63 tỉnh, thành tại nước ta đều ghi nhận F0 mới. Số ca nhiễm tăng lên mức cao nhất từ khi dịch bùng phát với hơn 21.000 trường hợp.
Theo thông tin tối 8/2 của Bộ Y tế, Việt Nam ghi nhận 21.909 ca nhiễm mới, trong đó 8 F0 nhập cảnh và 21.901 ca ghi nhận trong nước tại 63 tỉnh, thành phố. Trong đó, số ca phát hiện tại cộng đồng là 14.982. Số ca nhiễm ngày 8/2 tiếp tục tăng thêm 5.092 ca so với 7/2.
Từ hơn 8.500 ca mắc Covid-19 được phát hiện trong mùng 3 Tết, số người dương tính với nCoV tại Việt Nam đã nhanh chóng tăng trở lại trong vài ngày gần đây. Theo dự báo của các chuyên gia, số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam có thể tăng thêm trong những ngày tới khi mức độ giao lưu, tiếp xúc của người dân cao hơn.
Hà Nội giảm nhẹ số F0
Hà Nội tiếp tục là nơi có số lượng ca nhiễm trong ngày nhiều nhất với 2.903 F0, giảm 85 ca so với hôm qua. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã.
Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoàng Mai (109); Chương Mỹ (106); Nam Từ Liêm (95); Long Biên (91); Đông Anh (89). Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch lần thứ 4 (từ ngày 29/4/2021) là 157.073 ca.
Thống kê của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cập nhật lần gần nhất, cho thấy Hà Nội có 323 F0 đang điều trị tại các bệnh viện diễn biến nhẹ, không xuất hiện triệu chứng.
Ngoài ra, thành phố đang điều trị cho 1.350 bệnh nhân Covid-19 ở mức độ trung bình, 646 trường hợp diễn biến nặng, nguy kịch (giảm 2,1% so với trung bình 7 ngày trước).
Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo người dân trên địa bàn thành phố khi có một trong các biểu hiện như: sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác, hoặc mất khứu giác, cần liên hệ ngay trạm y tế phường, xã nơi lưu trú để được hướng dẫn và làm xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí hoặc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội.
Các địa phương tăng mạnh số F0
Nghệ An tiếp tục tăng số người dương tính. Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Nghệ An, trong 12 giờ qua (từ 6h đến 18h ngày 8/2/), địa phương này ghi nhận 1.441 ca mắc Covid-19.
Trong, đó có 310 ca cộng đồng tại 16 địa phương (TP Vinh: 84, Hưng Nguyên: 54, Nam Đàn: 46, Quỳnh Lưu: 26, Cửa Lò: 20, Thanh Chương: 19, Đô Lương: 15, Nghi Lộc: 11, Quỳ Hợp: 9, Con Cuông: 8, Quỳ Châu: 4, Tân Kỳ: 4, Quế Phong: 3, Anh Sơn: 3, Yên Thành: 3, Thái Hòa: 1); 1131 ca đã được cách ly từ trước (1109 ca là F1, 22 ca từ ngoại tỉnh có dịch về). Ghi nhận 778 ca có triệu chứng, 663 ca không có triệu chứng.
Lũy kế từ đầu mùa dịch đến nay trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 20.589 ca mắc Covid-19.
Trước số ca nhiễm nCoV tăng cao kỷ lục, TP Vinh sẽ dừng các hoạt động vui chơi, giải trí, liên hoan sau Tết để phòng, chống dịch. Lãnh đạo TP Vinh cho biết địa phương sẽ lập đoàn kiểm tra, xử lý đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ vi phạm phòng, chống dịch trong thời gian tới.
Trong khi đó, Hải Dương ghi nhận thêm 1.245 ca mắc Covid-19, tăng 400 ca so với 7/2, cũng là ngày số ca mắc cao nhất từ trước đến nay. Đáng chú ý, trong số này có 498 trường hợp sàng lọc cộng đồng, ho sốt cộng đồng, sàng lọc bệnh viện, còn lại là các F1 được cách ly tập trung, người đi từ tỉnh khác về.
Thị xã Kinh Môn có nhiều ca mắc nhất với 205 trường hợp, huyện Kim Thành 190 ca, TP Hải Dương 164 trường hợp. Trong tỉnh đã phát sinh thêm 12 ổ dịch Covid-19. Toàn tỉnh có 4.725 người mắc Covid-19 đang điều trị.
Ông Trương Văn Thạo, Giám đốc Trung tâm Y tế TP Hải Dương, cho biết đến chiều 8/2, địa phương có 521 F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ đang điều trị tại nhà. Số lượng F0 điều trị tại nhà tăng mạnh trong những ngày gần đây khiến trung tâm đã phải kích hoạt 2 đội y tế cơ động phối hợp với trạm y tế 25 xã, phường để hàng ngày đến các gia đình có F0 lấy mẫu xét nghiệm, lập báo cáo nhanh, giám sát, tư vấn chăm sóc sức khỏe.
Thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Thanh Hóa, tính từ 16h ngày 7/2 đến 16h ngày 8/2, tỉnh ghi nhận 998 bệnh nhân mắc Covid-19. Cụ thể, 226 bệnh nhân phát hiện trong cộng đồng.
Tính từ ngày 27/4/2021 đến nay, Thanh Hóa ghi nhận 24.956 bệnh nhân Covid-19 cộng dồn; 20.923 người điều trị khỏi được ra viện; 34 bệnh nhân tử vong.
Về công tác tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, toàn tỉnh đã tiếp nhận 5.539.148 liều. Tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên tiêm đủ mũi, đạt 98,0%. Tỷ lệ trẻ 12 đến dưới 18 tuổi tiêm đủ mũi, đạt 97,6%. 277.605 người tiêm mũi bổ sung và 100.758 người tiêm mũi nhắc lại.
Sẵn sàng phương án điều trị học sinh mắc Covid-19 khi mở trường học
Chiều 8/2, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp với lãnh đạo Bộ Y tế, UBND Hà Nội về công tác chuẩn bị điều trị nếu có học sinh mắc Covid-19.
Phó thủ tướng lưu ý trẻ em thuộc nhóm thể chất chưa phát triển toàn diện. Trẻ dưới 5 tuổi và trẻ sơ sinh đều chưa được tiêm vaccine. Nhóm đối tượng này chưa biết diễn đạt về triệu chứng bệnh nên đòi hỏi kỹ năng chăm sóc khó hơn, cần đặc biệt chú ý.
Phó thủ tướng khẳng định Việt Nam đã triển khai chiến dịch tiêm phủ vaccine, trong đó tiêm vaccine cho nhóm đối tượng học sinh để đưa các em trở lại trường. Ông yêu cầu các địa phương đảm bảo an toàn trường học, tập huấn kịch bản ứng phó khi phát hiện ca mắc Covid-19 trong trường học, nhằm vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa không làm ảnh hưởng đến hoạt động học tập trong nhà trường.
Các ý kiến tại cuộc họp cho rằng lực lượng phòng, chống dịch phải lường đến những tình huống xấu như có thể xuất hiện biến chủng mới lây nhanh hơn, độc lực thấp hơn không đáng kể so với các chủng virus hiện tại, thậm chí có thể "lẩn tránh" vaccine, thuốc điều trị…
Trẻ mầm non ở TP.HCM sắp được trở lại trường sau gần 10 tháng nghỉ ở nhà. Ảnh minh họa: Việt Linh.
Theo báo cáo, tỷ lệ trẻ mắc Covid-19 và số ca bệnh diễn biến nặng thấp, tuy nhiên, vẫn có trường hợp tử vong. Do vậy, các chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh yếu tố phòng dịch và lưu ý không để có quá nhiều trẻ mắc bệnh cùng lúc.
Các chuyên gia dự báo khi 20 triệu học sinh đến trường, số trẻ mắc Covid-19 có thể tăng lên bởi thực tế, trẻ em khó thực hiện và tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp 5K.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo việc trẻ lây nhiễm từ trường học về gia đình, trong đó có thể lây cho nhóm đối tượng nguy cơ cao, có bệnh nền và chưa tiêm vaccine Covid-19 như người cao tuổi, trẻ nhỏ tuổi, phụ nữ mang thai... Vì vậy, nếu không lên kịch bản phòng chống dịch chi tiết khi có trường hợp học sinh mắc sẽ gây lúng túng cho trường học, khiến phụ huynh và xã hội lo lắng.
Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), dự báo số ca mắc Covid-19 sau Tết tăng cao do hoạt động đi lại và giao lưu dịp Tết. Trong đó, tập trung vào nhóm đối tượng người già, người lớn và trẻ chưa tiêm vaccine, trẻ sơ sinh. Do đó, ông Khoa cho rằng cần các biện pháp bảo vệ tốt để giảm tỷ lệ tử vong.
Ông cho biết Bộ Y tế đang cập nhật phác đồ điều trị học sinh mắc Covid-19 cho cơ sở y tế các tuyến từ Trung ương đến địa phương, không để xảy ra tình huống số học sinh mắc Covid-19 tăng đột biến, gây quá tải.
Về tiến độ tiêm chủng, trong ngày 7/2, có 797.828 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số vaccine đã được tiêm là 183.196.831 liều, trong đó tiêm mũi một là 79.148.668 liều, tiêm mũi 2 là 74.356.060 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) là 29.692.103 liều.
_Trích Báo mới_