Thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 được coi là thập kỷ thành công nhất của lịch sử phát triển vắc-xin. Các vắc-xin mới được đưa vào sử dụng phòng các bệnh: viêm màng não do não mô cầu, viêm phổi, tiêu chảy và phòng vi-rút HPV gây ung thư cổ tử cung. Theo tổng kết của Liên minh toàn cầu về vắc-xin và Tiêm chủng (GAVI), trong thập kỷ vừa qua vắc-xin viêm gan B và Hib được đưa vào chương trình TCMR ở nhiều nước đang phát triển đã góp phần dự phòng cho năm triệu trẻ em khỏi bị tử vong do các bệnh nhiễm trùng nhờ tiêm vắc-xin. Cùng với các hoạt động nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế, tăng đầu tư nguồn lực và kinh phí, với việc đưa thêm các vắc- xin mới vào chương trình TCMR là cần thiết và rất hiệu quả. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, nếu tất cả các vắc-xin sẵn có hiện nay đều được sử dụng rộng rãi trên thế giới với tỷ lệ bao phủ cao trên 90%, hàng năm dự phòng hai đến ba triệu trẻ em nữa không bị chết vì các bệnh nhiễm trùng, góp phần đạt được mục tiêu của thiên niên kỷ làm giảm hai phần ba số trẻ em chết dưới năm tuổi vào năm 2015 so với năm 1990.
Chương trình TCMR ở Việt Nam được bắt đầu chính thức từ năm 1985 với việc triển khai tiêm sáu mũi vắc-xin cơ bản cho tất cả trẻ em dưới một tuổi là lao, bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván và sởi. Năm 1997 bổ sung thêm vắc-xin viêm gan B và năm 2010 bổ sung thêm vắc- xin Hib. Các vắc- xin khác được dùng ở các vùng có nguy cơ cao cho trẻ trên một tuổi là vắc-xin viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn. Thực tế và kinh nghiệm của Chương trình TCMR ở Việt Nam và ở các nước trên thế giới cho thấy rõ tiêm chủng là biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh. Nó đã làm thay đổi về cơ bản cơ cấu bệnh tật ở trẻ em. Bằng tiêm chủng vắc-xin, tỷ lệ mắc bệnh của nhiều bệnh nhiễm trùng có vắc-xin dự phòng đã giảm đi hàng chục đến hàng trăm lần. Sau 25 năm triển khai chương trình TCMR ở Việt Nam, ước tính dự phòng cho 6,7 triệu trẻ khỏi mắc bệnh và 43 nghìn trẻ khỏi bị tử vong do các bệnh lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, và sởi. Đây là một trong những thành tựu lớn nhất mà ngành y tế Việt Nam đã đạt được trong những năm qua trong bối cảnh Việt Nam còn là một nước nghèo, thu nhập bình quân đầu người còn thấp.
Mục tiêu của tiêm chủng để bảo vệ cá nhân và cộng đồng khỏi các bệnh truyền nhiễm phòng được bằng vắc-xin. Mặc dù vắc-xin là an toàn, nhưng không phải hoàn toàn không có nguy cơ. Phản ứng sau tiêm chủng (PƯSTC) có thể sẽ xuất hiện sau sử dụng vắc-xin. Một số trường hợp gặp các PƯSTC khác nhau từ phản ứng nhẹ, thông thường đến phản ứng hiếm gặp, nghiêm trọng, đe dọa tính mạng. Hầu hết các trường hợp PƯSTC nặng chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh lý sẵn có của trẻ. Một số trường hợp PƯSTC có thể do vắc- xin hoặc do sai sót trong việc bảo quản, vận chuyển, sử dụng, chỉ định và tiêm chủng vắc-xin. Cho dù nguyên nhân của PƯSTC là gì, nó làm cho mọi người lo lắng, từ chối tiếp tục tiêm chủng cho con của họ, dẫn đến trẻ em dễ bị mắc bệnh truyền nhiễm hơn và thậm chí là đe dọa tính mạng.
Vắc-xin là sản phẩm sinh học dùng để tiêm chủng cho các cá thể để tạo ra miễn dịch chủ động bảo vệ chống lại một căn bệnh cụ thể. Vắc-xin tương tác với hệ thống miễn dịch và thường tạo ra một đáp ứng miễn dịch tương tự như tạo ra bởi các nhiễm trùng tự nhiên, nhưng không gây bệnh hoặc các biến chứng tiềm tàng cho người nhận. PƯSTC là bất kỳ sự kiện sức khỏe nào xảy ra sau tiêm chủng và không nhất thiết phải có mối quan hệ nhân quả với việc sử dụng vắc-xin. PƯSTC nhẹ là một sự kiện không phải là "nghiêm trọng" và không là nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe của người được tiêm chủng. PƯSTC nặng là một sự kiện gây ra một nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe và tính mạng của người được tiêm vắc-xin dẫn đến phải nhập viện, di chứng tàn tật hoặc tử vong khi sinh.
Hội đồng các tổ chức quốc tế về khoa học y học (CIOMS) và WHO đã phân loại nguyên nhân cụ thể của PƯSTC như sau: Phản ứng liên quan đến vắc-xin: Là phản ứng gây ra do một hoặc nhiều thành phần của vắc- xin; nó cũng là phản ứng của từng cá thể với đặc tính vốn có của vắc- xin, ngay cả khi vắc-xin đã được sản xuất, bảo quản, vận chuyển và chỉ định một cách chính xác. Phản ứng liên quan đến sai sót tiêm chủng: là phản ứng liên quan đến sai sót tiêm chủng gây ra bởi việc bảo quản, vận chuyển, chỉ định và tiêm chủng vắc-xin không đúng. Phản ứng liên quan đến lo lắng khi tiêm chủng: là phản ứng xảy ra do sự lo lắng về tiêm chủng. Sự trùng hợp ngẫu nhiên: là phản ứng gây ra bởi một nguyên nhân khác không phải là do vắc-xin, do sai sót tiêm chủng hay do lo lắng khi tiêm chủng, mà là do bệnh lý sẵn có của trẻ. Không rõ nguyên nhân: nhiều trường hợp PƯSTC không tìm được nguyên nhân do thiếu các thông tin có liên quan đến các nguyên nhân như đã nêu ở trên.
Phản ứng sau tiêm có thể được phân loại thành phản ứng phổ biến, nhẹ hoặc phản ứng hiếm gặp, nghiêm trọng. Hầu hết các phản ứng vắc- xin là nhẹ và tự khỏi. Phản ứng nghiêm trọng là rất hiếm gặp. Mục đích việc tiêm vắc-xin là để tạo ra miễn dịch chủ động để dự phòng bệnh. Phản ứng tại chỗ, sốt và các triệu chứng khác là một phần của phản ứng miễn dịch. Ngoài ra, một số thành phần của vắc-xin (ví dụ như tá dược nhôm, chất ổn định, chất bảo quản) có thể gây ra phản ứng. Một vắc- xin có chất lượng và an toàn sẽ có các phản ứng được giảm tới mức tối thiểu trong khi tạo ra đáp ứng miễn dịch tốt nhất có thể.
Phản ứng sau tiêm vắc-xin 'Nghiêm trọng' và 'nặng' là phản ứng hiếm gặp. Một PƯSTC sẽ được coi là nghiêm trọng nếu nó gây ra tử vong, đe dọa tính mạng, đòi hỏi phải nhập viện điều trị hoặc kéo dài thời gian nằm viện, làm kéo dài hoặc đáng kể tình trạng khuyết tật/tàn tật, hoặc đã phải can thiệp để ngăn chặn tổn thương vĩnh viễn.
Phản ứng có thể xảy ra trùng hợp với tiêm chủng và đôi khi có thể bị đổ cho là do tiêm chủng vắc-xin. Các kết hợp về thời điểm hoàn toàn là không thể tránh được khi tiêm chủng một số lượng lớn các liều vắc-xin, nhất là trong chiến dịch tiêm chủng. Vắc-xin thường được tiêm chủng trong thời gian đầu đời khi trẻ cũng thường mắc các bệnh truyền nhiễm và các bệnh khác, trong đó có cả những bệnh tật hay tình trạng thần kinh bẩm sinh. Do đó, có thể gặp rất nhiều sự kiện trùng hợp ngẫu nhiên, trong đó có cả tử vong, bị đổ cho là do vắc-xin do có liên quan với thời điểm sau tiêm chủng. Ví dụ, hội chứng đột tử trẻ sơ sinh (SIDS) gặp nhiều nhất xung quanh tuổi tiêm chủng trẻ em. Tuy nhiên, nghiên cứu đối chứng đã chỉ ra rằng sự kết hợp của SIDS và tiêm chủng là hoàn toàn ngẫu nhiên, không phải là liên quan nhân quả. Sự kiện trùng hợp ngẫu nhiên có thể dự đoán được.
Tóm lại, PƯSTC có thể xảy ra do một số đặc tính vốn có của vắc-xin (phản ứng liên quan đến vắc-xin); hoặc do phản ứng liên quan đến sai sót tiêm chủng; hoặc do sự kiện trùng hợp ngẫu nhiên tại cùng thời điểm tiêm vắc-xin; hoặc liên quan đến lo lắng khi tiêm chủng, do sợ hãi hay đau khi tiêm chứ không phải do tiêm chủng. Trong một số trường hợp không tìm được nguyên nhân của PƯSTC. Tỷ lệ cơ bản các phản ứng liên quan đến vắc-xin rất hữu ích để hướng tới xác định các phản ứng liên quan vắc-xin. Phản ứng nhẹ do vắc-xin là phổ biến và không cần điều trị đặc biệt. Phản ứng vắc-xin nghiêm trọng hiếm gặp, cần phải điều trị kịp thời bởi nhân viên y tế có trình độ.
|