Thứ tư, ngày 24 tháng 04 năm 2024
Hợp tác quốc tế
Hình ảnh
THÔNG TIN ĐẤU THẦU
VIỆN VẮC XIN VÀ SINH PHẨM Y TẾ
Nhiều người đi tiêm phòng dại sau Tết
Ngay sau Tết Nguyên đán, số người đi tiêm phòng dại gia tăng dù chưa vào cao điểm.
     Ghi nhận tại Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC trên toàn quốc, trong tháng 1/2023, số người dân đến tiêm vaccine dại tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên tăng gần 300% so với tháng 12/2022. Các tỉnh miền Đông Nam Bộ và TP HCM trong tháng 1 có hơn 5.000 lượt tiêm vaccine dại, tăng 25% so với tháng 12/2022 và tăng 400% so với tháng 11/2022. Lượng vaccine dại VNVC cung ứng biến động mạnh trên cả nước.
     Lý giải về số lượng tiêm phòng dại tăng, BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC, cho biết cao điểm tiêm chủng phòng dại thường vào các tháng mùa nóng. Tuy nhiên, nhiều người bị chó, mèo cắn, cào hoặc liếm vào vết thương hở dịp Tết. Do đó, họ cần tiêm chủng sớm để ngừa bệnh.
 
 
     Anh Minh Tuấn (30 tuổi, ngụ xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre), cho biết bị chó cắn vào tay trong Tết gây chảy máu. Dù chó đã được tiêm phòng và hiền lành nhưng anh vẫn lo lắng nên đi chích ngừa. Đến lịch tiêm mũi thứ ba, cơ sở tiêm chủng và một số đơn vị y tế lân cận báo hết vaccine nên anh đành chạy xe lên VNVC Bến Tre (ngày 4/2) để chích ngừa.
     Trung tâm VNVC Quận 12 (TP HCM) những ngày sau Tết cũng có khá đông người đến chích ngừa dại. Minh Thư (22 tuổi) về quê, bị chó cắn khi đi họp lớp mùng 3 Tết nên vội quay trở lại thành phố sớm để đến VNVC chích ngừa .
Bà Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc Cung ứng, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC, cho biết VNVC có mạng lưới kho lạnh đạt chuẩn GSP rộng khắp, với 101 trung tâm tiêm chủng trên toàn quốc. Do đó, vaccine dại thế hệ mới luôn được cung ứng đủ, giúp người dân chủ động tiêm ngừa kịp thời.
     "Cách duy nhất phòng ngừa, điều trị bệnh dại là tiêm vaccine và huyết thanh kháng dại ngay sau khi bị chó, mèo hoặc động vật nghi dại cắn", BS Chính khẳng định.
      Hiện có nhiều người quan niệm vết thương chảy máu mới gây dại, bệnh có thể chữa bằng thuốc nam, đắp lá cây, đi thầy lang lấy độc; chần chừ, thậm chí là không tiêm phòng vì sợ vaccine có nhiều tác dụng phụ, gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Theo bác sĩ Chính, hiện chưa có bài thuốc Đông y nào được nghiên cứu và công bố có thể chữa được bệnh dại, việc thực hiện các biện pháp này không có tác dụng. Người dân nên tiêm chủng kháng dại sau khi bị chó, mèo cắn càng sớm càng tốt.
 
 
     Bác sĩ Chính đánh giá, vaccine phòng dại thế hệ mới được sản xuất từ tế bào vero, với quy trình khép kín giúp giảm nguy cơ tạp nhiễm, hiệu giá kháng thể sau khi tiêm cao gấp 10 lần so với loại vaccine cũ, không gây biến chứng về hệ thần kinh, không làm suy giảm trí nhớ. Vaccine dại thế hệ mới cũng giảm tối đa các tác dụng phụ tại chỗ như sưng, đau, sốt... so với vaccine cũ đã ngừng sử dụng.
      Bên cạnh đó, để bảo vệ sức khỏe cộng đồng nói chung, những người nuôi chó, mèo, thú cưng nên chú ý tiêm phòng dại định kỳ cho vật nuôi, rọ mõm khi ra ngoài và hạn chế tình trạng thả rông chó, mèo.
 
Link bài viết: https://vnexpress.net/nhieu-nguoi-di-tiem-phong-dai-sau-tet-4567401.html?gidzl=MVlzAzuKKJjPvlebsGzOF5RgyYpF0b1c7kgfU9q4K3GUxl9-or5HC1Zk_o_D15nZ6E6aBZYtt9eetnTLCm