Thứ năm, ngày 03 tháng 10 năm 2024
Hợp tác quốc tế
Hình ảnh
THÔNG TIN ĐẤU THẦU
VIỆN VẮC XIN VÀ SINH PHẨM Y TẾ
Chó lạp xưởng cắn 11 người, xét nghiệm dương tính với vi rút dại
Sau khi tấn công và cắn 11 người, con chó lạp xưởng đã bị người dân bắt nhốt. Mẫu xét nghiệm có kết quả dương tính với vi rút dại.
 
Ngày 14-8, Trung tâm Y tế huyện Định Quán (Đồng Nai) xác nhận có 11 người vừa bị chó dại tấn công.

Trước đó Trung tâm Y tế huyện Định Quán nhận được thông tin nhiều người tại thị trấn Định Quán (huyện Định Quán) trong lúc đi tập thể dục sáng bất ngờ bị một con chó hoang cắn.

Theo điều tra dịch tễ, sáng 12-8, một con chó lạp xưởng (chó Dachshund) màu vàng, nặng khoảng 7kg (chưa xác định chủ nuôi), có triệu chứng chảy dãi, mắt đỏ, kích động, bồn chồn và sợ sệt.

Sau khi tấn công và cắn lần lượt 11 người, con chó này đã bị người dân bắt nhốt.

Lực lượng chức năng đã lấy mẫu xét nghiệm tìm vi rút ngay trong sáng cùng ngày. Đến ngày 13-8, mẫu xét nghiệm có kết quả dương tính với vi rút dại.

Cũng theo Trung tâm Y tế huyện Định Quán, tất cả những nạn nhân bị chó cắn đều đã được tiêm ngừa vắc xin và huyết thanh kháng dại.

Kết quả điều tra cho thấy trong khu vực có tổng cộng 16 hộ gia đình nuôi chó với tổng đàn 33 con chó, 8 con mèo. 

Trong 6 tháng gần đây không ghi nhận chó mèo mất tích hoặc chết. Những con chó có tiếp xúc đều được nhốt và theo dõi dấu hiệu bệnh dại.

8 tháng, Đồng Nai ghi nhận 24 ổ dịch dại trên chó

Từ đầu năm 2024 đến nay Đồng Nai ghi nhận 24 ổ dịch dại trên chó. Trong đó có một người đã tử vong.

Trước tình hình trên, ngành y tế đã tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức người dân về phòng bệnh dại, tổ chức điều tra, xử lý các ổ dịch…

Bác sĩ khuyến cáo khi bị chó mèo cắn, cào phải rửa sạch vết thương dưới vòi nước sạch 5-10 phút bằng xà phòng và sát khuẩn bằng dung dịch sát khuẩn thông thường.

Không nặn máu từ vết thương, không bôi, đắp bất cứ dung dịch, lá thuốc theo quan niệm dân gian để tránh nhiễm trùng vết thương và khiến vi rút xâm nhập sâu hơn. Nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn tiêm vắc xin phòng bệnh dại càng sớm càng tốt.

Khi phát hiện chó, mèo có biểu hiện bất thường nghi ngờ dại (chó dễ kích động, cắn sủa người lạ dữ dội, quá vồ vập khi chủ gọi, chỉ cần có tiếng động nhẹ cũng nhảy lên sủa từng hồi dài, dữ tợn, điên cuồng; cắn, gặm bừa bãi, bỏ ăn, chảy nhiều nước dãi…) phải báo cho chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý.

Nguồn: Chó lạp xưởng cắn 11 người, xét nghiệm dương tính với vi rút dại - Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn)