Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024
Hợp tác quốc tế
Hình ảnh
THÔNG TIN ĐẤU THẦU
VIỆN VẮC XIN VÀ SINH PHẨM Y TẾ
Liên tiếp nhiều trường hợp tử vong do bệnh dại, người dân lưu ý tiêm vắc-xin
Giám đốc Trung tâm kiểm soát Bệnh tật tỉnh Gia Lai cho biết, trong tháng 6/2023, trên địa bàn tỉnh liên tiếp ghi nhận 2 cháu bé bị chó dại cắn tử vong.
 Mùa hè nắng nóng, bệnh dại bùng phát
 
     Trường hợp đầu tiên là bé trai Kpuih S. (sinh năm 2016, trú tại xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ). Người nhà cho biết, ngày 8/4, S.bị chó gia đình nuôi cắn vào vùng mặt (má trái), vết thương khoảng 3cm rỉ máu. Người nhà đưa S. ra cơ sở y tế tư nhân để xử trí, rửa và khâu vết thương nhưng không tiêm vắc-xin phòng dại.


 
     Sau đó, gia đình tự rửa vết thương và chăm sóc cháu. Ngày 21/6, S. sốt, mệt mỏi, chán ăn, sợ nước, sợ gió và có biểu hiện co giật nhẹ, được người nhà cho đi viện.
     Hơn 23h ngày 22/6, bệnh nhi nhập viện, được đưa vào Khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai. Tại đây, bệnh nhi được thăm khám và được chẩn đoán xác định là dại lên cơn. Người nhà bệnh nhân đã được y, bác sĩ tại khoa hồi sức cấp cứu thông báo và giải thích về tình trạng bệnh của bệnh nhân. Đến 14h30 cùng ngày, cháu bé tử vong.
     Trước đó, bé gái Nh. (sinh năm 2018), trú tại Thị trấn Đăk Đoa, huyện Đăk Đoa, cũng tử vong do bệnh dại. Qua lời kể của người nhà bệnh nhân, tháng 3/2023, Nh. bị chó dại cắn 1 vết ở chân, được rửa bằng nước. 3 ngày sau, con chó bị chết. Bé Nh không tiêm huyết thanh kháng dại và vắc-xin dại mà chỉ dùng thuốc đông y.
     Đến ngày 14/3, bệnh nhi sốt, sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng, gào hét kèm tiết đờm dãi nhiều và được người nhà đưa đến Trung tâm y tế huyện Đăk Đoa, sau đó chuyển lên Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai để cấp cứu và điều trị. 
     Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán Dại lên cơn. Khoảng 4h20 ngày 15/6, bệnh nhân tử vong.
     Cũng về các ca tử vong thương tâm do chó cắn, vừa qua Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa tiếp nhận một phụ nữ trong tình trạng sợ nước, sợ gió. Sau 3 tháng bị chó nhà cắn, bệnh nhân tử vong vì bệnh dại.
     TS.Thân Mạnh Hùng, Phó Trưởng khoa Cấp Cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương khuyến cáo, khi người dân bị chó cắn việc đầu tiên là đến ngay cơ sở  y tế gần nhất để các bác sĩ tư vấn và tiêm phòng. 
       Bên cạnh đó, khi bị chó cắn (nếu chó của nhà nuôi) nên nhốt con chó lại để theo dõi vì để chó chạy lung tung nhiều khi không kiểm soát được. Trong trường hợp bị chó ở ngoài đường cắn nên chủ động đi tiêm phòng ngay.
     TS. Hùng nhấn mạnh, mùa hè nắng nóng, có những bệnh truyền nhiễm có thể bùng phát, đặc biệt là bệnh dại. Vì thế người dân không nên chủ quan, những nhà nuôi chó nên đi tiêm phòng đầy đủ cho chó. 
     Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh dại phổ biến trên toàn thế giới. Hàng năm căn bệnh này gây ra cái chết cho 60.000 - 70.000 người và hàng triệu loài động vật.
 
     Cách thức điều trị bệnh dại
    Bệnh dại là căn bệnh vô cùng nguy hiểm khi phát bệnh, người đã bị bệnh dại gần như tử vong 100%. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn lơ là, chưa hiểu rõ về bệnh dại nên rất chủ quan hoặc điều trị sai cách gây nguy hiểm đến mạng.
     Người bị mắc bệnh dại do bị lây truyền virus dại qua vết cắn, vết cào, liếm của động vật bị dại trên da bị tổn thương (thường là chó, mèo).  
     Nguyên nhân gây ra bệnh dại là do một loại vi khuẩn có tên là Rhabdovirus có trong nước bọt của những động vật bị bệnh dại. 
     Bệnh dại lây từ nước bọt của động vật bị dại thông qua vết cắn, liếm. Ổ chứa virus dại trong thiên nhiên thông thường là động vật có máu nóng, đặc biệt là chó. Ngoài ra, virus dại cũng được phát hiện ở mèo, chồn, dơi và các động vật có vú khác.
     Ngay khi vào cơ thể, virus dại xâm nhập vào các dây thần kinh ngoại biên, chạy dọc theo các dây thần kinh đến tủy sống và não bộ. 
     Mỗi ngày, virus dại di chuyển được “đoạn đường” từ 12-24 mm. Ngay khi virus đến não bộ, người bệnh mới thật sự có những dấu hiệu lâm sàng rõ ràng.
    Thời gian ủ bệnh dại có thể dưới 1 tuần hoặc trên 1 năm, phụ thuộc vào số lượng virus xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách từ vết thương đến hệ thần kinh trung ương… 
    Vết thương càng ở gần hệ thần kinh trung ương như mặt, cổ, đầu, ngón tay, cơ quan sinh dục ngoài…, thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.
 
     Tiêm phòng - biện pháp hiệu quả nhất để loại trừ bệnh dại
     Theo báo cáo của cơ quan chuyên ngành thú y, từ đầu năm 2022 đến nay, tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng dại chỉ đạt khoảng 40% tổng đàn chó, mèo. Trong khi đó, để ngăn chặn bệnh dại lây sang người cần đạt tỷ lệ tiêm phòng trên động vật ít nhất 70% trong 2 năm liên tiếp.
       Bác sĩ Nguyễn Tuấn Hải, chuyên gia tiêm chủng của hệ thống Safpo/Potec cho hay, trên thế giới hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh dại nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được. Tiêm phòng dại ngay sau bị chó cắn là biện pháp duy nhất để tránh khỏi những ca tử vong thương tâm.
     Nguồn lây bệnh dại trên thế giới nói chung và ở nước ta nói riêng chủ yếu là do chó dại cắn người mà không đi tiêm phòng, nếu không có bệnh dại trên động vật thì sẽ không có bệnh dại trên người. 
     Vì vậy, biện pháp hiệu quả nhất để loại trừ bệnh dại ở người là quản lý đàn chó và tiêm vắc-xin phòng dại đầy đủ cho chó. Nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm.
     Bên cạnh đó, người dân thuộc nhóm nguy cơ cao, thường xuyên tiếp xúc với chó, mèo cũng có thể tiêm dự phòng vắc-xin dại và tiêm vắc-xin dại ngay lập tức nếu không may bị chó, mèo cắn.
     Chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh tới biện pháp duy nhất để cứu người khi bị chó, mèo dại cắn là tiêm vắc-xin dại và huyết thanh dại càng sớm càng tốt. Tuỳ tình trạng vết cắn, có thể chỉ cần tiêm vắc-xin hoặc kết hợp với huyết thanh kháng dại.
     Khi tiêm vắc-xin phòng bệnh dại, yêu cầu phải tuân thủ: Tiêm đủ mũi (5 mũi), đúng lịch, không uống rượu bia, không dùng thuốc Corticoid và thuốc ức chế miễn dịch. 
     Tuyệt đối không dùng thuốc Nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại tại nhà để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc.
     Cũng theo bác sĩ Hải, hiện nay, vắc-xin dại đã được sản xuất theo công nghệ mới nên rất an toàn, đáp ứng miễn dịch cao khi tiêm đủ liều. 
      Vắc-xin dại thế hệ mới không chứa các tế bào thần kinh nên không gây hại và không ảnh hưởng đến sức khỏe và trí nhớ của người tiêm. 
      Hướng dẫn người dân sơ cứu nếu không may bị chó, mèo cắn bác sĩ Hải nêu, người dân ngay sau khi chó mèo cắn, cào xước, liếm, trước khi tiêm vắc-xin cần tiến hành rửa vết thương với xà phòng dưới vòi nước chảy trong khoảng 15 phút; hoặc bằng các chế phẩm sát khuẩn như cồn trắng 70%, cồn i ốt, hoặc ô xy già. 
     "Nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại. Sau đó, người dân đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn tiêm vắc-xin phòng dại", chuyên gia nói.
     Để phòng chống bệnh dại Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo sở y tế tăng cường giám sát chặt chẽ các trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn.
     Các đơn vị y tế cần tuyên truyền và vận động người dân đến cơ sở y tế đề được khám, tư vấn và tiêm phòng vắc-xin dại kịp thời đồng thời truyền thông về sự nguy hiểm của bệnh dại cũng như các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên người và động vật, đặc biệt chú ý truyền thông về việc không chữa bệnh dại bằng các biện pháp chưa được Bộ Y tế công nhận.
     Sở Y tế các tỉnh, thành cũng được yêu cầu tăng cường tiếp cận của người dân với vắc-xin phòng dại và huyết thanh kháng dại trên người: tiếp tục mở rộng và tăng cường các điểm tiêm vắc-xin phòng dại để đảm bảo ít nhất một huyện/thị xã có một điểm tiêm.
     Đối với các tỉnh có nguy cơ cao, thành lập thêm các điểm tiêm vắc-xin phòng dại tại tuyến xã để tăng tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng dại sau phơi nhiễm (nếu cần thiết).
     Đặc biệt, các đơn vị cần đẩy mạnh truyền thông về lợi ích của việc tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho động vật đề tăng tỷ lệ bao phủ vắc-xin lên ít nhất 70% tổng đàn.
     Bộ Y tế cũng đề nghị UBND các tỉnh xem xét miễn phí hoặc hỗ trợ một phần chi phí tiêm vắc-xin phòng dại sau phơi nhiễm cho người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng, người tham gia phòng chống dịch dại ở những vùng có nguy cơ cao.
     Nguyên nhân trực tiếp gây tử vong do dại trên người chủ yếu là do người bị động vật nghi dại cắn không tiêm phòng vắc-xin. Nguyên nhân gián tiếp là do tỷ tiêm vắc-xin phòng dại trên đàn chó, mèo còn thấp; công tác quản lý đàn chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo.

Link bài viết: https://baodautu.vn/lien-tiep-nhieu-truong-hop-tu-vong-do-benh-dai-nguoi-dan-luu-y-tiem-vac-xin-d192796.html
Các bài viết khác