Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024
Hợp tác quốc tế
Hình ảnh
THÔNG TIN ĐẤU THẦU
VIỆN VẮC XIN VÀ SINH PHẨM Y TẾ
Yersin ở Việt Nam (Kỳ 1): Người chế ngự bệnh dịch hạch
Tên tuổi lừng lẫy của Alexandre Yersin khiến bất cứ ngòi bút nào cũng phải chùn bước. Liệu có thể viết về ông theo một cách khác, ví như không nhắc đến phát hiện trực khuẩn gây bệnh dịch hạch? Nhưng cũng giống việc nói về nhà văn gốc Ấn Salman Rushdie mà không thể không gợi lại fatwa (án tử hình) từ giáo chủ Iran Ruhollah Khomeini, chúng ta buộc phải nhắc đến phát hiện năm 1894 bởi nó liên quan đến phần đời Yersin ở Việt Nam và khởi thủy cho rất nhiều dự án quan trọng của ông tại đây.
 LTS: Là một bác sĩ, nhà vi trùng học và nhà thám hiểm, lúc sinh thời, tên tuổi của Alexandre Yersin đã vượt khỏi biên giới Thụy Sĩ, nơi ông ra đời vào năm 1863, và khỏi biên giới Pháp, nơi ông theo học Louis Pasteur, nhờ phát hiện ra trực khuẩn gây bệnh dịch hạch ở Hong Kong vào năm 1894 và sau mang tên ông, Yersinia pestis. Nhưng hầu như toàn bộ cuộc đời phi thường của Yersin, với những phát hiện và đóng góp lớn lao mang tính khai sơn phá thạch khác sau cột mốc 1894, đều diễn ra ở Việt Nam, nơi được thừa hưởng toàn bộ di sản của ông.
     Tưởng nhớ công lao này, nhân dịp tròn 160 năm ngày sinh (22/9/1863) và 80 năm ngày mất (1/3/1943) của Alexandre Yersin, Tia Sáng xin giới thiệu với bạn đọc một góc nhìn về ông qua loạt bài viết dài kỳ “Yersin ở Việt Nam”.
Alexandre Yersin trong trang phục bác sĩ của Hãng Vận tải đường biển Pháp năm 1890.
    Ở Nha Trang, mùa du lịch đã nhộn nhịp trở lại sau mấy năm im lìm vì COVID. Tháng sáu, những dòng khách nước ngoài, chủ yếu là khách Trung Quốc, Hàn Quốc, đổ dồn về các khách sạn và làm đầy các bãi tắm ven đường Trần Phú, con đường đẹp nhất thành phố. Nhưng ở đây, trong không gian rộng 100m2 tầng hai của Bảo tàng Yersin, vào ngày chúng tôi tới, hầu như vắng bóng du khách. Chị Cao Hoàng Đoan Thục, hướng dẫn viên da nâu duyên dáng của bảo tàng, cho biết, trung bình mỗi tháng trước dịch có khoảng 300 đến 400 lượt khách thưởng lãm, nhiều nhất là hơn 500 lượt khách, hầu hết là người châu Âu. Cũng giống như mỗi lần dịch bệnh qua đi, mấy ai còn nhớ đến những điều đau đớn tồi tệ, và có lẽ, cả những người âm thầm chế ngự nó, nhất là khi dịch hạch đã im lìm trong quá khứ trăm năm…
     Nhưng lẽ nào người ta không nhớ đến Yersin? Ở Nha Trang, đường Yersin kéo dài gần suốt chiều rộng thành phố, nhìn thẳng ra bờ biển lộng gió và vuông góc với đường Pasteur để hình thành một khối liên ngành kỳ lạ: Viện Pasteur Nha Trang, Bảo tàng Yersin, Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC), trường Trung cấp KTXN Y học dự phòng, Trung tâm Khí tượng Thủy văn Nam Trung Bộ, Bảo tàng Khánh Hòa… Trực tiếp hay gián tiếp, tất cả đều nhắc nhở về ông. “Trước hết, ông là một bác sĩ, sau đó là nhà thám hiểm, nhà vi trùng học, nhà nông học, nhà thiên văn, nhà khí tượng, nhà cơ khí… Ông cũng đặt nền móng cho ngành thú y Đông Dương và nhiều lĩnh vực khác”, lời giới thiệu của chị Đoan Thục về Yersin, có lẽ được nhắc đi nhắc lại vài trăm lần một năm nhưng vẫn rung lên trong một xúc cảm khó nhận biết.
     Các hiện vật trong bảo tàng này đều ẩn chứa một sức hút lạ thường. Nó thôi thúc người ta bước vào cuộc đời của một con người, sống gần một thế kỷ trước, với những niềm đam mê khác nhau, và cả những quan điểm khác biệt với suy nghĩ thông thường. “Mẹ có hỏi liệu con có thích hành nghề y hay không? Có và không, con rất vui khi được chăm sóc những người đến khám, nhưng con không muốn biến y khoa thành một nghề, có nghĩa là không bao giờ con có thể đòi tiền người bệnh cho việc chăm sóc họ. Con coi y khoa như một chuyên môn và nhiệm vụ. Đòi tiền để chăm sóc bệnh nhân chẳng khác nào nói với người đó rằng tiền hay mạng sống. Đó là suy nghĩ mà con biết rằng không phải đồng nghiệp nào cũng chia sẻ nhưng ít nhất thì đó là suy nghĩ của riêng con và con tin là mình sẽ khó có thể từ bỏ nó”, Yersin từng thổ lộ như thế trong một lá thư gửi mẹ từ Sài Gòn, đề ngày 30/1/1891.
    Vậy có phải việc phát hiện ra vi khuẩn gây bệnh dịch hạch, với Yersin, chỉ là một nhiệm vụ?
 
Ngự lâm quân của Pasteur
     Trước cơn bão dịch hạch năm 1894 ở Trung Quốc, Alexandre Yersin được biết đến như một trong số các ngự lâm quân của Louis Pasteur. Vào năm 1883, sau khi học Y ở tại Lausanne (Thụy Sĩ) và Marburg (Đức), Yersin sang Paris và bị thu hút bởi nhà hóa học tài ba người Pháp. Lúc này, danh tiếng của Louis Pasteur đã lên tới đỉnh điểm khi phát hiện ra vai trò của vi sinh vật vào quá trình lên men, các nguyên tắc thanh trùng, và hơn thế, khẳng định các bệnh truyền nhiễm ở người và động vật là do các vi sinh vật. Đây là một bước tiến trong ngành miễn dịch học, dịch tễ học và đặt nền móng cho nhiều tiến bộ sau này.
     Giáo sư Maxime Schwartz, Giám đốc Viện Pasteur Paris từ năm 1988 đến năm 1999, trong bộ phim tài liệu A. Yersin – Vainqueur de la paste” (A. Yersin – người chiến thắng bệnh dịch hạch) của đạo diễn Stefan Kleeb năm 2016, đã lý giải về nguyên nhân để Yersin lựa chọn phòng thí nghiệm của Pasteur ở trường École Normale Supérieure, mối nhân duyên ảnh hưởng đến sự nghiệp của ông theo nhiều cách: “Yersin dĩ nhiên đã được nghe nhiều về Pasteur và phấn khích những gì mới mẻ trong suốt cuộc đời mình”. 
     Dường như có sự sắp đặt sẵn của số phận, đó cũng là thời điểm đáng nhớ của Pasteur: ông đang giới thiệu phương pháp điều trị bệnh dại bằng vaccine mình làm ra cho người bị chó dại cắn. Và một sự cố tình cờ đã xảy ra: trong phòng thí nghiệm, Yersin được giao khám nghiệm tủy sống một bệnh nhân chết sau khi bị chó dại cắn; và lúc mổ tủy sống, Yersin bị đứt tay; ông lập tức tiến đến phòng của Pasteur và được Pasteur nhờ Emile Roux, trợ lý của mình, tiêm vaccine phòng bệnh dại. Đó là khởi điểm cho một tình bạn lâu dài giữa ba người lần lượt nắm các vị trí quan trọng ở Viện Pasteur Paris sau này. Đặc biệt Roux, dù lớn hơn Yersin 10 tuổi, đã nhanh chóng trở thành người bạn thân thiết của Yersin đến tận cuối đời. “Roux ủng hộ con hoàn toàn. Những gì khiến con vui nhất là anh ấy thấu hiểu mục tiêu những cuộc khám phá của con bởi với anh ấy, mục tiêu đề ra [trước mỗi hành động] là điều rất quan trọng và cần thiết. Điều khiến con hạnh phúc hơn là từ rất lâu rồi, con đã mong ước có được sự thấu hiểu của một người ngay thẳng và đáng kính như vậy”, Yersin viết trong thư gửi mẹ từ Paris, đề ngày 2/11/1892.
     Cuộc triển lãm thế giới ở Paris vào năm 1889, một màn giới thiệu văn hóa về các thuộc địa nhiệt đới của Pháp không chỉ truyền cảm hứng và chất liệu mới cho những nhà soạn nhạc như Debussy mà còn bứng Alexandre Yersin vĩnh viễn khỏi châu Âu và đặt ông vào vùng đất mới mà thời kỳ đó gọi là Đông Dương thuộc Pháp, trong đó có Việt Nam.
    Với ảnh hưởng của mối quan hệ này, Yersin bắt đầu quan tâm đến vi khuẩn học và thường dành thời gian ở các phòng thí nghiệm của Pasteur và Roux. Ông cũng được Roux hỗ trợ trong quá trình chuẩn bị luận án tiến sĩ y khoa tại Pháp. Hai người cùng nhau khám phá ra cơ chế hoạt động của Corynebacterium diphtheriae, vi khuẩn gây ra bệnh bạch hầu, và cách điều trị bệnh bạch hầu bằng kháng độc tố, khi đó là một căn bệnh ác tính gây chết người, đặc biệt trẻ em. “Trong giai đoạn đầu, nghiên cứu của hai người đã chỉ ra, vi khuẩn bạch hầu tiết ra một chất độc gọi là độc tố bạch hầu, độc tố ấy gây bệnh ở động vật như chuột, thỏ, những triệu chứng nhiễm bệnh bạch hầu như ở người, do đó độc tố này là nguyên nhân gây bệnh”, giáo sư Maxime Schwartz, nói về sự kiện phân lập độc tố vi khuẩn đầu tiên trong lịch sử y khoa thế giới này.
     Ở Viện Pasteur, cách tiếp cận mà Pasteur và cộng sự nuôi cấy vi khuẩn là cho nó tiếp xúc với oxy hoặc nhiệt – sau được các học trò Albert Calmette và Camille Guérin tối ưu bằng kỹ thuật nuôi cấy trong ống nghiệm hoặc trên vật chủ – để thu được một chủng đã được giảm độc lực để có thể bảo vệ chống lại các bệnh truyền nhiễm ở người (Calmette thành lập Viện Pasteur Sài Gòn vào năm 1891). Đáng chú ý là Yersin đã tham gia vào phát triển huyết thanh chống bệnh chó dại và năm 1888, ở tuổi 25, ông nhận bằng tiến sĩ với luận án “Étude sur le Développement du Tubercule Expérimental” (Nghiên cứu về sự phát triển của bệnh lao bằng thực nghiệm).
     Yersin gia nhập quốc tịch Pháp, có lẽ là chuẩn bị cho tương lai (vì lúc đó ở Pháp có quy định, chỉ người có quốc tịch Pháp mới được hành nghề y), hơn nữa, cho một sự nghiệp xán lạn ở Viện Pasteur với những đồng sự xuất sắc, nếu không có một sự kiện quan trọng xảy ra.
     Đó là cuộc triển lãm thế giới ở Paris vào năm 1889, một màn giới thiệu văn hóa về các thuộc địa nhiệt đới của Pháp không chỉ truyền cảm hứng và chất liệu mới cho những nhà soạn nhạc như Debussy mà còn bứng Alexandre Yersin vĩnh viễn khỏi châu Âu và đặt ông vào vùng đất mới mà thời kỳ đó gọi là Đông Dương thuộc Pháp, trong đó có Việt Nam (lúc đó là An Nam). “Quyết tâm của con là không bao giờ trở lại làm việc tại Viện Pasteur. Con đã dành quá đủ thời gian ở đó và giờ thì con đã ở xa, con có thể tỉnh táo để nói một cách khách quan nhất như vậy. Cuộc đời trong phòng thí nghiệm dường như trở nên không thể với con, sau khi đã nếm trải cảm giác tự do và cuộc sống ngoài trời”, Yersin viết thư gửi mẹ từ Sài Gòn, lá thư đề ngày 6/9/1891. 
 
Bệnh dịch ở Hongkong
Yersin đứng bên ngoài túp lều tranh dựng tạm ở Hong Kong.

    Không có chữ nếu tồn tại, có lẽ vào năm 1894, người được cử tới Hong Kong hoặc bất cứ địa điểm nào đó xảy ra bệnh dịch hạch, Vân Nam chẳng hạn, có thể không phải là Yersin bởi những ngự lâm quân của Pasteur, ngoài Roux, Calmette, Guérin như chúng ta đã biết, còn có cả Paul-Louis Simond, nhà sinh vật học sau phát hiện con đường lây truyền bệnh dịch hạch, và Ilya Mechnikov, người sau đó giành giải Nobel Y sinh năm 1908.
     Nhưng lịch sử đã xảy ra đúng như cách nó tồn tại, một sự sắp đặt gần như vừa khéo để Yersin xuất hiện và lĩnh lấy nhiệm vụ của mình. Khi đó, trong vòng hai năm (1892-1894), Yersin đã có ba chuyến thám hiểm từ Nha Trang tới Kratié, Stung-Streng (Campuchia), khám phá cao nguyên Langbiang, từ Nha Trang tới Attopeu (Lào) và Đà Nẵng – những điều chúng ta sẽ có dịp bàn tới ở các kỳ sau. Yersin ở tuổi 31 còn đang ngây ngất với thám hiểm, dẫu có lần suýt phải trả giá bằng cả tính mạng, thì nhận được điện tín xuyên châu lục của Roux, từ Paris gửi tới tất cả những nơi có thể gặp được Yersin. 
     Roux nóng lòng muốn thông tin cho Yersin về việc dịch hạch bùng phát ở Trung Quốc. Với người châu Âu, dịch hạch gắn liền với những ký ức khủng khiếp. Nếu không tính đến cơn bùng phát ở Athens vào năm 430 trước Công nguyên khiến 100.000 người chết và là đại dịch liên vùng đầu tiên được ghi nhận trong lịch sử loài người, thì có hai đại dịch do dịch hạch gây ra, thứ nhất là dịch hạch Justinian ở vùng Địa Trung Hải, châu Âu, Cận Đông với 30 – 50 triệu người chết, từ năm 541 đến năm 750 sau Công nguyên; thứ hai là Cái chết Đen vào những năm 1340 ở châu Âu khiến 50 triệu người chết, tỷ lệ tử vong khi mắc là 90%, cao hơn cả COVID. Ai nấy đều hoảng sợ, thầy thuốc và nhà thờ đều nghĩ rằng nguồn gốc gây bệnh là do đấng siêu nhiên nào đó và nhiều người bị xử tử do bị cáo buộc làm lây truyền, gieo rắc bệnh dịch. Không có cách nào ngăn chặn nổi dịch hạch, một khi nó đã khởi phát. 
     Giờ đây nhìn về quá khứ với tâm thế của người thuộc về thời đại đã kiểm soát tốt bệnh dịch hạch, ắt hẳn chúng ta cảm thấy kinh ngạc trước sức tàn phá của căn bệnh này. Không phải ngẫu nhiên trong tiếng Anh, từ “plague” (dịch hạch) lại còn mang thêm các nghĩa tai họa, gây tai hại, làm phiền muộn. Ở màn 1, cảnh một của Othello, vở bi kịch mà William Shakespeare có lẽ viết vào năm 1603 (khoảng 250 năm sau Cái chết Đen), nhân vật phản diện Iago đã nói với Roderigo, một nhân vật phản diện mê muội nhan sắc Desdemona khác, rằng ‘Hãy để anh ta [Othello] gặp tai họa’ (Plague him…).
     Lúc Roux gửi điện tín thì tình thế đã rất nguy cấp bởi từ tháng 1/1894, căn bệnh được cho là bắt nguồn từ Vân Nam năm 1792 đã làm tám vạn người chết. Sang tới tháng ba thì các bác sĩ người Anh ở Hong Kong mới coi đây là đại dịch. Hong Kong hay Vân Nam quá gần với Đông Dương và việc để dịch lan truyền tới đây sẽ đe dọa tính mạng của người châu Âu sống tại đây, dĩ nhiên cả người bản xứ. Chính quyền Pháp cầu cứu Pasteur và Pasteur nghĩ ngay đến người học trò xuất sắc đang ở Đông Dương. Ở đây, giáo sư Maxime Schwartz lưu ý, ban đầu, Yersin được gợi ý tới Vân Nam nhưng bằng óc phân tích của mình, Yersin nhận ra tâm điểm của dịch là Hong Kong, nơi có đủ điều kiện gia tốc căn bệnh truyền nhiễm: mật độ người, mật độ giao thương, điều kiện vệ sinh…

Cuộc cạnh tranh ngoài ý muốn
Chiếc kính hiển vi giúp Yersin phát hiện ra vi khuẩn gây bệnh dịch hạnh được trưng bày ở Bảo tàng Yersin, Nha Trang.
    Với hành lý không nhiều nhặn gì – một cái rương đựng ít thiết bị y tế, bao gồm vật liệu nuôi cấy, kính hiển vi và nồi khử trùng, Yersin rời Hà Nội ngày 12/6, cập bến Hong Kong vào ngày 15/6 và nhận ra một nhóm nhà khoa học Nhật Bản đến trước mình ba ngày. Giới chức Anh ở đây đã chọc giận người Pháp bằng việc mời nhà vi trùng học Kitasato Shibasaburō, học trò của Robert Koch, đối thủ truyền kiếp của Pasteur. Chúng ta cần nhớ là nửa cuối thế kỷ 19, thế giới đã chứng kiến cuộc cạnh tranh đầy căng thẳng giữa hai gương mặt hàng đầu lĩnh vực vi sinh học hai quốc gia Đức và Pháp, Robert Koch và Luis Pasteur. Giờ nó lại được nối dài ở thế hệ tiếp theo, Yersin và Kitasato, trong một bối cảnh thu gọn còn cân não hơn, Hong Kong. Yersin cố gắng trao đổi với Kitasato bằng tiếng Đức nhưng không thành công.
     Rõ ràng, Yersin ở thế bất lợi. Ông đơn thương độc mã, Kitasato có lợi thế thời gian, 6 trợ tá và hơn thế, sự ủng hộ của người Anh. Lúc đó bệnh viện thành phố Kennedy Town đầy rẫy bệnh nhân đang ốm nặng và chết nhưng Yersin không được vào nhà xác do lệnh cấm của tiến sĩ Lawson, giám đốc bệnh viện. Sau nhiều lần đề xuất, Yersin được phép đặt một cái bàn nhỏ trong góc hành lang, gần phòng bệnh nhưng vẫn không được vào nhà xác. 
     May mắn theo giới thiệu của bạn bè ở Hà Nội, ông liên lạc với linh mục Ý Vigano, người sau đó hỗ trợ ông làm một cái lều nhỏ bên ngoài bệnh viện, nơi có thể kê một cái giường gấp, một phòng thí nghiệm sơ sài. Theo lời khuyên của cha Vigano, Yersin đưa cho hai lính thủy Anh vài USD để vào được nhà xác. Giờ thì Yersin có thể vào đó trong vòng vài phút, tiếp cận thi hài bệnh nhân dịch tả mới qua đời, chờ khoảng một, hai giờ thì chôn cất. Tài khéo phẫu thuật mà Yersin rèn được ở Đức đã phát huy công dụng: nắp quan tài hé mở, rất nhanh chóng, ông gạt đám vôi rắc trên thi hài ở vùng đùi để trong vòng một phút cắt lấy những hạch bạch huyết, nơi nghi ngờ chứa những vi khuẩn gây ra bệnh. Sau đó, ông chạy về phòng thí nghiệm dã chiến, đặt một ít lên kính hiển vi, một phần khác tiêm thẳng vào mấy con chuột lang chuẩn bị sẵn. Ông cũng kiểm tra thêm một số hạch khác, kết quả cũng tương tự. Vào ngày hôm sau, ông lặp lại thí nghiệm của mình và luôn luôn cùng kết quả. Ông đóng dấu niêm phong ống nghiệm chứa vi khuẩn rồi gửi về Paris cho Roux bằng đường bưu điện, điều có vẻ khó tưởng tượng vào ngày nay. 
     “Phát hiện này không đòi hỏi những phương pháp hay kỹ thuật phức tạp, ngoại trừ sự tò mò, các khả năng phán đoán, quan sát tốt của người làm nghiên cứu thông minh, kiên trì, được trang bị một cái kính hiển vi và một ý chí vững vàng”
(TS. Ludwik Gross)
     Sở dĩ chúng ta có thể biết được những điều này là một phần nhờ Ludwik Gross – nhà virus học người Mỹ đã có thời gian nghiên cứu ở Viện Pasteur Paris vào trước Chiến tranh thế giới thứ hai và năm 1938, đã viết thư trao đổi chi tiết với Yersin về khám phá bệnh dịch hạch. Yersin kể với ông là đã vô cùng phấn khích khi nhìn vào kính hiển vi. Sau đó, Yersin cũng ghi lại trong cuốn sổ công tác: “Ngày 20/6/1894. Bệnh phẩm đầy rẫy các con vi khuẩn, tất cả đều giống nhau: đầu tròn, bắt màu rất kém (vi khuẩn gam âm); đây có thể là vi khuẩn gây bệnh dịch hạch”. Trong thư gửi mẹ, ông miêu tả sống động hơn “Thoạt nhìn, con nhận ra một đám vi khuẩn dày đặc, tất cả đều giống nhau: chúng hình que, bé xíu, béo lùn, có đầu tròn và màu xấu xí”. Cuốn sổ ghi chép một, hai ngày sau thêm vài dòng “những con chuột lang bị tiêm dịch từ hạch bạch huyết đã chết, máu chúng và các nội quan đều tràn ngập cùng một loại vi khuẩn”. Vào ngày 23/6, Yersin ghi nhận sự hiện diện của vô số vi khuẩn này trong chuột. Chúng cũng chết với những hạch bạch huyết giống như người. Giờ thì ông đã biết là mình đã phân lập được vi khuẩn gây bệnh dịch hạch. Ông thông báo cho tiến sĩ Lawson các quan sát của mình và được phép vào nhà xác. 
    Ở Paris, ngày 30/6, tiến sĩ Émile Duclaux, Giám đốc Viện Pasteur khi đó, đã thông báo phát hiện của Yersin trong cuộc họp của Viện Hàn lâm Khoa học Pháp. Người Pháp phất cờ chiến thắng.
    Nhưng Kitasato không phải người tầm thường. Năm 1889, ông đã tìm ra vi trùng Clostridium tetani trong máu bệnh nhân uốn ván và sau là phát triển huyết thanh kháng. Ở Hong Kong, ông không đi tìm vi khuẩn trong hạch bạch huyết như Yersin mà tìm trong máu bệnh nhân, một cách làm quen thuộc của mình. Yersin cũng lưu ý trong sổ ghi chép là Kitasato dường như phớt lờ các hạch trong khám nghiệm bệnh lý.
    Trong lịch sử y khoa khó có trường hợp dịch bệnh nào lại có đầy rẫy vi khuẩn trong máu và trong các hạch bạch huyết như thế. Vấn đề là Kitasato đã phát hiện ra vi khuẩn gây bệnh sớm hơn Yersin vài ngày nhưng các báo cáo ban đầu của ông thì không thiếu mơ hồ và mâu thuẫn. Việc xác định Kitasato có là đồng khám phá ra vi trùng dịch hạch hay không còn được giới khoa học tranh luận vào những năm 1970 và cuối cùng, vi khuẩn chính thức mang tên Yersinia pestis như một hành động vinh danh Yersin.
Yersin được dựng tượng ở Hong Kong.
    Ludwik Gross, người của “phe Pasteur”, đã nhận xét về Yersin vào năm 1995 “Phát hiện này không đòi hỏi những phương pháp hay kỹ thuật phức tạp, ngoại trừ sự tò mò, các khả năng phán đoán, quan sát tốt của người làm nghiên cứu thông minh, kiên trì, được trang bị một cái kính hiển vi và một ý chí vững vàng”. Mặt khác, Yersin không hẳn chỉ gặp bất lợi. Vi khuẩn dịch hạch trớ trêu lại phát triển tốt hơn ở nhiệt độ thấp, phù hợp với điều kiện dã chiến của Yersin và giúp ông có lợi thế hơn Kitasato, người sử dụng một tủ sấy ở Bệnh viện Kennedy Town. 
     Trong một bài báo xuất bản ngày 18/2/1897, Nature nhấn mạnh vào việc Yersin quan sát khu nhà ổ chuột không có cửa sổ, thấp hơn mặt đường của người bản xứ, xác chuột chết đầy trên phố ngay từ ngày đầu tới Hong Kong, xác ruồi đầy trong các phòng có bệnh nhân dịch hạch. Sau khi lấy mẫu chuột và ruồi, ông phát hiện ra các mẫu đều chứa đầy vi khuẩn dịch hạch. Dù cho đây cũng là nguyên nhân gây bệnh nhưng ông chưa lý giải được vì sao chúng lây cho người. Công việc của Yersin với bệnh dịch hạch, sau này được Simond hoàn tất khi phát hiện con đường lây truyền vào năm 1898: con bọ chét (Xenopsylla cheopis) sống ký sinh trên chuột, làm nhiễm bệnh cho chuột, sau đó nhảy từ vật chủ chuột chết sang người, đúng theo cách thức các bệnh truyền nhiễm có nguồn gốc từ động vật.
     Ngày nay nhìn lại, có thể thấy góp phần đem lại thành công của Yersin chính là sự quan sát rất kỹ lưỡng những biểu hiện lâm sàng của người bệnh cũng như môi trường xung quanh. Dù trước cả thế kỷ nhưng cách tiếp cận của ông rất gần với One Health hiện nay – một cách tiếp cận liên ngành, thực hiện từ quy mô địa phương, vùng, quốc gia đến toàn cầu nhằm tìm hiểu cơ chế phát sinh và tiến triển của bệnh truyền nhiễm thông qua mối tương tác giữa con người, động vật, môi trường.
     Yersin hậu khám phá như thế nào? Ông về Paris điều chế huyết thanh chống dịch hạch cùng với hỗ trợ của Roux, Calmette, Roux và Borrel, nơi họ chủng vi khuẩn dịch hạch đã nuôi cấy trong môi trường nhiệt độ cao lên ngựa, con ngựa suýt chết nhưng sau sáu tuần, cung cấp một thứ huyết thanh chống độc tố hiệu quả. Yersin trở lại Đông Dương và làm nên điều kỳ diệu với thứ huyết thanh ấy: cứu sống một chàng trai Trung Quốc 18 tuổi gần như cận kề cửa tử vào ngày 26/6/1896. Ông đã chứng minh căn bệnh truyền nhiễm ấy có thể chữa khỏi được. 
    Yersin ở lại Viện Pasteur như mong muốn của mẹ? Ồ không, ông vẫn kiên định với lựa chọn của mình. Ông rồi sẽ về Nha Trang, ấp ủ những kế hoạch khác, ví dụ sản xuất các loại huyết thanh chống dịch bệnh như cách đã làm ở Paris bởi xứ Đông Dương đầy rẫy lam sơn chướng khí và mầm bệnh cần nó. Nhưng để làm như thế, ông phải có ngựa, chuột, thỏ. Được thôi, ông sẽ lập một phòng thí nghiệm, tìm mảnh đất phù hợp để gây dựng một trại chăn nuôi. Đó là khởi điểm cho sự ra đời của Viện Pasteur Nha Trang, và Trại Chăn nuôi Suối Dầu (nay trực thuộc IVAC), một di sản rực rỡ ông để lại cho Việt Nam mà nay vẫn vươn cành đơm trái, từ tầm nhìn của con người xuất chúng ấy.

Link bài viết: https://tiasang.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/yersin-o-viet-nam-nguoi-che-ngu-benh-dich-hach-ky-1/
Các bài viết khác