Đạt được điều này là cả một quá trình kiên trì, “nếu nói riêng về cúm A thì IVAC phải trải qua rất nhiều công đoạn như đào tạo, chuyển giao công nghệ… thông qua các đề tài nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm. Riêng thử nghiệm phải trải qua nhiều việc, thứ nhất là thiết lập một quy trình công nghệ tuân thủ yêu cầu quốc tế ở nhà máy, thứ hai là một sản xuất thử nghiệm ở quy mô nhỏ, thẩm định quy trình từng bước theo từng quy mô từ một mẻ 20 ngàn liều, một mẻ 40 ngàn liều và một mẻ 60 đến 100 ngàn liều. Khi đạt được quy mô 100 ngàn liều/mẻ, nghĩa là đủ quy mô sản xuất thương mại thì mới chuyển sang quá trình phát triển ở quy mô nhà máy”, PGS. TS Lê Văn Bé kể với Tia Sáng vào tháng 5/2021.
Các nhà sản xuất sẽ cần ít virus hơn để tạo ra một liều hiệu quả bởi có thể “gặt” được từ một quả trứng từ năm đến 10 liều NDV-HXP-S trong khi với vaccine cúm mùa chỉ có từ một đến hai liều. Đây cũng là một phần lý do giải thích vì sao, một vaccine có thể đạt đẳng cấp thế giới như vậy được IVAC định giá 60.000 đồng/liều.
Nhưng sản xuất vaccine dựa trên công nghệ trứng gà có phôi, theo ý kiến của một số nhà khoa học trên CNN, có hai nhược điểm là phụ thuộc vào nguồn trứng sạch (hy vọng không xảy ra dịch cúm gà) và quá trình nuôi cấy mất khá nhiều thời gian (có thể ít nhất sáu tháng). Vậy bài toán thời gian và nguồn nguyên liệu này có phải là điểm chặn trên đường sản xuất vaccine COVID của IVAC trong bối cảnh nước sôi lửa bỏng của đại dịch?
Hóa ra, IVAC nhìn xa trông rộng hơn người ngoài tưởng, họ đã hóa giải bài toán này từ khá lâu. “Với IVAC và các nhà sản xuất khác trong liên minh, từ lúc bắt đầu gây nhiễm virus trên trứng đến lúc ra sản phẩm cuối cùng hiện nay chỉ mất khoảng một tháng, tương tự như với vaccine cúm mùa và cúm đại dịch”, TS. Dương Hữu Thái cho biết.
Việc IVAC “tự cung tự cấp” nguồn trứng gà sạch kỳ công hơn một chút. “Trước khi phát triển vaccine cúm thì IVAC chưa có nhà sạch nuôi gà đâu mà phải mua trứng ở các trang trại ngoài Bắc để sản xuất. Nhưng thật ra trứng này không đạt tiêu chuẩn, ăn thì được nhưng làm vaccine thì không vì có mầm bệnh ở đó. Do vậy IVAC phải tính việc tự nuôi, đầu tiên xin WHO kinh phí làm một nhà, sau đấy mới mở rộng như hiện nay”, PGS. TS Lê Văn Bé nói. Đó là một hành trình khá gian nan bởi bước đầu, họ phải nhập gà của Pháp một ngày tuổi với giá 250.000 đồng/con, đạt tiêu chuẩn là giống không đồng huyết, thuần chủng và được kiểm soát sạch 12 bệnh.
IVAC xây dựng năm nhà gà để sẵn sàng nguồn cung nguồn trứng cho việc sản xuất vaccine. Nguồn: PATH/Matthew Dakin.
Việc IVAC có tới năm nhà gà, mỗi nhà gà có 10.000 con, một năm có thể cung cấp khoảng 10 triệu quả trứng sạch bệnh, mà TS. Vũ Minh Hương không khỏi tự hào pha lẫn hài hước gọi là “trứng kim cương”, hết sức giá trị trong bối cảnh này. Bởi họ lúc nào cũng có thể sẵn sàng chủ động, chủng mới về là có thể bắt tay vào sản xuất ngay như mong đợi của PATH. Đây cũng là một trong những lý do đưa IVAC thành nơi đầu tiên trong số ba nhà sản xuất trong liên minh có thành quả: lô mẫu vaccine COVID do họ sản xuất thử nghiệm đến tay các nhà khoa học ở Mount Sinai đầu tiên vào tháng 10/2020, sau năm tháng triển khai trên dây chuyền sản xuất ở Suối Dầu, Khánh Hòa, tiếp đến mới đến các lô của GPO và Butantã. “Cũng chỉ hơn kém nhau 10 ngày thôi, sau đó các nhà nghiên cứu ở đây đồng loạt thử nghiệm cả ba vaccine dự tuyển trên chuột và hamster”, PGS. TS Lê Văn Bé khiêm tốn cho biết.
Đi kèm lô hàng là bản báo cáo của IVAC về quy trình sản xuất vaccine cũng như những nhận xét của họ về hiệu quả của chủng mới. “Chúng tôi cũng không nói quá đâu nhưng chủng mới có sáu cái đột biến nên gai của nó gắn rất ổn định trên bề mặt tế bào. Cái ưu việt này ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng kháng nguyên và quy trình sản xuất”, PGS. TS Lê Văn Bé giải thích. Trong quá trình sản xuất vaccine, sản phẩm phải trải qua rất nhiều chuyển động cơ học trên máy lọc, máy siêu li tâm cũng như chịu tác động của hóa chất. Vì vậy, protein gai có nhiều điểm bám thì sản lượng hiệu giá “gặt” được sẽ lớn hơn. Mặt khác, độ bám chặt của protein gai càng cao thì sản phẩm càng ổn định, đặc biệt là ổn định trong điều kiện bảo quản vaccine thông thường: ba tháng nếu lưu trữ ở mức nhiệt độ từ 2 đến 80C hoặc hai tuần nếu ở mức 250C. “Hiện nay, IVAC đang có nhiều phương án khác nhau về liều tiêm như mức 3 microgram, 6 microgram và 10 microgram. Khi kết thúc giai đoạn hai, chúng tôi mới có thể xác định được mức liều chính xác nhưng nếu trong trường hợp liều tiêm của vaccine dự tuyển ở mức thấp như vài microgram mà vẫn có thể tạo ra được đáp ứng miễn dịch tốt thì chúng ta có thể tiết kiệm, thay vì chỉ được một liều, mình có hẳn ba liều”, PGS. TS Lê Văn Bé bổ sung.
Hiệu lực của vaccine dự tuyển này còn mang đến một lợi ích khác: các nhà sản xuất sẽ cần ít virus hơn để tạo ra một liều hiệu quả. Họ có thể “gặt” được từ một quả trứng từ năm đến 10 liều NDV-HXP-S trong khi với vaccine cúm mùa chỉ có từ một đến hai liều. “Chúng tôi vô cùng phấn khích về điều này bởi vì chúng tôi nghĩ rằng đó là một cách để làm ra một vaccine giá rẻ”, giáo sư Peter Palese nói với New York Time. Ước mơ “nhanh, nhiều, tốt, rẻ” rút cục đã được khoa học chắp cánh theo cách như vậy.
Đây cũng là một phần lý do giải thích vì sao, một vaccine có thể đạt đẳng cấp thế giới như vậy được IVAC định giá 60.000 đồng/liều. Không tính đến chuyện kinh doanh ở một vaccine đại dịch, IVAC cho rằng, quan trọng là sự sẵn sàng làm ra một sản phẩm có tiềm năng ứng phó. Phần “lãi”, nếu gọi là như vậy, chính là kinh nghiệm và hiểu biết khi được tham gia một liên minh quốc tế xuất sắc. Những đóng góp, trao đổi giữa IVAC, GPO và Butantã với các đồng nghiệp quốc tế đã được đúc kết và bổ sung vào nội dung của một công trình mới ở dạng tiền ấn phẩm trên Biorxiv về công nghệ tạo chủng NDV-HXP-S và đánh giá trên động vật thí nghiệm3.
Cũng phải nói thêm là trước khi cùng bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng trên người, cả GPO và Butantã đều tổ chức họp báo giới thiệu về sản phẩm mang tên GPO NDV-HXP-S và ButanVac của mình, đi kèm với những tuyên bố kịch tính “Vaccine được người Thái sản xuất cho người Thái…”4, “Đây là thời khắc thông báo mang tính lịch sử cho Brazil và thế giới. ButanVac là vaccine [COVID] nội đầu tiên 100%, do Viện Nghiên cứu Butantã phát triển và sản xuất hoàn toàn tại Brazil, một niềm tự hào của Brazil”…5
Khiêm tốn và lặng lẽ, IVAC chưa cho phép mình hưởng niềm vui ấy. Họ đang nghĩ về những điều khác, không chỉ là kế hoạch chuẩn bị cho thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba ở phía trước, vốn cần một khoản kinh phí “khổng lồ” với một đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ như họ. Dẫu còn giằng xé giữa nhiều suy nghĩ về việc tìm chúng ở đâu, nguồn nào thì trong tâm trí những người đứng mũi chịu sào ở IVAC vẫn dành một góc mơ mộng về tương lai: ba năm tới mở rộng lên 8 nhà gà, 10 năm tới là 12 nhà gà để sẵn sàng cho cúm mùa và cúm đại dịch rất có thể sẽ tới. Cần bao nhiêu tiền cho mỗi nhà gà như quy mô hiện nay của IVAC? Khoảng 150.000 USD/nhà, nghĩa là cũng cần một khoản đầu tư đáng kể. Đi kèm với nó sẽ là việc mở rộng quy mô dây chuyền sản xuất nữa, khá tốn kém đấy…
Nhưng thực ra tất cả có gì nhiều nhặn đâu, khi nhìn vào đại dịch này, học phí cho việc không chuẩn bị gì còn đáng kể hơn nhiều. □
----------------------
1: https://labs.icahn.mssm.edu/paleselab/
2. https://en.wikipedia.org/wiki/Peter_Palese
3. https://www.biorxiv.org/content/10.1101/2021.07.06.451301v1
4. https://www.reuters.com/article/us-health-coronavirus-thailand-vaccine-idUSKBN2BE0UD
5. https://www.emergency-live.com/news/butantan-institute-develops-butanvac-the-first-100-brazilian-vaccine-against-covid-19/