Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết các tình huống nói trên thường gặp trong đời sống. Nhiều người cho rằng nốt mụn, vết xước từ thủy tinh nhỏ, nhanh liền da hoặc có thể xử trí bằng cách đắp thuốc lá, không có nguy cơ mắc bệnh uốn ván.
Theo bác sĩ Chính, đây là quan niệm sai. Vi khuẩn uốn ván có mặt ở mọi nơi, vết thương hở dù nhỏ cũng có thể mở đường cho nha bào uốn ván xâm nhập và gây bệnh. Việt Nam đã ghi nhận nhiều ca nhiễm vi khuẩn uốn ván chỉ từ vết thương nhỏ. Vào tháng 3, một cụ bà 83 tuổi ở Hà Nội tử vong do nhiễm uốn ván sau khi bó thuốc lá vào tay bị gãy, có vết trầy xước trên da. Năm 2019, một bệnh nhân nữ ở Hòa Bình, có vết nhọt chảy mủ gây nhiễm uốn ván, phải nhập viện điều trị tích cực.
Hiện chưa có thống kê cụ thể về tỷ lệ người mắc uốn ván sau khi rạch mụn, chích nhọt; song toàn quốc vẫn ghi nhận ca mắc uốn ván nói chung tại nhiều tỉnh, thành. Theo đó, năm 2020, Bộ Y tế ghi nhận 320 ca mắc tại 28 tỉnh, thành; năm 2021 có 182 ca mắc tại 25 tỉnh, thành.Năm 2023, riêng Hà Nội trong gần 8 tháng đầu năm đã ghi nhận 18 trường hợp mắc uốn ván (2 ca tử vong), tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ 2022.
BS.CKI Trương Trọng Tuấn, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM giải thích vi khuẩn uốn ván phát triển ở điều kiện yếm khí như vết thương được băng bó chặt, không có không khí. Vi khuẩn còn có thể sống trong môi trường nước đun sôi, phơi nắng, tiếp tục nhân lên và tiết ra độc tố dù vết thương đã kín miệng.
Khi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn tấn công hệ thần kinh, gây co cứng cơ co giật cơ khi có kích thích. Nhiều ca mắc uốn ván ở độ tuổi thanh niên và trung niên do thiếu cảnh giác nhiễm trùng uốn ván, chưa tiêm vaccine hoặc không tiêm nhắc lại gây giảm kháng thể bảo vệ. Bệnh nhân thường nhập viện trong tình trạng sốt, khó thở, phải điều trị tích cực.
"Uốn ván được đánh giá là bệnh nguy hiểm, có thể mất nhiều tháng để hồi phục hoàn toàn. Ngay cả khi được điều trị, vẫn có tỷ lệ 10% bệnh nhân tử vong", bác sĩ Tuấn nói.
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo mọi người không chủ quan với bệnh uốn ván. Mọi người không tự nặn, rạch mụn, đắp lá vào các vết thương. Nếu vết thương sâu, bẩn, dập nát, mọi người nên vệ sinh vết thương bằng nước muối hoặc nước sạch, loại bỏ đất bẩn, mảnh vụn nếu có. Vết thương phức tạp, chảy máu, dính nhiều đất, cát đòi hỏi cắt lọc, sát khuẩn, cần nhanh chóng tới cơ sở y tế.
Khách hàng tiêm vaccine uốn ván tại VNVC. Ảnh: VNVC
Theo bác sĩ Tuấn, người dân không băng kín vết thương chưa được vệ sinh tốt do tạo điều kiện vi khuẩn uốn ván phát triển. Mọi người nên băng vết thương đúng, kết hợp kiểm tra, thay băng hàng ngày. Nếu vết thương mưng mủ nhiễm trùng, mọi người tháo bỏ băng, làm sạch, để hở, đến cơ sở y tế để xử lý vết thương, không sử dụng các phương pháp dân gian như đắp lá, rắc bột...
Để phòng bệnh, bác sĩ Chính khuyến cáo người dân nên chủ động tiêm vaccine. Lý do là uốn ván chỉ lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với các bề mặt bị lây nhiễm chứ không phải từ người sang người như các bệnh truyền nhiễm khác. Vì vậy, việc dựa vào miễn dịch cộng đồng sẽ không bảo vệ mỗi người khỏi loại vi khuẩn này.
Phác đồ tiêm chủng gồm 3 mũi, trong đó mũi 2 sau mũi đầu tiên một tháng, mũi 3 sau mũi 2 sáu tháng. Khi đã có miễn dịch cơ bản, mọi người cần tiêm nhắc lại sau mỗi 5 đến 10 năm để có miễn dịch bảo vệ bền vững. Nếu tiêm dự phòng uốn ván đầy đủ thì khi có vết thương lớn có nguy cơ bị uốn ván thì chỉ cần tiêm nhắc lại một liều vaccine, không cần phải tiêm huyết thanh kháng uốn ván.
Link bài viết: https://vnexpress.net/nguy-co-mac-uon-van-khi-rach-mun-nhot-4647021.html?gidzl=0pgCO3jx8nuFB8jcDsOc7GSlZMeeD2H067hPEobY8n4O8jjgApWXHXDrWJuWRNn4G2o3EcC1UPbECN8W6W