Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024
Hợp tác quốc tế
Hình ảnh
THÔNG TIN ĐẤU THẦU
VIỆN VẮC XIN VÀ SINH PHẨM Y TẾ
Cúm H3N2 là gì?
Theo Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ (ICMR), gần đây tại quốc gia này có sự gia tăng các trường hợp ho dữ dội, kéo dài hơn 1 tuần kèm theo sốt. Nguyên nhân được cho là do virus cúm A H3N2. Ngoài ra, Ấn Độ ghi nhận 2 trường hợp tử vong do virus cúm A này
     Những điều cần biết về virus cúm A H3N2
     Điều này làm dấy lên sự lo ngại rằng liệu cúm H3N2 có bùng phát thành dịch bệnh và đe dọa đến sức khỏe của người dân hay không?
     Tiến sĩ Nikhil Modi, Chuyên gia tư vấn, Y học chăm sóc đặc biệt và hô hấp, Bệnh viện Indraprastha Apollo, Delhi, cho biết: "Đã đến lúc xây dựng lại các quy trình phòng ngừa thời đại Covid vì chúng ta ngày càng phải sống chung với các loại virus đang phát triển". Tuy nhiên, ông cũng đề cập rằng không cần phải hoảng sợ và tránh dùng thuốc tùy tiện, đặc biệt là kháng sinh.
 
     1. Tìm hiểu về cúm H3N2
     Cúm là một bệnh về đường hô hấp do virus cúm gây ra, bao gồm virus cúm A, B, C và D. Cúm A, B và C có thể lây sang người. Tuy nhiên, chỉ có cúm A và B gây ra các mùa dịch hàng năm.
     Virus cúm A được chia thành các phân nhóm khác nhau dựa trên hai loại protein được tìm thấy trên bề mặt của virus: hemagglutinin (HA) và neuraminidase (NA). Có 18 loại HA khác nhau, được đánh số từ H1 đến H18. Tương tự, có 11 loại NA khác nhau, được đánh số từ N1 đến N11.
     Virus cúm A được phân loại theo cả phân nhóm HA và NA, trong đó bao gồm H3N2.
     Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Hoa Kỳ, H3N2 đã gây ra đại dịch cúm năm 1968 dẫn đến cái chết của khoảng 1 triệu người trên toàn cầu và khoảng 100.000 người ở Hoa Kỳ.


     2. Triệu chứng của cúm H3N2 có gì khác biệt không?
     Các triệu chứng cúm do H3N2 gây ra cũng tương tự như các triệu chứng do các loại virus cúm theo mùa khác gây ra. Các triệu chứng thường xuất hiện đột ngột và có thể bao gồm:
 
 - Ho
 - Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi
 - Đau họng
 - Đau đầu
 - Đau nhức cơ thể
 - Sốt hoặc ớn lạnh
 - Mệt mỏi
 - Tiêu chảy
 - Nôn mửa
 
 
     Theo Hiệp hội Y khoa Ấn Độ (IMA), nhiễm trùng do H3N2 thường kéo dài từ 5 đến 7 ngày và cơn sốt bắt đầu biến mất sau 3 ngày. Tuy nhiên, ho có thể kéo dài đến 3 tuần.
 
       3. Cúm H3N2 có nguy hiểm không?
      So với các chủng cúm mùa khác, cúm H3N2 có thể gây bệnh nghiêm trọng hơn, đặc biệt ở các nhóm nguy cơ cao như trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, người lớn tuổi, người mắc bệnh mãn tính... Các nghiên cứu vẫn chưa xác định chính xác lý do tại sao lại như vậy nhưng đã nhận thấy xu hướng giữa các chủng cúm H3 và mức độ nghiêm trọng của chủng cúm này.
      Những người mắc bệnh mãn tính, chẳng hạn như hen suyễn, phải đặc biệt thận trọng vì chủng cúm này có thể gây khó thở nghiêm trọng và làm bùng phát các cơn hen suyễn.
      Cũng giống như chủng cúm khác, H3N2 có thể gây ra các biến chứng như viêm phổi, viêm tai giữa, viêm xoang, hội chứng Reye...
 
 
     4. Điều trị cúm H3N2
     Phương pháp điều trị cúm không liên quan đến biến chứng tập trung chủ yếu vào việc điều trị triệu chứng như:
Nghỉ ngơi và ăn uống đầy đủ, đặc biệt nên bổ sung những thực phẩm giàu vitamin C, Kẽm…
    -   Bổ sung nhiều nước, điện giải
    -   Dùng thuốc không kê đơn để giảm các triệu chứng như sốt, nhức đầu và đau nhức
    Ngoài ra, khi điều trị cúm H3N2 nên lưu ý thêm một số vấn đề:
    -   Nếu dùng thuốc kháng virus, chẳng hạn như oseltamivir (Tamiflu) cần tham khảo ý kiến bác sĩ. Thuốc kháng virus có thể giúp rút ngắn thời gian mắc bệnh và ngăn ngừa các biến chứng phát triển nhưng cũng có thể nguy hại nếu như dùng không đúng chỉ định.
    -   Thuốc kháng sinh không có tác dụng trong việc điều trị bệnh lý liên quan đến virus nên không có tác dụng trong việc điều trị cúm. Chỉ khi nào người bị cúm gặp các biến chứng liên quan đến nhiễm khuẩn, lúc này kháng sinh mới được chỉ định.
 
 
       5. Một số biện pháp phòng ngừa cúm H3N2
       Cúm H3N2 dễ lây lan qua giọt bắn hoặc khi tiếp xúc với các bề mặt nhiễm virus. Bạn có thể thực hiện các bước sau để ngăn ngừa nhiễm cúm:
       -  Tiêm vaccine cúm hàng năm, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi, người trên 65 tuổi, phụ nữ mang thai và những người mắc một số bệnh mãn tính (như hen suyễn và các bệnh phổi, tiểu đường, bệnh tim, suy giảm miễn dịch)...
Việc tiêm vaccine có thể không bảo vệ bạn hoàn toàn khỏi cúm nhưng có thể phòng ngừa các biến chứng và tránh bệnh trở nặng, giảm nguy cơ nhập viện. Các bạn nên đến trung tâm tiêm chủng để được tư vấn kỹ hơn về loại vaccine phù hợp.
       -  Rửa tay thường xuyên, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn và trước khi chạm vào mặt, mũi hoặc miệng.
       -  Nếu có thể, hãy tránh những khu vực đông người, nơi bệnh cúm có thể dễ dàng lây lan hoặc nếu không bạn nên đeo khẩu trang khi ra ngoài.
      -   Tránh tiếp xúc với những người có biểu hiện hắt hơi, ho, sổ mũi…
      -    Nếu bị cúm, bạn có thể ngăn ngừa lây bệnh cho người khác bằng cách ở nhà cho đến 24 giờ sau khi hạ sốt và che miệng khi ho hoặc hắt hơi.
      Có thể nói, chủng cúm H3N2 có xu hướng gây bệnh nghiêm trọng hơn nhưng các trường hợp nhẹ vẫn có thể điều trị tại nhà. Tuy nhiên, cúm có thể bùng phát thành dịch bệnh và đe dọa đến sức khoẻ của mọi người, nhất là nhóm có hệ miễn dịch, sức đề kháng kém. Do đó, chủ động phòng ngừa bệnh là điều cần thiết để bảo vệ sức khỏe.
 
Link bài viết: https://khoahoc.news/cum-h3n2-la-gi-104134
 
Các bài viết khác