Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024
Hợp tác quốc tế
Hình ảnh
THÔNG TIN ĐẤU THẦU
VIỆN VẮC XIN VÀ SINH PHẨM Y TẾ
Tiêm vaccine là biện pháp phòng, chống bệnh dại hiệu quả nhất
Bệnh dại lưu hành tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước, là nguyên nhân gây tử vong cao nhất trong các bệnh truyền nhiễm với tỷ lệ tử vong gần như 100% khi lên cơn dại. Nhiều người còn rất chủ quan, bị chó, mèo cắn không tiêm vaccine, thậm chí con vật sau khi cắn người đã bị chết nhưng nạn nhân vẫn không đi tiêm.
   Theo thống kê của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, 7 tháng năm 2023, cả nước ghi nhận 45 trường hợp tử vong do bệnh dại. Trong đó, miền Bắc có số ca tử vong cao nhất (20 ca) so với các khu vực khác (miền Nam có 9 ca, miền Trung 5 ca và khu vực Tây Nguyên 11 ca). 
   Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC, cho biết, bệnh dại có tỷ lệ tử vong cao nhất trong các bệnh truyền nhiễm, gần như 100% bệnh nhân tử vong khi lên cơn dại. Tại Việt Nam, do việc quản lý nuôi, nhốt chó, mèo còn hạn chế; chó, mèo không được tiêm phòng dại đầy đủ, không rọ mõm và thường xuyên thả rông nên nguy cơ người dân tiếp xúc với virus dại khá cao. Bệnh dại thường tăng cao vào mùa nắng, từ tháng 5 tới tháng 8 hằng năm do thời tiết nóng ẩm làm virus dại phát triển.  
Người dân tiêm vaccine phòng dại tại Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC. Ảnh: PHONG LAN
   Theo bác sĩ Bạch Thị Chính, bệnh dại có hai thể, gồm thể cuồng và thể liệt. Ở thể cuồng, triệu chứng đầu tiên của người bệnh là sốt cao, đau đầu, sốt, mệt mỏi, cảm giác tê và đau ngay tại vết thương. Khi virus xâm nhập sâu vào não bộ, người bệnh có biểu hiện mất ngủ, sợ ánh sáng, sợ tiếng động, sợ gió, hành vi hung hăng, tăng tiết nước bọt, hạ huyết áp, lú lẫn, co thắt cơ bắp, ngưng tim. Bệnh tiến triển tăng đến mức người bệnh không thể nhai, nuốt, uống nước và thường chết chỉ sau một tuần kể từ ngày phát bệnh.
   Thể liệt ít gặp hơn, triệu chứng là người bệnh tê liệt toàn bộ cơ thể, rối loạn tiêu tiểu, liệt tay chân. Người bệnh sẽ tử vong ngay nếu liệt lan đến cơ hô hấp. Khi phát dại, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn cho đến lúc chết. Quá trình ủ bệnh của virus dại rất phức tạp, có thể chỉ trong vòng 7 đến 10 ngày nhưng cũng có thể kéo dài vài năm, tùy thuộc vào mức độ nặng, nhẹ và vị trí vết cắn của động vật. Vết cắn càng nặng và gần cơ quan thần kinh trung ương như đầu, mặt, cổ hoặc nơi tập trung nhiều dây thần kinh (đầu các chi, bộ phận sinh dục...) thì virus dại sẽ phát tác rất nhanh. Nếu không được xử trí vết thương đúng cách, tiêm huyết thanh và vaccine kịp thời, người bệnh có thể tử vong trong thời gian ngắn. 
   Hiện nhiều người dân vẫn còn có quan niệm vết thương chảy máu mới gây dại, hoặc có quan niệm nguy hiểm rằng bệnh dại có thể chữa bằng thuốc nam, đắp lá cây, đi thầy lang lấy độc. Có trường hợp còn từ chối tiêm vaccine dại vì sợ vaccine dại làm mất trí nhớ, kém thông minh... Các chuyên gia khẳng định, hiện nay chưa có một bài thuốc Đông y nào được nghiên cứu và công bố có thể chữa được bệnh dại. Cách phòng ngừa và điều trị bệnh dại duy nhất là tiêm vaccine dại và huyết thanh kháng dại. Hệ thống tiêm chủng VNVC đang có hai loại vaccine phòng dại thế hệ mới gồm Verorab (Pháp) và Abhayrab (Ấn Độ). Đây đều là những loại vaccine đã được kiểm định an toàn, khẳng định khả năng đáp ứng miễn dịch cao sau khi tiêm đủ liều.
   Bác sĩ Bạch Thị Chính khuyến cáo, khi bị vật nuôi cắn, cào, nạn nhân phải rửa ngay vết thương bằng nước xà phòng dưới vòi nước sạch chảy liên tục trong khoảng 10-15 phút và sát trùng vết thương với cồn 70% hoặc cồn i-ốt; sau đó cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để điều trị vết thương và tiêm vaccine phòng dại hoặc huyết thanh kháng dại theo tư vấn của bác sĩ càng sớm càng tốt, đúng và đủ liều theo phác đồ điều trị.

Link bài viết: https://www.qdnd.vn/y-te/cac-van-de/tiem-vaccine-la-bien-phap-phong-chong-benh-dai-hieu-qua-nhat-738889
Các bài viết khác