Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024
Hợp tác quốc tế
Hình ảnh
THÔNG TIN ĐẤU THẦU
VIỆN VẮC XIN VÀ SINH PHẨM Y TẾ
Liên tiếp nhiều người dân ở phía nam bị rắn độc cắn
Thời gian gần đây, liên tiếp nhiều bệnh nhân phải nhập viện vì rắn cắn. Đặc biệt, một số người bị cắn bởi những loài kịch độc như rắn hổ chúa, rắn hổ mèo, rắn lục đuôi đỏ...
 
    Mới đây, khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), tiếp nhận nam bệnh nhân P.H.Q. (30 tuổi, Bà Rịa - Vũng Tàu) được chuyển từ bệnh viện địa phương trong trạng thái nguy kịch vì rắn hổ chúa cắn.
    Thở máy vì rắn cắn
    Trước đó, tại Bệnh viện Bà Rịa (à Rịa - Vũng Tàu), anh đã có hiện tượng sụp mí, suy hô hấp, được đặt ống nội khí quản, thở máy và chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy.
    Tại đây, nam bệnh nhân được chuyển thẳng vào phòng hồi sức của khoa Bệnh nhiệt đới, khả năng ngưng thở 80-90%. Anh được xử trí truyền 10 lọ huyết thanh kháng nọc độc rắn trong 2 lần.
    Sau 24 tiếng bị rắn cắn, bệnh nhân tỉnh táo, cai được máy thở, sức cơ trở về hoàn toàn bình thường. Vết cắn vẫn còn sưng nề ở mặt ngoài bàn tay, lan đến cánh tay nhưng không có tình trạng nặng hơn.
    Đến ngày thứ 5 sau khi nhập viện, anh Q. đã được chuyển ra khỏi phòng hồi sức tích cực. Sau 7 ngày nằm viện, tình trạng sức khỏe hồi phục bình thường, bệnh nhân được xuất viện.
    Theo TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, đánh giá trường hợp của bệnh nhân Q. được nhập viện sớm. Do đó, khả năng điều trị cũng như hồi phục tốt hơn nhiều ca khác.
    Số bệnh nhân bị rắn cắn tăng cao
    Theo thống kê của Bệnh viện Chợ Rẫy, số bệnh nhận bị rắn độc cắn phía nam gia tăng theo thời gian.
    Trong giai đoạn 2010-2011, bệnh viện ghi nhận số bệnh nhân bị rắn độc cắn dưới 300 người/năm. Tuy nhiên, đến giai đoạn 2018-2019, con số này tăng lên trên 700 người/năm. Độ tuổi của người bị rắn độc cắn ngày càng cao với tỷ lệ tử vong chung là 0,5%.
    "Việc này có thể bắt nguồn chủ yếu từ quá trình đô thị hóa gia tăng, khả năng tiếp xúc giữa người và động vật hoang dã do đó tăng cao", bác sĩ Hùng giải thích.
    Từ những ca bệnh được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, rắn độc cắn người chia làm 8 loài, trong đó 4 loài thường gặp nhất gồm lục xanh và chàm quạp (60-75%), tiếp theo là hổ mèo và hổ đất (15-20%). Xếp sau đó là các loại rắn hổ chúa, rắn sải cổ đó, rắn cạp nong, rắn cạp nia.
    Nọc độc từ các loại rắn hổ đất, hồ chúa, cạp nong, cạp nia chủ yếu gây các biến chứng về thần kinh bao gồm liệt và suy hô hấp; nặng hơn là suy gan, suy tim và ngừng thở.
    Đặc biệt, theo tiến sĩ Hùng, hổ chúa là loài rắn trên cạn có nọc độc nhất tại Việt Nam. Chỉ với một lần cắn, lượng nọc rắn hổ chúa tiết ra có thể đủ lớn để giết chết 20 người, thậm chí là một con voi.
    Bệnh nhân bị rắn lục, sải cổ đỏ và rắn chàm quạp cắn lại bị tổn thương mô tại chỗ và rối loạn đông máu. Bệnh nhân có thể xuất huyết da niêm, chảy máu răng lợi, xuất huyết tiêu hóa trên, tiểu máu, bệnh nhân nữ có ra huyết âm đạo, thậm chí hôn mê do xuất huyết não.
    Nọc rắn hổ mèo lại có khả năng gây ra tình trạng viêm mô tế bào, hoại tử mô, chèn ép khoang ở vùng cơ thể bị cắn, diễn tiến muộn sẽ dẫn đến nhiễm trùng nhiễm độc toàn thân.
    Khi rơi vào tình trạng nhiễm độc toàn thân do bị rắn độc cắn, bệnh nhân có thể bị rối loạn đông máu và (hoặc) rối loạn các xét nghiệm về chỉ số đông máu, rối loạn tim mạch, suy thận cấp.
    Buộc garô có thể gây hoại tử
    Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), khi bị rắn độc cắn hoặc nghi ngờ rắn độc cắn, những người xung quanh cần thực hiện các biện pháp sơ cứu ngay và nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế
    Đầu tiên, nạn nhân cần được đặt nằm yên, vết cắn cần đặt thấp hơn so với tim để hạn chế hấp thu nọc độc. Tiếp theo, vết thương cần được rửa bằng nước sạch kèm xà phòng rồi che phủ bằng gạc mát, vải sạch để giảm đau, sưng.
    Sau đó, nạn nhân cần được nhanh chóng đưa tới cơ sở y tế chích huyết thanh kháng nọc phù hợp.
    Trong quá trình sơ cứu cho nạn nhân, mọi người không nên buộc garô phía trên vết thương, khiến máu không thể lưu thông, gây hoại tử chi.
    Việc rạch, nặn hút vết thương để lấy nọc cũng được khuyến cáo không nên áp dụng vì vừa không hiệu quả, vừa gây chảy máu, lại tăng nguy cơ gây nhiễm trùng và hấp thụ nọc độc.
    Bên cạnh đó, tuyệt đối không chườm đá, đắp lá cây không rõ loại lên vết cắn vì có thể gây nhiễm trùng nặng dẫn đến hoại tử.
    Bất cứ trường hợp nào bị rắn cắn, ngay cả khi xác định là rắn lành, đều cần theo dõi sát như một trường hợp rắn độc cắn trong ít nhất 6 giờ đầu để kịp thời xử trí.
    Ngoài ra, Bộ Y tế cũng có hướng dẫn giúp người dân giảm bớt nguy cơ bị rắn cắn.
    Người dân nên biết về các loài rắn trong vùng, khu vực rắn thích sống hoặc ẩn nấp; biết về thời gian trong năm, trong ngày và kiểu thời tiết nào rắn thường hoạt động nhất như mùa hè, mưa, trời tối.
    Sau các cơn mưa, khi có lũ lụt, mùa màng thu hoạch và thời gian ban đêm, mọi người cần đề cao cảnh giác với rắn vì đây là thời điểm rắn dễ xuất hiện nhất.
    Người dân nên tránh rắn càng xa càng tốt, không biểu diễn rắn, không cầm, không đe dọa rắn; không bẫy rắn, đuổi hoặc dồn ép rắn trong khu vực khép kín; không cầm, trêu rắn chết hoặc giống như đã chết.
    Tại những nơi rắn thích cư trú như các đống gạch vụn, đống rác, tổ mối, chuồng nuôi động vật của gia đình, mọi người cần cẩn trọng khi lại gần, đồng thời thường xuyên kiểm tra để tránh có rắn ẩn nấp.
    Ngoài ra, người dân nên tránh các kiểu cấu trúc nhà tạo điều kiện thuận lợi cho rắn ở như nhà mái tranh, tuờng xây bằng rơm, bùn với nhiều hang, hốc hoặc vết nứt, nền nhà nhiều vết nứt...
 
Link bài viết: https://baomoi.com/lien-tiep-nhieu-nguoi-dan-o-phia-nam-bi-ran-doc-can/c/46280926.epi
Các bài viết khác