Bệnh viện đa khoa Thiện Hạnh vừa cấp cứu chống độc cho bệnh nhân 52 tuổi, bị rắn lục đuôi đỏ cắn vào tay trong lúc đang thu hái cà phê.
Sáng ngày 28/11/2023, khoa Cấp cứu – Bệnh viện đa khoa Thiện Hạnh tiếp nhận bệnh nhân nữ V.T.L (52 tuổi, ngụ xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông, Đắk Lắk) bị rắn lục đuôi đỏ cắn vào ngón tay trong lúc đang thu hái cà phê. Tại thời điểm nhập viện, bệnh nhân hạn chế vận động, vết cắn ở ngón tay sưng nề, đau nhức nhiều và lan nhanh lên trên cổ tay.
Bàn tay sưng nề của bệnh nhân sau khi bị rắn cắn
Ngay lập tức, các Bác sĩ Bệnh viện đa khoa Thiện Hạnh đã nhanh chóng xử trí vết thương và cấp cứu chống độc cho bệnh nhân. Bệnh nhân được sử dụng kháng viêm, giảm đau, kháng sinh dự phòng nhiễm trùng và đánh giá tình trạng lâm sàng diễn tiến sưng nề lan nhanh kèm rối loạn đông máu, nên được chỉ định dùng kháng độc bằng 6 lọ huyết thanh kháng nọc rắn lục.
Hiện, bệnh nhân vẫn tiếp tục được theo dõi và chăm sóc tích cực tại Bệnh viện Thiện Hạnh. Sau 01 ngày điều trị, sức khoẻ bệnh nhân đã ổn định, bàn tay giảm sưng đau và cử động được bình thường, xét nghiệm rối loạn đông máu cải thiện. Bệnh viện đa khoa Thiện Hạnh luôn có sẵn huyết thanh kháng nọc độc của rắn ngay tại Bệnh viện, đảm bảo cấp cứu nhanh chóng và kịp thời cho các trường hợp bị rắn độc cắn.
Vết cắn của rắn lục đuôi đỏ thường sưng rất nhanh. Nọc độc của loài rắn này có khả năng tác động lên hệ tuần hoàn gây rối loạn đông máu, sưng nề, hoại tử; hoặc gây ra hiện tượng tan máu. Nếu không được sơ cứu đúng cách và cấp cứu kịp thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
BSCKI Võ Phi Bình – Bác sĩ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân cho biết: “Trong mùa thu hái cà phê, khả năng người dân bị rắn cắn tăng cao hơn bình thường. Khi bị rắn cắn, người dân nên bình tĩnh, bất động vùng chi bị cắn, rửa sạch vết cắn và nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời. Lưu ý không tự ý rạch, hút máu tại vết cắn hay đắp bất cứ loại lá, thuốc nào lên bề mặt vết cắn. Ngoài ra, người dân nên nhận diện loại rắn hoặc mang theo con rắn đến bệnh viện nếu có thể, để Bác sĩ nhận dạng và sử dụng loại huyết thanh kháng độc phù hợp”.
Link bài viết: http://thienhanhhospital.com/truyen-6-lo-huyet-thanh-kip-thoi-cap-cuu-benh-nhan-bi-ran-doc-can/