Trường hợp nhiễm cúm A/H5: Những người tiếp xúc gần với bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính
Tối 21-3, bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) Khánh Hòa cho biết, trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận 1 trường hợp nhiễm cúm A/H5. Ngay khi tiếp nhận thông tin, CDC đã tiến hành điều tra dịch tễ và kịp thời triển khai các biện pháp phòng dịch.
Đã điều tra dịch tễ và triển khai các biện pháp phòng dịch
Theo đó, bệnh nhân B.T.Đ. (21 tuổi, trú tại thị xã Ninh Hòa), khởi phát bệnh ngày 11-3, với triệu chứng sốt, ho nhẹ, bệnh nhân tự mua thuốc uống (tại Nha Trang) nhưng bệnh không giảm. Ngày 15-3, bệnh nhân về nhà chỉ tiếp xúc với mẹ và em gái, sau đó đến khám bệnh tại Cơ sở 2 của Trung tâm Y tế thị xã Ninh Hòa được chẩn đoán viêm họng - thanh quản cấp/ theo dõi sốt xuất huyết Dengue và đề nghị nhập viện. Tuy nhiên, bệnh nhân không đồng ý nên được kê đơn thuốc điều trị ngoại trú. Sau 1 ngày, bệnh nhân mệt nhiều nên vào Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Hòa trong tình trạng sốt cao, đau bụng quanh rốn, đi cầu lỏng, được chẩn đoán nhiễm khuẩn ruột, nhiễm trùng huyết có dấu hiệu cảnh báo và chuyển vào Khoa Truyền nhiễm điều trị. Ngày 17-3, bệnh diễn biến nặng nên bệnh nhân Đ. được chuyển vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc điều trị và được lấy mẫu bệnh phẩm gởi Viện Pasteur Nha Trang để xét nghiệm. Ngày 20-3, kết quả xét nghiệm từ Viện Pasteur bệnh nhân dương tính với cúm A/H5. Hiện tại, bệnh nhân diễn biến nặng, đang chuyển cách ly điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh.
Ngay khi có thông tin, chiều tối ngày 20-3, CDC đã tiến hành tiếp cận, điều tra, xử trí ca bệnh, hướng dẫn người nhà bệnh nhân các biện pháp phòng chống dịch. Đồng thời, lập danh sách 14 cán bộ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và 6 cán bộ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới để theo dõi sức khỏe, thực hiện khử khuẩn các khu vực khám, điều trị, xe vận chuyển. Lập danh sách người nhà bệnh nhân gồm 4 người (mẹ, dì và em gái) để theo dõi sức khỏe. Ngày 21-3, CDC tiến hành khử khuẩn bằng Cloramin B phòng ở và các phòng trong dãy nhà ký túc xá Trường Đại học Nha Trang - nơi bệnh nhân đang theo học, lập danh sách 6 bạn cùng phòng, 60 sinh viên học cùng lớp với bệnh nhân để tiến hành theo dõi sức khỏe. Đồng thời, lấy 6 mẫu bệnh phẩm là người cùng phòng ký túc xá với bệnh nhân đưa đi xét nghiệm, kết quả âm tính với cúm A.
Trong ngày 21-3, CDC phối hợp với Viện Pasteur Nha Trang, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã lấy 3 mẫu bệnh phẩm trên đàn gia cầm, gồm 2 mẫu ở đàn gà trong nhà bệnh nhân, 1 mẫu đàn vịt cách nhà 50m để xét nghiệm, chưa có kết quả. Bác sĩ Toàn thông tin: “Hiện nay, CDC tiếp tục theo dõi các trường hợp tiếp xúc, có liên quan tại danh sách nêu trên; phối hợp Trung tâm Y tế Ninh Hòa, Trung Tâm Y tế Nha Trang, Chi cục Chăn nuôi và Thú y để tiến hành điều tra tìm nguồn lây. Tiến hành giám sát, lấy mẫu bệnh nhân có hội chứng viêm đường hô hấp cấp nặng do vi rút”.
Cúm A/H5 không dễ dàng lây lan từ người sang người
Cúm A/H5 hay còn gọi cúm gia cầm là loại bệnh dịch nguy hiểm, lan truyền rất nhanh, có thể gây dịch ở người rất khó kiểm soát, tỷ lệ tử vong chiếm gần 50% người mắc. Cúm A/H5 là bệnh có thể lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với vật dụng bị nhiễm mầm bệnh, qua việc tiếp xúc và ăn gia cầm, lợn ốm, chết do nhiễm vi rút cúm A/H5.
Bác sĩ Tôn Thất Toàn cho biết, bệnh cúm gia cầm A/H5 thường lây ở động vật nhưng cũng có thể lây truyền đến con người. Tuy nhiên, không giống như các loại cúm khác ở người, cúm A/H5 không dễ dàng lây lan từ người sang người. Người bị nhiễm vi rút cúm A/H5 chủ yếu thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với động vật bị bệnh. Nguy cơ lớn nhất mắc cúm A/H5 đó là việc tiếp xúc với gia cầm bị bệnh hoặc với các bề mặt bị ô nhiễm như lông, nước bọt hoặc phân của gia cầm. Rất hiếm khi dịch cúm gia cầm được truyền từ người sang người, trong các trường hợp có sự tiếp xúc đặc biệt gần gũi với người bệnh như mẹ chăm sóc trẻ bị nhiễm bệnh thì cúm A/H5 mới lây từ người sang người.
Cúm A/H5 lây qua việc tiếp xúc và ăn gia cầm, lợn ốm, chết do nhiễm vi rút (Ảnh minh họa)
Theo các chuyên gia y tế, giám sát từ dịch tễ cho thấy, người bị nhiễm cúm A/H5 thường có những triệu chứng giống với cúm thông thường và kèm theo một số dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm hơn (trong vòng 2-5 ngày kể từ ngày bị vi rút cúm A/H5 xâm nhập) Cụ thể: Sốt cao đột ngột trên 38 độ C; rét run, đau đầu; đau ngực, khó thở, tim đập nhanh; đau họng, ho, thường ho khan, ho có đờm; đau nhức cơ, mệt mỏi rã rời. Chỉ sau nửa ngày, các triệu chứng cúm A/H5) diễn tiến trầm trọng hơn, người bệnh có thể bị suy hô hấp cấp như khó thở, thở nhanh, da tím tái, thậm chí đau toàn thân, ý thức mê man.
Phải sớm phát hiện ca bệnh, điều trị kịp thời
Ngày 21-3, bác sĩ Nguyễn Đình Thoan - Phó Giám đốc Sở Y tế đã ký công văn khẩn, yêu cầu các đơn vị liên quan triển khai ngay các hoạt động đáp ứng chống dịch. Trong công văn khẩn, Sở Y tế chỉ đạo CDC chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan, khẩn trương điều tra, giám sát, phát hiện bệnh nhân và người tiếp xúc với trường hợp nhiễm vi rút cúm A/H5, các yếu tố dịch tễ liên quan, lập danh sách những người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân cúm A/H5 hoặc gia cầm bị bệnh để theo dõi 14 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối đối với người lớn, 21 ngày đối với trẻ em dưới 15 tuổi và phải được đo nhiệt độ hàng ngày. Nếu nhiệt độ trên 380C hoặc có các biểu hiện lâm sàng của bệnh viêm đường hô hấp cấp phải đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra. Giám sát, lấy mẫu bệnh nhân có hội chứng viêm đường hô hấp cấp nặng do vi rút. Cách ly tất cả bệnh nhân nghi ngờ hoặc đã xác định mắc bệnh cúm A/H5. Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp, chùm ca bệnh, ổ dịch cúm và viêm hô hấp chưa rõ nguyên nhân tại cộng đồng và các cơ sở y tế để điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Pasteur Nha Trang nhằm xác định nguyên nhân và triển khai kịp thời các biện pháp phòng chống dịch, hạn chế lây lan diện rộng. Phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các đơn vị liên quan tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm tại các huyện, thị xã thành phố theo quy định; tăng cường công tác truyền thông về nguy cơ mắc bệnh, các biện pháp phòng tránh; khuyến cáo người dân không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực hiện an toàn thực phẩm trong giết mổ, chế biến gia cầm và các sản phẩm của gia cầm, không ăn tiết canh và không sử dụng gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân. Đồng thời, sẵn sàng đủ cơ số thuốc dự trữ, vật tư, hóa chất, thiết bị, phương tiện đảm bảo đáp ứng các yêu cầu trong phòng, chống dịch.
Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Phòng Y tế tham mưu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm A/H5 theo chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của các sở, ngành liên quan; tăng cường giám sát để phát hiện sớm các trường hợp viêm phổi nặng do vi rút tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng. Đặc biệt chú ý đến các trường hợp có tiền sử dịch tễ tiếp xúc với ca bệnh, tại khu vực có gia cầm ốm, chết và những vùng có nguy cơ cao báo cáo ngay về CDC.
Sở Y tế chỉ đạo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới sẵn sàng đảm bảo nhân sự, trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc để tiếp nhận cách ly, điều trị các trường hợp nghi ngờ hoặc xác định cúm A/H5 theo đúng quy định. Tổ chức tập huấn lại về chẩn đoán, điều trị, phòng lây nhiễm cúm A/H5 cho các cơ sở khám chữa bệnh. Các cơ sở y tế phát hiện sớm các trường hợp viêm phổi diễn tiến bất thường, đặc biệt có tiền sử tiếp xúc với gia cầm ốm, chết. Những trường hợp này cần hội chẩn với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới để được chẩn đoán, cách ly, điều trị kịp thời; báo cáo khẩn về CDC để được điều tra dịch tễ, lấy mẫu giám sát.
Link bài viết: https://baokhanhhoa.vn/rao-vat-tuyen-dung/202403/truong-hop-nhiem-cum-ah5-nhung-nguoi-tiep-xuc-gan-voi-benh-nhan-co-ket-qua-xet-nghiem-am-tinh-e0061a2/