nhiều người hiểu tường tận các vấn đề của vaccine. Với người làm nghề như GS. Nguyễn Thu Vân (VABIOTECH), vaccine thực sự khác biệt với những sản phẩm khác, thậm chí khác với cả dược phẩm, bởi “vaccine tiêm cho người khỏe trên diện đại trà và mang tính chất dự phòng nên nó phải đảm bảo tính an toàn bởi nếu có vấn đề gì bất lợi xảy ra thì nó sẽ xảy ra hàng loạt”. Tiêu chí an toàn và hiệu quả của vaccine là hai mặt của một vấn đề, không hiệu quả tức là không an toàn, TS. Dương Hữu Thái (IVAC) luôn nhắc đi nhắc lại điều đó. “Công nghệ nào là công nghệ, thế hệ mới hay thế hệ cũ, cũng đều là vấn đề này. Dẫu qua giai đoạn kiểm định, vaccine đáp ứng được hết các tiêu chí nhưng nếu mình còn lăn tăn về một trong hai yếu tố là phải dừng lại xem xét cả lô sản phẩm”, anh nói.
Hai mặt của vấn đề này chi phối toàn bộ quá trình nghiên cứu và sản xuất vaccine, một quá trình phức tạp dựa vào các hệ thống sinh học (lên men, nhân kháng nguyên, gặt kháng nguyên, tinh chế tách chiết…) và hệ thống quản lý chất lượng, điều mà TS. Vũ Minh Hương ở PATH đánh giá là “yếu tố cốt lõi về an toàn và chất lượng của vaccine. Nếu không đạt được điều này thì có nghĩa chúng ta thất bại”.
Dây chuyền sản xuất vaccine sởi ở Polyvac.
Đây cũng là lý do khiến chi phí trực tiếp và gián tiếp của ngành vaccine đều ở mức rất cao, trong đó chi phí gián tiếp để giữ sự ổn định và tính cập nhật liên tục của dây chuyền sản xuất trong suốt vòng đời.
Nhưng sự đắt đỏ của ngành vaccine nằm ở chỗ đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu cho mỗi dây chuyền sản xuất mỗi loại vaccine cũng từ 50 triệu đến 500 triệu USD, tùy thuộc vào độ phức tạp của thiết kế, tự động hóa, công đoạn tách chiết, kiểm soát tạp chất, hoặc lên tới 700 triệu USD cho sản xuất nhiều loại vaccine, theo nhận định của GS. Plotkin. Tuy cho rằng con số này có thể thấp hơn đối với việc xây dựng cơ sở sản xuất ở các quốc gia đang phát triển nhưng ông cũng bổ sung: có thể giá thành ở các quốc gia này còn cao hơn nữa bởi có nhiều chi phí khác nảy sinh trong quá trình sản xuất như nhập khẩu nguyên liệu thô, thậm chí có thể phải thuê một số chuyên gia quan trọng…
Có lẽ, chưa cần tính đến chi phí và nguồn nhân lực có kỹ năng cao để phát triển vaccine cũng như chi phí cho quá trình thử nghiệm lâm sàng, bước hoàn tất để một vaccine được các nhà quản lý chính thức cấp phép lưu hành, thì chúng ta đã có thể tạm hình dung ra những vấn đề riêng có của ngành vaccine về chất lượng và chi phí đầu tư. Tuy nhiên, thách thức đối với các nhà sản xuất vaccine và còn nằm ở chỗ, phải mất rất nhiều năm để xây dựng và đánh giá được hiệu quả của một cơ sở, một dây chuyền sản xuất. “Điều đó có nghĩa là việc đầu tư kinh phí cho sản xuất vaccine luôn đi kèm với rủi ro vì không ai biết được liệu vaccine đó có được các nhà quản lý cấp phép hay không và nó có được người dùng định giá và mua hay không. Trong khi đó, các vaccine đang được phát triển ngày nay, dẫu là vaccine tái tổ hợp hay sử dụng tá chất, đều phức tạp hơn nhiều và sử dụng những công nghệ tinh vi hơn nhiều so với ‘anh chị em mình’ trong quá khứ”, TS. Aurélia Nguyễn lưu ý.
Đó là lý do mà các chuyên gia đều cho rằng, vaccine không phải ngành siêu lợi nhuận. GS. sinh học cấu trúc James Naismith, trường Đại học Oxford và Giám đốc Viện Nghiên cứu Rosalind Franklin, nhấn mạnh sự thắng đậm của Pfizer, Moderna và Sinopharm trong đại dịch COVID là trường hợp ngàn năm có một.
Chắc hẳn, sau khi đã nhìn lại một loại yếu tố riêng có của ngành vaccine thì ai đó cũng có thể tự hỏi: Với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, khi các nguồn lực còn hạn hẹp thì việc đầu tư cho nghiên cứu, phát triển và sản xuất vaccine có cần thiết?Phát triển vaccine hay tiếp nhận công nghệ làm vaccine mới ở Việt Nam không còn là chuyện cần hay không nữa mà là việc nên có những chính sách và lộ trình phù hợp như thế nào.
Tại sao phải phát triển và sản xuất vaccine?
Câu chuyện phát triển vaccine mà ai nấy đều chứng kiến ở đại dịch COVID 19, dịp hiếm hoi khiến cả xã hội nhìn vào nhất cử nhất động của ngành vaccine, và trên nhiều trang mạng xã hội, có những ý kiến cho rằng, Việt Nam không cần phải phát triển vaccine vì nếu cần thì có thể đi nhập ở nước ngoài về, vừa sẵn có lại vừa an toàn. Có lẽ, không ai hiểu vaccine bằng những người gắn bó với nó cả cuộc đời. “Trước đây, vaccine nhập khẩu từ các nguồn viện trợ không hoàn lại giúp giảm bớt nguồn chi từ ngân sách dành cho sản xuất vaccine trong nước, đồng thời giúp người dân được sử dụng những sản phẩm vaccine tiên tiến của nước ngoài. Tuy nhiên, nguồn viện trợ ODA này không thể kéo dài vĩnh viễn, vì Việt Nam nay đã trở thành một nước có mức thu nhập trung bình”, GS. Nguyễn Thu Vân phân tích trong một cuộc phỏng vấn của Tia Sáng vào năm 2012, đồng thời chỉ ra một hệ lụy của việc phụ thuộc vào nguồn cung cấp vaccine của quốc tế “sẽ khiến chúng ta trả giá khi quốc tế ngừng viện trợ, vì giá thành vaccine của nước ngoài rất cao”.
Nhưng vấn đề không chỉ dừng lại ở đây, “nếu nhận vaccine tài trợ thì các tổ chức quốc tế như WHO, UNICEF họ cũng phải đi quyên góp, đặt hàng vaccine, còn nếu Việt Nam tự [bỏ tiền ra] mua vaccine thì vừa đắt lại mất thời gian chờ đợi không dưới sáu tháng”, PGS. Lê Văn Bé (IVAC) cho biết. Quá trình sản xuất vaccine có những biệt lệ, đó là phải đáp ứng một quy trình thử nghiệm và thẩm định chất lượng nghiêm ngặt, ví dụ như sản xuất vaccine BCG ở IVAC, “từ quy trình nuôi cấy, cấy truyền, gặt tế bào, phân ống vô vaccine rồi đông khô, hàn ống, kể cả đóng gói sinh phẩm, đến quy trình kiểm định cấp 2, kiểm định độc lập ở Viện Kiểm định Quốc gia Vắc xin và Sinh phẩm y tế thì phải sáu tháng thì mới có được vaccine cung cấp cho Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia”, ThS. Nguyễn Thành Tín (IVAC) nói. Do vậy, nói như GS. Nguyễn Thu Vân “Nếu chờ đến lúc quốc tế không viện trợ nữa mới đặt hàng trong nước thì đã muộn bởi nhà sản xuất vaccine trong nước không thể nào đột ngột tăng quy mô sản xuất một cách quá nhanh. Và một khi để xảy ra tình trạng thiếu vaccine thì rủi ro mà cộng đồng phải gánh chịu rất lớn”.
Trong lịch sử ngành vaccine, đã có nhiều ví dụ đau thương cho cộng đồng khi lơ là tiêm chủng. “Chúng ta nhớ lại bài học ở nước Nga khi Liên Xô mới sụp đổ. Khi ấy, người ta đã không tiêm chủng đủ và dịch bạch hầu bùng phát, mặc dù từ trước đó rất lâu bệnh này đã không còn xuất hiện”, GS Nguyễn Thu Vân dẫn ra. Từ những năm 1950 -1960, bệnh bạch hầu đã giảm mạnh ở Liên Xô nhờ tiêm chủng. Tuy nhiên vào những năm 1990, sự bùng phát trở lại của bệnh bạch hầu đã lan rộng khắp Nga do các chủng Corynebacteria diphtheriae có khả năng sinh độc tố vẫn còn tồn tại. Hệ quả là hơn 115.000 trường hợp mắc bệnh và 3.000 trường hợp tử vong từ năm 1990 đến năm 1997, và trái ngược với tình hình thời kỳ tiền tiêm chủng, hầu hết các trường hợp mắc bệnh và tử vong đều xảy ra với người lớn chứ không phải trẻ em.
Hệ sinh thái vaccine bao gồm rất nhiều viện nghiên cứu, cơ sở thử nghiệm, đánh giá,
cơ quan quản lý. Ảnh: Phòng thí nghiệm của Viện Pasteur TP.HCM .
Vì vậy, giá trị của việc một quốc gia như Việt Nam có thể tự sản xuất vaccine, theo PGS. Lê Văn Bé, “nó hợp lý về mặt kinh tế và xã hội bởi ngoài việc tự chủ và phát triển được công nghệ, chúng ta có thể chủ động phát triển được đầu sản phẩm để dùng trên diện rộng quốc gia mình một cách kịp thời”.
Những đổi mới sáng tạo của ngành vaccine còn mở ra một thực tế mới: vaccine không chỉ là phương cách tốt để bảo vệ và ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm ác tính hay mãn tính mà còn là cách điều trị khỏi các bệnh không lây nhiễm như ung thư, bệnh tự miễn, dị ứng… Trong kỷ nguyên của liệu pháp miễn dịch, vaccine còn được thiết kế để có thể hướng đích trực tiếp đến các khối u hoặc khuếch đại phản hồi miễn dịch chống ung thư. Kể từ khi Sipuleucel-T được FDA chấp nhận sử dụng để điều trị ung thư tuyến tiền liệt vào năm 2010, một cuộc chạy đua phát triển các vaccine chống ung thư với sự hỗ trợ của các nền tảng công nghệ của các hệ “omics”, thiết bị khối phổ trong phân tích biểu hiện từng tế bào của gene và protein, dự đoán kháng nguyên, sinh học tính toán và học máy đã đưa “chúng ta đến gần với một cuộc cách mạng trong phát triển vaccine ung thư”, GS. sinh học phân tử Matthew Vander Heiden, Giám đốc Viện nghiên cứu Tích hợp ung thư Koch phát biểu khai mạc hội thảo thường niên của Viện, diễn ra vào tháng 10/2023, đồng thời chỉ ra hàng chục ca thử nghiệm lâm sàng vaccine ung thư mRNA đang được tiến hành.
Đó cũng là điều khao khát của bất cứ đơn vị phát triển và sản xuất vaccine nào của Việt Nam, bất chấp nguồn lực vẫn còn khiêm tốn. Tại sao mình không thể nghĩ đến việc một ngày nào đó, ngoài các vaccine cho chương trình tiêm chủng mở rộng, phòng chống các bệnh truyền nhiễm, có thể phát triển và sản xuất được vaccine ung thư để chia sẻ gánh nặng điều trị với những phương pháp hiện hành? Điều này càng có ý nghĩa hơn khi theo thông tin từ Hội thảo Phòng chống ung thư Hà Nội năm 2022, tại Việt Nam, ước tính có 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong do ung thư; tình trạng mắc mới và tử vong do ung thư ở Việt Nam đều đang tăng.
Do vậy, phát triển vaccine hay tiếp nhận công nghệ làm vaccine mới ở Việt Nam không còn là chuyện cần hay không nữa mà là việc nên có những chính sách và lộ trình phù hợp như thế nào.
Mặc dù mỗi nhà sản xuất vaccine có thể chọn nhiều cách tiếp cận khác nhau nhưng con đường phải đi của một loại vaccine từ phòng thí nghiệm đến lúc được cấp phép chỉ có một và cũng phụ thuộc chủ yếu vào một nguồn lực quan trọng: khu vực công
Sản phẩm đặc biệt cần chính sách đặc biệt
Câu chuyện đầu tư cho một sản phẩm ở một quốc gia hạn hẹp về nguồn lực khác biệt với những quốc gia phát triển, tuy nhiên có một vấn đề là vaccine, dù sản xuất ở quốc gia nào cũng cần đạt các tiêu chuẩn ngặt nghèo, không chỉ ở cấp quốc gia mà còn ở cấp quốc tế. Do đó, mặc dù mỗi nhà sản xuất vaccine có thể chọn nhiều cách tiếp cận khác nhau nhưng con đường phải đi của một loại vaccine từ phòng thí nghiệm đến lúc được cấp phép chỉ có một và cũng phụ thuộc chủ yếu vào một nguồn lực quan trọng: khu vực công.
Tại sao lại là khu vực công mà không phải tư nhân đầu tư cho vaccine? Những thông tin bề nổi về các loại vaccine COVID-19, gắn liền với các nhà sản xuất như Pfizer-BioNTech, Moderna, AstraZeneca, Sinopharm… có thể khiến người ta cho rằng, đây là nỗ lực riêng có của các công ty hoặc các liên minh. Thực tế là riêng với các vaccine mRNA của Mỹ, sản phẩm đem lại cho Moderna 18,1 tỷ USD, Pfizer-BioNTech 13,1 tỉ USD, đằng sau đó là nỗ lực đầu tư bền vững của Chính phủ Mỹ ít nhất 31,9 tỉ USD cho nghiên cứu, phát triển, chuỗi cung cấp vaccine và mua các vaccine, kể từ năm 1985 cho đến tháng 3/2022. Một nghiên cứu xuất bản trên tạp chí BMJ vào tháng 3/2023 tính cụ thể, có 4.627 công bố quốc tế liên quan đến 2.676 đề tài do Viện Sức khỏe Quốc gia (NIH) tài trợ, trong đó có 34 đề tài của NIH với tổng giá trị tài trợ 692 triệu USD liên quan trực tiếp đến một trong bốn phát hiện quan trọng của vaccine mRNA. Tài trợ thêm của Cơ quan R&D Y sinh tiên tiến (BARDA) và Bộ Quốc phòng Mỹ (DOE) đã góp phần nâng các khoản đầu tư công của Mỹ cho nghiên cứu tiền đại dịch và phát triển lên 337 triệu USD. Các khoản đầu tư này cũng rất quan trọng khi BARDA tài trợ cho thử nghiệm lâm sàng, khoa học cơ bản, chuyển giao và nâng cao năng lực sản xuất vaccine mRNA với Moderna, DOE đầu tư cho Moderna và CureVac.
Chương trình tiêm chủng mở rộng cung cấp vaccine miễn phí cho trẻ em. Nguồn: VTV.
Từ khi đại dịch bắt đầu vào năm 2020 đến tháng 3/2022, Chính phủ Mỹ đã chi ít nhất 2,3 tỷ USD cho R&D vaccine; ngoài BARDA tài trợ cho các thử nghiệm lâm sàng của Moderna, NIH tài trợ cho các thử nghiệm lâm sàng khác… Ngoài ra, cả DOE và BARDA đã chi thêm 29,2 tỷ USD qua cam kết mua hai tỷ liều vaccine, chủ yếu cho người Mỹ và quyên góp vaccine toàn cầu.
Theo một nghiên cứu trên JAMA vào tháng 8/2022, khi xem xét 200 trường hợp thử nghiệm lâm sàng, các nhà nghiên cứu kết luận, phần lớn các trường hợp này đều được tài trợ từ các nguồn lực công. Nghiên cứu do khu vực công tài trợ và các viện nghiên cứu y học đóng vai trò dẫn dắt trong suốt các giai đoạn đầu của đại dịch và nỗ lực của họ là nhằm hướng đến phát triển các vaccine và liệu pháp hiệu quả.
Trường hợp của vaccine mRNA là một minh chứng mà cuốn Financing Vaccines in the 21st Century: Assuring Access and Availability (Tài chính cho vaccine trong thế kỷ 21: Đảm bảo khả năng tiếp cận và tính sẵn có) do NXB Học viện Y quốc gia Mỹ xuất bản vào năm 2003, đã chỉ ra, mặc dù vaccine là công cụ quan trọng để phòng bệnh và có giá trị xã hội đáng kể nhưng chúng thường tạo ra doanh thu thấp hơn so với thuốc và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe khác, đồng thời lại có cơ hội kém hấp dẫn với đầu tư tư nhân. Vì vậy, đi đầu và chủ yếu trong tài trợ cho vaccine bao giờ cũng là lĩnh vực công.
Vaccine không chỉ là thứ sản phẩm tham gia bảo vệ sức khỏe của một xã hội; hơn thế, những công nghệ phức tạp và tiên tiến để làm ra nó còn góp phần xây dựng năng lực và sự tự chủ của một quốc gia.
Có lẽ, những người làm vaccine ở Việt Nam cũng chưa tường tận lắm về việc những chính sách đầu tư cần được thiết kế như thế nào cho phù hợp với bối cảnh đất nước nhưng họ hiểu rằng, tất cả chính sách đó phải hướng đến việc đầu tư thật bài bản để có thể thiết lập được một hệ sinh thái đầy đủ, nghĩa là không chỉ tập trung cho chính họ mà còn đầu tư vào các viện nghiên cứu, các tổ chức thử nghiệm, đánh giá, các cơ quan quản lý vaccine… Và muốn bền vững phải bắt đầu từ nghiên cứu cơ bản. Trong một phiên họp tại Bộ KH&CN vào tháng 5/2020, TS. Đỗ Tiến Đạt (VABIOTECH) từng lưu ý một vấn đề tưởng như rất nhỏ trong quá trình nghiên cứu và phát triển vaccine là tối ưu mô hình đánh giá trên khỉ – mô hình động vật dễ nhất để sau đó được chấp nhận nghiên cứu lâm sàng trên người. Nhờ có sẵn mô hình thử nghiệm tối ưu do các đơn vị chuyên biệt nghiên cứu, các nhà phát triển vaccine quốc tế đã có thể phát triển vaccine thần tốc: Trung Quốc chỉ cần đánh giá trên tám khỉ hay ĐH Oxford/Astra chỉ đánh giá trên sáu khỉ. Do đó, theo nhìn nhận của anh, “Việt Nam cũng cần học hỏi vấn đề này, không chỉ riêng trong xây dựng mô hình động vật mà còn mô hình đánh giá trên người”…
Phải chăng đã đến lúc vaccine Việt Nam cần một cơ chế đầu tư mới! Bởi xét cho cùng, vaccine không chỉ là thứ sản phẩm tham gia bảo vệ sức khỏe của một xã hội; hơn thế, những công nghệ phức tạp và tiên tiến để làm ra nó còn góp phần xây dựng năng lực và sự tự chủ của một quốc gia.
Link bài viết: https://tiasang.com.vn/quan-ly-khoa-hoc/ai-nen-dau-tu-cho-vaccine/