Thứ ba, ngày 21 tháng 01 năm 2025
Hợp tác quốc tế
Hình ảnh
THÔNG TIN ĐẤU THẦU
VIỆN VẮC XIN VÀ SINH PHẨM Y TẾ
Bệnh ho gà ở Hà Nội tăng mạnh, gấp nhiều lần cùng kỳ năm 2023
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội thông tin từ đầu năm 2024 đến nay, Thành phố Hà Nội đã có 17 trường hợp mắc ho gà, trong khi cả năm 2023 chỉ có 1 ca và năm 2022 không có ca bệnh nào.
 
Bệnh nhi mắc bệnh về đường hô hấp được bác sĩ điều trị. Ảnh minh họa: Hương Sơn

Đánh giá từ CDC Hà Nội cho thấy hầu hết các trường hợp mắc ho gà là trẻ.
    Bác sĩ Bùi Thu Phương, khoa Nhi (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) cho biết: ho gà là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính có khả năng lây nhiễm cao. Bệnh có biểu hiện lâm sàng đặc trưng bởi các triệu chứng như ho, hắt hơi, xổ mũi, sốt nhẹ, tăng nặng sau từ 1- 2 tuần. Ở trẻ nhỏ, bệnh có thể rất nặng với triệu chứng suy hô hấp, thậm chí gây tử vong.
    Cho tới nay, bệnh vẫn là một trong những nguyên nhân gây tử vong cho trẻ em trên toàn thế giới dù tiêm chủng đã được phủ rộng. Chu kỳ dịch khoảng 2-5 năm, xảy ra lẻ tẻ ở tất các các nước, nhiều nhất là trẻ dưới 5 tuổi, các ca bệnh nặng và tử vong hay gặp ở trẻ độ tuổi bú mẹ, tỉ lệ tử vong tăng cao hơn ở các nước đang phát triển.
    Ho gà lây lan nhanh hơn virus cúm, 1 người có thể lây cho 12-17 người. Trẻ em chưa được tiêm chủng vaccine ho gà đầy đủ là đối tượng có nguy cơ cao nhất bị nhiễm bệnh và thường có diễn biến nặng.
    Ho gà có biểu hiện và triệu chứng dễ nhầm với các bệnh hô hấp khác, đặc biệt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Cụ thể, đối với trẻ ho do cảm lạnh, bởi nhiễm trùng đường hô hấp trên thường bắt đầu với các triệu chứng cảm lạnh, chảy mũi, ngạt mũi và ho.
    Cũng theo bác sĩ Bùi Thu Phương, giai đoạn khởi phát (giai đoạn viêm long): Biểu hiện điển hình như ngạt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi, đau rát họng, dần chuyển thành ho cơn. Với trẻ dưới 3 tháng tuổi, giai đoạn này thường không có.
    Giai đoạn toàn phát (giai đoạn ho cơn): Thường kéo dài từ 1-2 tuần, với trẻ < 3 tháng tuổi, thời kỳ này kéo dài hơn, xuất hiện những cơn ho gà điển hình, xảy ra bất chợt, vô cớ cả ngày và đêm, ho cả khi trẻ đang chơi, đang ăn hay khi đang quấy khóc, cơn ho diễn biến qua 3 giai đoạn: Ho, thở rít và khạc đờm.
    Thời kỳ lui bệnh và hồi phục: kéo dài khoảng 2 đến 4 tuần. Số cơn ho giảm dần, thời gian mỗi cơn ngắn lại, cường độ ho giảm, khạc đờm ít, sau đó hết hẳn. Tình trạng toàn thân tốt lên, trẻ ăn được và vui chơi bình thường. Tuy nhiên, ở một số trẻ có thể có những cơn ho kéo dài 1-2 tháng. Đặc biệt trẻ dưới 3 tháng tuổi, thời gian ho có thể kéo dài cả năm sau đó.
    Bác sĩ khuyến cáo khi thấy trẻ nghi ngờ mắc bệnh, cần cách ly trẻ với những trẻ khác (kể cả trẻ đã được tiêm phòng) và đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, điều trị càng sớm càng tốt.
    Cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh ho gà ở trẻ sơ sinh, trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn là tiêm vaccine theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Thực hiện đúng và đầy đủ khuyến cáo về tiêm phòng ho gà trong chương trình tiêm chủng mở rộng: mũi 1 lúc trẻ 2 tháng tuổi, mũi 2, 3, 4 lần lượt khi trẻ được 3 tháng, 4 tháng và 18 tháng tuổi.

Link: https://laodong.vn/suc-khoe/benh-ho-ga-o-ha-noi-tang-manh-gap-nhieu-lan-cung-ky-nam-2023-1317064.ldo?gidzl=s289CPzSJKlKD0uscq95HDKp0pk5G4ONmZ5MROj3HKR2D5Pftq925vGo1J-EGqSNacPGEs5-Hd9AbLLEJm
Các bài viết khác