Thứ sáu, ngày 19 tháng 04 năm 2024
Hợp tác quốc tế
Hình ảnh
THÔNG TIN ĐẤU THẦU
VIỆN VẮC XIN VÀ SINH PHẨM Y TẾ
Năm 2013 - Phần 2
8. Ứng dụng tá chất  Montanide ISA 50V2 trong sản xuất huyết thanh kháng độc tố uốn ván thô
Lê Bá Bút, Lê Văn Bé.
Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế
Tạp chí Y học dự phòng, tập XXIII, số 8 (144), 2013
TÓM TẮT
Nghiên cứu so sánh ảnh hưởng của ba loại tá chất Montanide ISA 50V2 và Montanide Gel Pet A so sánh với tá chất kinh điển alumin phosphat trong đáp ứng miễn dịch kháng độc tố uốn ván trên ngựa dùng sản xuất kháng huyết thanh được thực hiện trên 5 ngựa khỏe mạnh ở mỗi nhóm.  Tổng hợp qua 3 chu kỳ từ miễn dịch cơ bản, cao độ (11 mũi tiêm) cho đến miễn dịch nhắc ở mỗi chu kỳ (3 mũi tiêm) kết quả cho thấy qui trình miễn dịch với tá chất Montanide ISA 50V2 cho đáp ứng  kháng thể cao gấp 2,5 lần so với tá chất Montanide Gel Pet A và nhôm phosphat. Đáp ứng kháng thể của ngựa miễn dịch với tá chất montanide ISA 50V2 cao kéo dài và bền vững đã làm tăng số lượng huyết thanh thô cả về số lần khai thác và tổng số hiệu giá kháng thể thu được.
9. Nhìn lại chặng đường cung cấp vắc xin cho chương trình tiêm chủng mở rộng của Viện Vắc xin và sinh phẩm Y tế
Lê Văn Bé
Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế
Tạp chí Y học dự phòng, tập XXIII, số 8 (144), 2013
TÓM TẮT
Hiện nay Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC) sản xuất và cung cấp 4 loại vắc xin cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia  bao gồm: vắc xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, uốn ván và phòng lao. Tính từ năm 1991 đến 2012, số lượng vắc xin DPT (phòng các bệnh bạch hầu, ho gà và uốn ván) đã được cung cấp cho Chương trình trên 85 triệu liều, vắc xin VAT ( phòng bệnh uốn ván và uốn ván sơ sinh)  gần 120 triệu liều và vắc xin BCG (phòng bệnh lao) 51,5 triệu liều. Với việc cung cấp ổn định và an toàn hàng trăm triệu liều vắc xin các loại, Viện đã góp phần tích cực cho chương trình TCMR loại trừ uốn ván sơ sinh năm 2005, giảm thiểu tỷ lệ mắc và tử vong đối với bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà; kiểm soát tỷ lệ mắc lao mới ở trẻ em.
10. Ứng dụng qui trình lõi sản xuất vắc xin cúm A/H5N1 theo công nghệ nuôi cấy trên chứng gà có phôi ở qui mô công nghiệp
Dương Hữu Thái, Lê Văn Bé, Nguyễn Thị Lan Phương, Lê Kim Hòa và cộng sự
Viện Vắc xin và Sinh Phẩm Y tế (IVAC)
Tạp chí Y học dự phòng, tập XXIII, số 8 (144), 2013
TÓM TẮT
Năm 2007, Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC) được đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất vắc xin cúm chuyên biệt đạt tiêu chuẩn WHO – GMP theo công nghệ nuôi cấy trên trứng gà có phôi, quy mô 1,5 triệu liều/ năm. Cho đến nay IVAC đã hoàn thiện quy trình lõi sản xuất vắc xin cúm toàn hạt vi rút, tinh khiết bất hoạt bằng formalin để sẵn sàng sản xuất vắc xin ứng phó khi có những biến thể vi rút cúm mới xuất hiện. Năm 2012, IVAC đã ứng dụng thành công công nghệ này để sản xuất 9 lô vắc xin cúm A/H5N1 tinh khiết, cô đặc, đạt tiêu chuẩn chất lượng của Tổ chức Y tế Thế giới (TCYTTG) và Dược điển Châu Âu. Các lô vắc xin cúm A/H5N1 đang được tiến hành nghiên cứu tiền lâm sàng trên súc vật thí nghiệm và chuẩn bị cho các nghiên cứu lâm sàng tiếp theo.
11. Xác định qui trình tạo ngân hàng chủng làm việc (WSL) từ chủng vi rút vắc xin cúm chuẩn thức quốc tế
Nguyễn Thị Lan Phương, Lê thị Bích Thủy, Trần Ngọc Nhơn, Đinh Thị Huấn, Nguyễn Sỹ Tuấn,  Nguyễn Thị Thùy Đoan, Trần Minh Hào
Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế, Nha Trang
Tạp chí Y học dự phòng, tập XXIII, số 8 (144), 2013
TÓM TẮT
Chủng giống sản xuất (WSL) vắc xin cúm A/H5N1, A/H1N1/09; A/H7N1 và các chủng cúm mùa 2012-2013 (A/H1N1/09, A/H3N2 và B) được nhân truyền từ các chủng vi rút vắc xin chuẩn thức do Viện Quốc gia về tiêu chuẩn và kiểm định sinh học (NIBSC – Anh) cung cấp. Qui trình tạo chủng được thực hiện trên trứng gà không mang mầm bệnh (SPF) có phôi 9-11 ngày tuổi qua ít nhất 2 đời cấy truyền liên tiếp với liều gây nhiễm từ 100 - 1000 EID50, nhiệt độ và thời gian nuôi cấy là 34 - 350C trong 72 giờ. Kết quả đã tạo được 5 lô chủng sản xuất ở dạng đông băng (-700C)  đạt yêu cầu chất lượng của Tổ chức Y tế thế giới qui định cho chủng sản xuất vắc xin về các chỉ tiêu hiệu giá chủng, hiệu giá ngưng kết hồng cầu (HA), tính đặc hiệu, tính vô khuẩn, tính thuần khiết, tính an toàn và tính ổn định di truyền.
12. Kết quả bước đầu nghiên cứu sản xuất vắc xin cúm mùa dạng mảnh theo công nghệ nuôi cấy trên trứng gà có phôi
Dương Hữu Thái, Vũ Thị Thu Hương, Nguyễn Giang, Trần Ngọc Nhơn.
Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC)
Tạp chí Y học dự phòng, tập XXIII, số 8 (144), 2013
TÓM TẮT
IVAC tiến hành nghiên cứu sản xuất vắc xin cúm mùa ba thành phần dạng mảnh trên cơ sở trang thiết bị và quy trình lõi sản xuất vắc xin cúm toàn hạt vi rút theo công nghệ nuôi cấy trên trứng gà có phôi. Sau nuôi cấy và tinh chế, sản phẩm được xử lý bằng triton X-100 để phá vỡ cấu trúc hạt vi rút trước khi bất hoạt bằng formalin và tinh sạch để thu được kháng nguyên cô đặc đơn giá. Đánh giá hiệu lực bất hoạt và chất lượng sản phẩm với các chỉ tiêu hàm lượng HA, hàm lượng protein, lượng Triton X-100 tồn dư và các tiêu chuẩn khác theo WHO/TRS 927, 2005 và DĐ Châu Âu 6.0.  Kết quả bước đầu cho thấy các lô kháng nguyên cô đặc dạng mảnh đạt tiêu chuẩn chất lượng dùng cho pha chế vắc xin cúm mùa.
13. Kết quả đánh giá tiền lâm sàng chuẩn bị cho thử lâm sàng pha I vắc xin cúm IVACFLU (A/H1N1/09)
Nguyễn Thị Lan Phương, Lê Thị Bích Thủy, Trần Ngọc Nhơn, Đinh Thị Huấn, Lê Văn Bé, Lê Kim Hòa.
Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC)
Tạp chí Y học dự phòng, tập XXIII, số 8 (144), 2013
TÓM TẮT
Nghiên cứu tiền lâm sàng của 3 lô vắc xin cúm IVACFLU 010811, 020811 và 030811 được thiết kế và thực hiện trên động vật thí nghiệm phù hợp theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Dược điển Việt nam IV, 2009  nhằm đánh giá về tính an toàn, chất gây sốt, độc tính và tính sinh miễn dịch của vắc xin. Kết quả nghiên cứu về tính an toàn và chất gây sốt cho thấy cả 3 lô vắc xin đạt yêu cầu về tính an toàn theo tiêu chuẩn Dược điển Việt nam IV, 2009 và WHO/TRS 927, 2005. Kết quả nghiên cứu độc tính cho thấy vắc xin có khả năng dung  nạp bằng đường tiêm bắp tốt,  không gây phản ứng hay tác dụng  phụ trên động vật thí nghiệm. Vắc xin tạo được đáp ứng miễn dịch với tỷ lệ 100 %  chuyển đổi huyết thanh  ≥ 40 HAI  trên cả 2 loại động vật thí nghiệm là chuột nhắt và thỏ sau khi nhận đủ 2 mũi tiêm với liều 1,5 µgHA ở chuột nhắt và 15 µgHA ở thỏ.
14. Nghiên cứu tính ổn định của vắc xin cúm một thành phần (A/H1N1/09) sản xuất ở qui mô công nghiệp
Trần Ngọc Nhơn, Nguyễn Thị Lan Phương, Tô Thị Hồng Vân
Vũ Thị Thu Hương, Phạm Nhất Linh.
Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế
Tạp chí Y học dự phòng, tập XXIII, số 8 (144), 2013
TÓM TẮT
Trong nghiên cứu này 03 lô nước cốt và 03 lô vắc xin cúm thành phẩm một thành phần A/H1N1 đã được đánh giá tính ổn định theo thời gian thực ở nhiệt độ 5oC ±3oC và tính ổn định thúc đẩy nhanh ở nhiệt độ 25oC ± 2oC  và 40oC ±2oC.
Kết quả nghiên cứu theo thời gian thực cho thấy sau 18 tháng bảo quản ở nhiệt độ 5oC ±3oC nước cốt vắc xin cúm cô đặc có tỷ lệ  giảm công hiệu trung bình 35%, vắc xin cúm thành phẩm có tỷ lệ giảm công hiệu trung bình 17,5%.  Trong điều kiện thúc đẩy nhanh ở nhiệt độ 25oC ±2oC công hiệu của vắc xin giữ mức ổn định trong 2 tuần, trong điều kiện nhiệt độ 40oC ±2oC công hiệu giảm nhanh chỉ giữ mức ổn định trong 3 ngày. Hàm lượng HA càng thấp tốc độ giảm  công hiệu càng nhanh. Hàm lượng protein tổng số và hàm lượng endotoxin giảm theo thời gian, tương quan với  hàm lượng HA. Các chỉ số pH, cảm quan, vô trùng và an toàn chung giữ mức ổn định trong suốt thời gian lưu trữ ở cả 3 nhiệt độ.
15. Kết quả chương trình giám sát vi sinh đối với nguồn trứng gà sạch (nguyên liệu đầu) dùng cho sản xuất vắc xin cúm.
Nguyễn Thị Thúy Hằng, Lê Kim Hòa, Lê Thị Hồng An, Nguyễn Sỹ Tuấn, Nguyễn Thị Ngọc Hà
Viện Vắc xin và Sinh Phẩm Y tế (IVAC)
Tạp chí Y học dự phòng, tập XXIII, số 8 (144), 2013
TÓM TẮT
Chương trình giám sát vi sinh đàn gà, điều kiện nuôi và trứng gà được thiết kế với các khoảng thời gian lấy mẫu, điểm lấy mẫu và các chỉ tiêu giám sát tùy thộc vào đối tượng được giám sát để có nguồn nguyên liệu sạch dùng trong sản xuất vắcxin cúm. Chỉ tiêu vi khuẩn Salmonella spp. được giám sát ở các cấp độ: điều kiện nuôi, đàn gà Novowhite, trứng gà. Các loại vi rút cúm gia cầm H5N1, Newcasle (ND), Gumboro (IBD) được giám sát trên đàn gà. Đối với trứng gà giám sát  vi khuẩn Mycoplasma spp, tổng số vi khuẩn hiếu khí (biobuden) và vi rút ngoại lai. Chương trình áp dụng các phương pháp vi sinh cơ bản như nuôi cấy trên môi trường đặc hiệu, nuôi cấy trên tế bào Vero, MDCK, cấy truyền trên chuột ổ và các phương pháp vi sinh hiện đại như PCR, Real time PCR để phát hiện các vi sinh tạp nhiễm.
 Kết quả giám sát  không phát hiện vi khuẩn Samonella spp.  ở tất cả các cấp độ, thức ăn và nước uống cho gà đạt yêu cầu về các chỉ tiêu vi sinh, không phát hiện các virus cúm gia cầm H5N1, Newcasle (ND), Gumboro (IBD) trên cả 3 đàn gà, không phát hiện vi rút ngoại lai và vi khuẩn Mycoplasma spp trên trứng gà. Tổng số vi khuẩn hiếu khí ở dịch niệu trứng có phôi được khống chế  ≤ 104CFU/ml với tỷ lệ ngày càng giảm.
16. Sản xuất tá nhũ dầu SWE và bước đầu đánh giá hiệu lực vắc xin cúm đại dịch hấp phụ SWE trên động vật thí nghiệm
Nguyễn Văn Được, Lê Kim Hòa, Vũ Thị Thu Hương, Ngô Tú Anh.
Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế
Tạp chí Y học dự phòng, tập XXIII, số 8 (144), 2013
TÓM TẮT
Trong  chương trình sản xuất vắc xin cúm đại dịch năm 2011 được sự hỗ trợ của tổ chức Y tế Thế giới , tổ chức Y tế Đức, Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế nhận dự án hợp tác sản xuất tá chất nhũ dầu của trường đại học UNIL - Thuỵ Sĩ. Bước đầu sản xuất 6 lô tá chất nhũ dầu độc lập (IVAC---SWE---001 đến  IVAC---SWE---006) ở qui mô phòng thí nghiệm tại IVAC. Kết quả  cho thấy: tá chất nhũ dầu SWE đạt tiêu chuẩn về cảm quan, pH 6,5 ± 0,08 (tiêu chuẩn 6,4 - 6,6), kích thước hạt nhũ dầu nano 151,88 ± 2,88nm (tiêu chuẩn 120 - 160nm) và nồng độ squalene 39,84 ± 1,1mg/ml (tiêu chuẩn 35 – 43 mg/ml). Trên nền tảng này, tiếp tục nghiên cứu sản xuất thử nghiệm vắc xin cúm A/H5N1 đại dịch với tá chất nhũ dầu, đánh giá khả năng đáp ứng miễn dịch và an toàn của vắc xin trên động vật thí nghiệm. Kết quả cho thấy: khả năng đáp ứng miễn dịch của nhóm vắc xin có tá chất cao hơn gấp đôi so với nhóm vắc xin không có tá chất ở cùng nồng độ kháng nguyên HA; chuột trong nghiên cứu an toàn chung đều sống, khỏe mạnh và lên cân trong 7 ngày nghiên cứu.
17. Kết quả nuôi khảo nghiệm giống gà novo-white
Nguyễn Văn Minh, Lê Văn Bé, Lê Bá Bút, Nguyễn Thị Ngọc Hà
Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế
Tạp chí Y học dự phòng, tập XXIII, số 8 (144), 2013
TÓM TẮT
 Trại Chăn nuôi Suối Dầu – Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế đã nhập gà giống Novo – White 1 ngày tuổi từ Pháp về nuôi khảo nghiệm để tạo ra trứng gà sạch có phôi làm nguyên liệu đầu cho dây chuyền sản xuất vắc xin cúm. Gà được nuôi kín hoàn toàn và áp dụng quy trình phòng bệnh một cách nghiêm ngặt theo khuyến cáo của hãng. Sau 35 tuần nuôi khảo nghiệm cho thấy: tỷ lệ nuôi sống đạt 95.4% ở tuần thứ 18, tốc độ tăng trưởng, tính đồng đều đạt được các chỉ tiêu do nhà cung cấp giống đặt ra trong điều kiện chăn nuôi nước ta, trọng lượng gà mái 18 tuần tuổi là 1.260g/con. Tỷ lệ đẻ đỉnh điểm đạt 95,28% vào tuần thứ 33. Trên cơ sở đó,  Viện đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xét duyệt vào Danh mục giống vật nuôi được phép sản xuất kinh doanh.