Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024
Hợp tác quốc tế
Hình ảnh
THÔNG TIN ĐẤU THẦU
VIỆN VẮC XIN VÀ SINH PHẨM Y TẾ
Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi sẽ góp phần giải quyết những vướng mắc, khó khăn của ngành y tế
KĐS Nhiều ĐBQH kỳ vọng, Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua góp phần giải quyết vướng mắc, khó khăn của ngành y tế.
    Luật đáp ứng tốt nhu cầu cấp thiết của ngành y tế hiện nay
    Chia sẻ bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Công Hoàng (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) – Giám đốc BV Đa khoa Trung ương Thái Nguyên mong Bộ Y tế sớm hướng dẫn để đưa Luật áp dụng kịp thời, đáp ứng tốt nhu cầu cấp thiết của ngành y tế trong giai đoạn hiện nay.
Các ĐBQH tham gia biểu quyết thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
    PGS.TS Nguyễn Công Hoàng cho rằng, những nội dung vướng mắc của Luật về cơ bản đã được các cơ quan tiếp thu và chỉnh lý theo ý kiến ĐBQH và đảm bảo chất lượng.
    Phân tích thêm về Hội đồng Y khoa quốc gia tại Điều 25 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Giám đốc BV Đa khoa Trung ương Thái Nguyên nêu quan điểm, Hội đồng Y khoa quốc gia do Thủ tướng Chính phủ quy định tổ chức và hoạt động đã mang lại nhiều điểm mới cho ngành y tế trong giai đoạn hội nhập quốc tế trong khám bệnh, chữa bệnh.
PGS.TS Nguyễn Công Hoàng - Giám đốc BV Đa khoa Trung ương Thái Nguyên,
ĐBQH tỉnh Thái Nguyên.
    Liên quan đến vấn đề tài chính y tế, PGS.TS Nguyễn Công Hoàng nhấn mạnh, đây là vấn đề quan trọng liên quan đến nhiều vấn đề như việc khám bệnh, chữa bệnh BHYT; khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu; việc huy động các nguồn lực xã hội cho lĩnh vực y tế; giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh…
    Đại biểu đề nghị Bộ Y tế cần sớm hướng dẫn để đưa Luật áp dụng kịp thời, đáp ứng tốt nhu cầu cấp thiết của ngành Y tế trong giai đoạn hiện nay.
    Tất cả vướng mắc đã được nghiên cứu, thảo luận, tìm giải pháp tối ưu
    Cùng chia sẻ về việc Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được thông qua, ĐBQH Trần Văn Lâm (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đánh giá Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là một nội dung rất quan trọng, được Quốc hội thận trọng yêu cầu chuẩn bị kỹ càng hơn kéo dài qua 3 kỳ họp.
    Đại biểu cho rằng, quá trình chuẩn bị đã đáp ứng được yêu cầu, để dành nhiều thời gian hơn nữa cho Chính phủ có điều kiện để chuẩn bị các văn bản dưới luật cho triển khai thực hiện luật nên đưa vào kỳ họp này là phù hợp.
ĐBQH Trần Văn Lâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang.
    Vị đại biểu tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh, tất cả những khó khăn, vướng mắc liên quan đến các hoạt động trong khám chữa bệnh và hoạt động của các bệnh viện, các cơ sở y tế trong thời gian sửa đổi Luật đều đã được đặt ra, nghiên cứu kỹ lưỡng, thảo luận giải pháp để tìm hướng tối ưu.
    "Tôi hy vọng Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sẽ cơ bản giải quyết được những vấn đề hiện nay đang vướng đối với hoạt động khám chữa bệnh, hoạt động của các cơ sở y tế", đại biểu Trần Văn Lâm kỳ vọng.
    Đối với vấn đề tài chính y tế, đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng đây cũng là một nội dung quan trọng trong dự án Luật đề cập để giải quyết. Ngoài tự chủ về tài chính, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách còn cho rằng, về tự chủ bệnh viện còn một số yếu tố khác cần xem xét một cách đồng bộ, đặc biệt là tự chủ về biên chế, con người, tổ chức bộ máy.
Phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV.
    Theo đại biểu, vấn đề này liên quan đến rất nhiều các yếu tố để hình thành nên các điều kiện cho bệnh viện hoạt động. Trong đó, chỉ riêng yếu tố vật tư, hàng hóa, giá cả đã liên quan đến các Luật khác nhau như Luật giá, Luật đầu tư công, Luật Đấu thầu… Những hạn chế, bất cập được đặt ra thì các dự án Luật xem xét, điều chỉnh phù hợp sẽ là yếu tố tạo thuận lợi, thúc đẩy cho vấn đề tự chủ của các cơ sở y tế.
    Với việc Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Khám bệnh (sửa đổi), ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) bày tỏ quan điểm: "Việc thông qua Luật góp phần rất lớn giải quyết nhiều vướng mắc, tháo gỡ những khó khăn của ngành y tế".
    Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được trình Quốc hội lần đầu tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Theo lịch ban đầu của Quốc hội, dự án Luật này sẽ được xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 4 vừa qua. Tuy nhiên, sau khi lắng nghe ý kiến, Quốc hội quyết định lùi thời gian thông qua để xem xét, làm rõ những vấn đề còn ý kiến khác nhau để đảm bảo tính ổn định, bền vững và chất lượng của Luật.
    Trong khuôn khổ Kỳ họp bất thường lần thứ 2, ngày 6/1/2023, Quốc hội đã dành nửa ngày để các ĐBQH thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh: "Việc thông qua Luật tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 hết sức quan trọng đối với ngành y tế: Thứ nhất, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động mà Luật năm 2009 chưa bao phủ hết; Thứ hai, có đủ thời gian cho các cơ quan quản lý nhà nước xây dựng các văn bản hướng dẫn. Thứ ba, tạo tiền đề cho việc xây dựng các quy định có liên quan".
Link bài viết: https://suckhoedoisong.vn/luat-kham-benh-chua-benh-sua-doi-se-gop-phan-giai-quyet-nhung-vuong-mac-kho-khan-cua-nganh-y-te-169230109135354179.htm?gidzl=mFboEK9dZdtCxtK_G7gCVy_eVpnQBDGgsB8cFm0XZIcEldy_32lHU8MxUMeBVe4krUvuFsAxfifqI6wDUG
Các bài viết khác