Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024
Hợp tác quốc tế
Hình ảnh
THÔNG TIN ĐẤU THẦU
VIỆN VẮC XIN VÀ SINH PHẨM Y TẾ
PHÒNG, CHỐNG BỆNH SỞI VÀ ĐIỀU TRỊ METHADONE: Cảnh báo gia tăng số ca mắc sởi và nguy cơ bùng phát dịch
Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây ra, là một trong các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra cảnh báo về việc gia tăng số ca mắc sởi và nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực trên thế giới. Tại Việt Nam, đại dịch COVID-19 trong thời gian qua và việc gián đoạn cung ứng các vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) năm 2022-2023 đã tác động đến tỷ lệ tiêm chủng các vắc xin cho trẻ em. Nhiều trẻ em chưa được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm chủng đủ mũi các vắc xin trong những năm gần đây là yếu tố nguy cơ gây bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là bệnh sởi.
 
Đến ngày 29/10, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng ghi nhận 97 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó, có 18 ca dương tính với sởi, 13 ca lâm sàng. Qua kết quả điều tra tiền sử tiêm chủng cho thấy: Nhiều trường hợp chưa đến tuổi tiêm chủng vắc xin sởi (hơn 50%), chưa được tiêm chủng đúng lịch và đầy đủ theo quy định, một số trường hợp mắc sởi ghi nhận tại tỉnh sau khi đã đi khám điều trị tại các bệnh viện tuyến trên tại TP Hồ Chí Minh trở về. 
 
Để phòng, chống dịch bệnh sởi, ngành Y tế Lâm Đồng đã triển khai các hoạt động: Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh sởi tại cộng đồng và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện trường hợp mắc bệnh. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về nguy cơ mắc bệnh sởi và các biện pháp phòng, chống, vận động người dân đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch các vắc xin trong Chương trình TCMR để chủ động phòng, chống các bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng bệnh. Duy trì triển khai công tác tiêm chủng thường xuyên hàng tháng cho các đối tượng thuộc Chương trình TCMR. 
 
Trong 9 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ tiêm chủng vắc xin sởi cho trẻ 9 tháng tuổi trong toàn tỉnh đạt 80,7% và vắc xin phối hợp sởi-rubella cho trẻ 18 tháng tuổi đạt 71,7%. Đặc biệt, triển khai tiêm chủng vắc xin phòng, chống sởi, tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện rà soát tiêm bù, tiêm vét cho 3.914 trẻ từ 18 tháng đến dưới 10 tuổi chưa được tiêm đủ mũi vắc xin chứa thành phần sởi trên địa bàn tỉnh trong tháng 9, tháng 10/2024.
 
Để đảm bảo miễn dịch phòng bệnh sởi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản đề xuất Sở Y tế đề nghị Cục Y tế dự phòng, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh quan tâm cấp bổ sung 1.160 liều vắc xin sởi-rubella trong tháng 11/2024 để tiêm chủng cho trẻ em từ 18 tháng đến dưới 10 tuổi và nhân viên y tế có nguy cơ tại các cơ sở khám, chữa bệnh điều trị bệnh nhân sởi chưa được tiêm đủ mũi vắc xin chứa thành phần sởi trên địa bàn tỉnh.
 
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, các hoạt động triển khai phòng, chống bệnh sởi trong thời gian tới: Đối với các cơ sở khám, chữa bệnh tăng cường công tác giám sát bệnh sốt phát ban nghi sởi/rubella tại cơ sở khám, chữa bệnh, nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, điều tra, lấy mẫu huyết thanh để chẩn đoán và đáp ứng kịp thời theo quyết định của Bộ Y tế về việc hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh sởi/rubella. Điều tra theo phiếu điều tra của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh sởi/rubella khi phát hiện trường hợp bệnh sốt phát ban nghi sởi/rubella. Lấy mẫu bệnh phẩm ngay khi bệnh nhân đến khám, điều trị; nhập đầy đủ thông tin các trường hợp nội trú lẫn ngoại trú ca nghi sởi/rubella.
 
Tổ chức, thực hiện nghiêm công tác thu dung, điều trị, cấp cứu bệnh nhân sởi. Thành lập khu phân luồng khám tiếp nhận ban đầu các ca sốt phát ban nghi sởi nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh trong cơ sở khám, chữa bệnh. Thiết lập khu vực riêng để khám, điều trị, cấp cứu bệnh nhân sởi, thực hiện cách ly ca bệnh nghiêm ngặt. Thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, thường xuyên truyền thông hướng dẫn về những biện pháp phòng, chống bệnh sởi cho thân nhân chăm sóc người bệnh để phòng tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Phát hiện sớm, điều trị tích cực các trường hợp diễn biến nặng, đặc biệt các bệnh nhân có bệnh nền, bệnh mạn tính, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong. Đánh giá nguy cơ, lập kế hoạch tiêm chủng vắc xin sởi-rubella cho cán bộ y tế tại phòng khám, khoa hồi sức cấp cứu, khoa nhi và khoa truyền nhiễm.
 
Đối với Trung tâm Y tế huyện, thành phố tăng cường công tác giám sát bệnh sốt phát ban nghi sởi/rubella tại cộng đồng, thực hiện điều tra theo mẫu phiếu điều tra của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh sởi/rubella, tiến hành lấy mẫu các trường hợp chưa được lấy mẫu tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh sởi tại cộng đồng, triển khai các biện pháp điều tra, xử lý triệt để ca bệnh, ổ dịch ngay khi phát hiện trường hợp mắc bệnh. 
 
Tiếp tục triển khai tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc Chương trình TCMR đảm bảo an toàn, hiệu quả; rà soát và tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh, chưa tiêm đầy đủ các loại vắc xin trong Chương trình TCMR. Tham mưu cho UBND các cấp trong việc phân công trách nhiệm, phối hợp thực hiện giữa y tế và các ban, ngành như: Giáo dục, công an, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ… trong các hoạt động rà soát, vận động đối tượng đang sinh sống tại địa phương không phân biệt thường trú hay tạm trú, đặc biệt là các đối tượng hoãn tiêm, chưa tiêm theo đúng lịch tiêm sởi, sởi/rubella, chiến dịch sởi/rubella (nếu có) tại những địa phương có khu công nghiệp, nhà trọ, nhà trẻ tự phát... Tiến hành rà soát tiêm vét, tiêm bổ sung nhằm không để sót đối tượng cần phải tiêm chủng trên địa bàn, đảm bảo tỷ lệ tiêm đạt ít nhất 95% đối tượng đang sinh sống tại địa phương trên quy mô xã, phường...    
 
Các bài viết khác