Mỹ, Liên minh châu Âu, Ấn Độ và Nam Phi đang tiến gần một thỏa thuận dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine ngừa COVID19. Nếu đạt được, thỏa thuận sẽ giúp các nước đang phát triển có thể sản xuất và phân phối phiên bản vaccine ngừa COVID-19 với giá thành rẻ và nhanh hơn.
The Guardian tiết lộ chi tiết của một thỏa thuận tạm thời, đạt được giữa Mỹ, Liên minh châu Âu, Ấn Độ và Nam Phi. Theo đó, các bên thống nhất lập trường nhằm tháo gỡ những bế tắc liên quan đến việc bãi bỏ bản quyền vaccine ngừa COVID-19, đề xuất đã được đệ trình lên Tổ chức Thương mại thế giới 18 tháng trước.
Nếu được tất cả các thành viên WTO ủng hộ thông qua, các quốc gia có thể cho phép nhà sản xuất trong nước sản xuất vaccine mà không cần sự đồng ý của chủ sở hữu bằng sáng chế. Thỏa thuận mới chỉ bao gồm dỡ bỏ quyền sáng chế vaccine ngừa COVID-19, về cơ bản khác xa nhiều so với đề xuất ban đầu do Ấn Độ và Nam Phi đưa ra, với mục tiêu bãi bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa COVID-19, phương pháp điều trị hay chẩn đoán COVID-19.
Quyết định cũng chỉ được áp dụng cho các nước là thành viên Tổ chức thương mại thế giới, với xuất khẩu dưới 10% lượng xuất khẩu vaccine của toàn thế giới trong năm 2021 cũng như có đủ điều kiện về thành phần và quy trình cần thiết sản xuất vaccine. Ngoài ra, Thỏa thuận cũng không bao gồm chuyển giao công nghệ và bí mật thương mại.
Nếu điều khoản này được thông qua, các nước sẽ tiếp tục đàm phán về việc dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với xét nghiệm và công nghệ điều trị COVID-19 trong thời gian 6 tháng.
Trước đó hơn 100 nước hầu hết là các quốc gia thu nhập thấp và trung bình đã ủng hộ đề xuất của Ấn Độ và Nam Phi. EU là những quốc gia cuối cùng không ủng hộ kế hoạch trong khi Mỹ ủng hộ chỉ bãi bỏ quyền sáng chế vaccine. Một số quốc gia như New Zealand hay Australia ủng hộ lập trường của Mỹ.
Nhiều nhà hoạt động nhân quyền hoan nghênh bước tiến này một cách thận trọng và bày tỏ lấy làm tiếc về đề xuất bãi bỏ quyền sở hữu trí tuệ với các phương pháp điều trị và công nghệ chẩn đoán COVID-19 vẫn chưa được thông qua. Theo các nhà hoạt động nhân quyền, các nước vẫn ưu tiên lợi ích của các công ty dược phẩm hơn là mạng sống con người. 3 triệu người đã tử vong kể từ khi biến thể Omicron bùng phát và thêm hàng triệu người nữa sẽ bị ảnh hưởng nếu chính phủ các nước không sớm bãi bỏ các quyền sáng chế vaccine, các công nghệ chẩn đoán và điều trị COVID-19.
Theo Tổ chức Ân xá quốc tế, chỉ có 4% những người có thu nhập thấp tiêm đủ 2 liều vaccine ngừa COVID-19. Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus trước đó cho rằng, việc sử dụng bằng sáng chế và giới hạn phân phối vaccine ngừa COVID-19 là “sự thất bại thảm hại về mặt đạo đức”./.
Nguồn: theo Phạm Hà/VOV1 (biên dịch) Theo The Guardian