Thứ sáu, ngày 29 tháng 03 năm 2024
Hợp tác quốc tế
Hình ảnh
THÔNG TIN ĐẤU THẦU
VIỆN VẮC XIN VÀ SINH PHẨM Y TẾ
Vì quyền lợi người tham gia bảo hiểm y tế
(HNM) - Nhân Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam (1-7), cùng nhìn lại để thấy rõ hơn, việc thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân với ít nhất 95% dân số tham gia vào năm 2025 dần cán đích. Việc bảo đảm quyền lợi cho người tham gia chính sách đang gặp không ít khó khăn, nhưng luôn được các đơn vị, địa phương nỗ lực tháo gỡ.
 
Người dân đăng ký khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ.
Ảnh: Minh Ngọc
Tấm thẻ an sinh quý giá
     Hiện nay, mọi người dân đều được tạo điều kiện tham gia bảo hiểm y tế. Khi có tên trên hệ thống bảo hiểm y tế sẽ được cấp thẻ để khám, chữa bệnh, giúp hàng triệu lượt người được chăm sóc sức khỏe, vơi bớt khó khăn tài chính.
    Có thể kể đến trường hợp ông Nguyễn Khắc Khoa (sinh năm 1946), trú tại phường Thụy Khuê (quận Tây Hồ) cùng lúc mắc nhiều bệnh nặng, phải điều trị thường xuyên. Trong quá trình điều trị, ông Khoa được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả phần lớn chi phí, riêng những tháng gần đây là hơn 1,1 tỷ đồng. Trường hợp khác là anh Đào Ngọc Thịnh (sinh năm 1981), trú tại phường Ngọc Hà (quận Ba Đình) cũng được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả hơn 800 triệu đồng trong những tháng đầu năm 2022, khi phải điều trị bệnh rối loạn đông máu không đặc hiệu, xơ gan mật không đặc hiệu, sốc nhiễm khuẩn, suy thận cấp...
    Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Hòa cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, trung bình mỗi tháng, các cơ sở khám, chữa bệnh đón tiếp, phục vụ, điều trị cho hơn 735.000 lượt người khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Số tiền đề nghị thanh toán bình quân là gần 1.298 tỷ đồng/tháng, trong đó chi phí bình quân bảo hiểm y tế cho một đợt điều trị nội trú là hơn 8,78 triệu đồng.
     Thấy rõ tầm quan trọng của tấm thẻ an sinh, số người tham gia bảo hiểm y tế ngày càng tăng. Đến thời điểm cuối tháng 6-2022, Hà Nội có gần 92% dân số tham gia (chưa bao gồm lực lượng vũ trang), tăng gần 200.000 người so với cùng kỳ năm 2021. Trên phạm vi cả nước, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt hơn 87%, tương ứng hơn 86 triệu người tham gia. Số tiền Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả cho hoạt động khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trung bình khoảng 10.000 tỷ đồng/tháng. 
Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội ra quân tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm
xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế. Ảnh: Anh Minh

Chăm sóc sức khỏe nhân dân
     Nỗ lực vì mục tiêu chăm sóc sức khỏe nhân dân, những năm qua, ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ cho gần 60% số người tham gia bảo hiểm y tế, với số tiền hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Những người tham gia chính sách này có thể khám, chữa bệnh từ tuyến cơ sở (trạm y tế xã, phường, thị trấn) đến các cơ sở tuyến trung ương. Từ giữa năm 2021, người dân có thể sử dụng thẻ bảo hiểm y tế điện tử trên ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số thay thẻ giấy khi đi khám, chữa bệnh tại nhiều cơ sở y tế và mới đây có thể sử dụng căn cước công dân gắn chíp thay thế.
     Là người trực tiếp hỗ trợ bệnh nhân, chị Nguyễn Thị Thà, điều dưỡng viên của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, việc vận hành quy trình đón tiếp bệnh nhân sử dụng căn cước công dân gắn chíp thay thế thẻ bảo hiểm y tế giấy, giúp người dân không phải mang theo nhiều loại giấy tờ, tránh nhầm lẫn, quên thẻ; việc rà soát các thông tin liên quan đến người bệnh diễn ra nhanh, gọn hơn, góp phần giảm tải số lượng bệnh nhân phải chờ đợi...
     Đặc biệt, gần đây, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế xảy ra tại một số cơ sở khám, chữa bệnh, khiến bệnh nhân bảo hiểm y tế lo lắng. Để khắc phục tình trạng này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có nhiều văn bản gửi Bộ Y tế đề nghị phối hợp tháo gỡ vướng mắc, không để người bệnh bảo hiểm y tế phải tự mua thuốc, vật tư y tế thuộc danh mục được hưởng. Tiếp đó, ngày 25-6, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh quán triệt rõ đến cán bộ toàn ngành; đồng thời yêu cầu Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố khẩn trương phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn có giải pháp cung ứng kịp thời, đầy đủ thuốc, vật tư y tế điều trị cho người bệnh bảo hiểm y tế... Sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng, trong đó có ngành Bảo hiểm xã hội mang đến niềm tin cho người tham gia bảo hiểm y tế. Ông Nguyễn Quý Giáp, (tổ dân phố 3, phường La Khê, quận Hà Đông) chia sẻ: “Tôi tin những khó khăn sẽ sớm được khắc phục, các cơ sở khám, chữa bệnh sẽ có đủ thuốc, vật tư y tế phục vụ bệnh nhân”.
    Cùng với nhiệm vụ bảo đảm quyền lợi cho người dân, việc mở rộng diện bao phủ bảo hiểm y tế tiếp tục được các bên chú trọng. Nhân Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam (1-7), ngành Bảo hiểm xã hội từ trung ương đến cơ sở phối hợp với các ngành, đoàn thể chức năng tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền về ý nghĩa, vai trò, lợi ích, tính nhân văn của chính sách bảo hiểm y tế, giúp người dân hiểu rõ tham gia chính sách là giải pháp thiết thực để bảo vệ sức khỏe, hạnh phúc gia đình. Phấn đấu đến cuối năm 2022, số người tham gia bảo hiểm y tế của cả nước đạt 92% dân số và tỷ lệ này tăng lên mức 95% vào năm 2025.
 
Link bài viết: http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Xa-hoi/1035801/vi-quyen-loi-nguoi-tham-gia-bao-hiem-y-te