Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Hợp tác quốc tế
Hình ảnh
THÔNG TIN ĐẤU THẦU
VIỆN VẮC XIN VÀ SINH PHẨM Y TẾ
GIẢI THƯỞNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH KHÁNH HÒA 2021 - GIẢI THƯỞNG TÔN VINH CÁC NHÀ KHOA HỌC
    Giải thưởng KH&CN tỉnh Khánh Hòa là hình thức tôn vinh cao nhất và có giá trị nhất trong lĩnh vực KH&CN của tỉnh Khánh Hòa nhằm tôn vinh, ghi nhận công lao của các nhà khoa học, các tổ chức, cá nhân có đóng góp cho hoạt động KH&CN mang lại lợi ích to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Giải được xem xét, xét tặng 05 năm 01 lần, năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện, năm 2021 là năm thứ hai xét tặng giải thưởng. Để triển khai, UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng và ban hành Quyết định số 1078/QĐ-UBND ngày 12/5/2020 về việc ban hành Quy chế xét tặng Giải thưởng KH&CN tỉnh Khánh Hòa và Kế hoạch số 8177/KH-UBND ngày 12/8/2020 về việc Tổ chức xét tặng Giải thưởng KH&CN tỉnh Khánh Hòa lần thứ hai 2021.

Quá trình nhận và xem xét, lựa chọn hồ sơ
     Thực hiện Quyết định số 1078/QĐ-UBND và Kế hoạch số 8177/KH-UBND ngày 12/8/2020. Đến hết ngày 30/12/2020, Sở KH&CN đã nhận 14 hồ sơ đúng hạn. Các công trình đã được hội đồng khoa học và công nghệ cấp cơ sở đồng ý đề nghị xét tặng giải thưởng. Sau khi rà soát và đối chiếu các điều kiện tham gia của các công trình:  Có 12 công trình đáp ứng đúng và đủ theo quy định tại Điều 6 Chương II Quyết định số 1078/QĐ-UBND và có 02 công trình không đáp ứng đúng và đủ theo quy định tại Điều 6 Chương II Quyết định số 1078/QĐ-UBND. Các hồ sơ của 12 công trình đủ điều kiện đưa vào xét giải thưởng đã đáp ứng đúng và đủ theo quy định tại Điều 16 Chương III Quyết định số 1078/QĐ-UBND.
    Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức các hội đồng chuyên ngành cấp tỉnh theo từng lĩnh vực để xem xét 12 hồ sơ đủ điều kiện, từ ngày 03/3/2021 đến ngày 25/3/2021, các hội đồng KH&CN chuyên ngành cấp tỉnh đã họp xét tặng Giải thưởng, kết quả đã chọn được 10 công trình để trình hội đồng KH&CN cấp tỉnh xem xét. Đến ngày 05/5/2021, Hội đồng xét tặng Giải thưởng cấp tỉnh đã họp, bỏ phiếu đánh giá và bình chọn cho 10 công trình do Hội đồng chuyên ngành cấp tỉnh đề nghị.
 
Kết quả Giải thưởng KH&CN tỉnh Khánh Hòa năm 2021
     Ngày 27/10/2021, UBND tỉnh đã có Quyết định số 3776/QĐ-UBND ngày 27/10/2021 về việc tặng Giải thưởng KH&CN tỉnh Khánh Hòa năm 2021. Kết quả như sau:
 
I. Công trình Nghiên cứu khoa học:
1. Giải A:
Tên công trình: Nghiên cứu sản xuất Vắc-xin kép vô hoạt phòng bệnh phù đầu và phó thương hàn lợn (COLISAL)
Tên tác giả: TS. Nguyễn Đức Tân.
 Đồng tác giả: TS. Lê Lập, ThS. Nguyễn Thị Thắm.
 
2. Giải B:
Tên công trình: Văn học dân gian Khánh Hòa (Văn học dân gian người Việt ở Khánh Hòa)
Tên tác giả: ThS. Lê Khánh Mai.

3. Giải C: gồm 2 công trình
3.1. Tên công trình: Điều tra, đánh giá hiện tượng dòng rip (rip current) tại các bãi tắm Khánh Hòa, xác định nguyên nhân và đề xuất các giải pháp phòng tránh
Tên tác giả: TS. Lê Đình Mầu.
Đồng tác giả: TS. Nguyễn Bá Xuân; PGS.TS. Bùi Hồng Long; TS. Phạm Xuân Dương; ThS. Nguyễn Chí Công; ThS. Nguyễn Văn Tuân; ThS. Phạm Sỹ Hoàn; ThS. Phạm Thị Phương Thảo; ThS. Nguyễn Đình Đàn; ThS. Phạm Bá Trung; ThS. Trần Văn Bình; CN. Ngô Mạnh Tiến; CN. Tống Phước Hoàng Sơn; ThS. Ngô Nam Thịnh; ThS. Phan Thành Bắc.
3.2. Tên công trình: Nghiên cứu tính hiệu quả và an toàn của bóng phủ thuốc Paclitaxel điều trị tổn thương mạch máu nhỏ và tái hẹp trong stent mạch vành.
Tên tác giả: PGS.TS.BS. Huỳnh Văn Thưởng.
 
4. Giải Khuyến khích: gồm 3 công trình
4.1. Tên công trình: Lịch sử giáo dục cách mạng ở Khánh Hòa giai đoạn 1945 - 1975.
Tên tác giả: TS. Nguyễn Thị Kim Hoa
4.2. Tên công trình: Nghiên cứu, áp dụng các kỹ thuật truyền dẫn tiên tiến vào hệ thống vô tuyến 5G và thế hệ tiếp theo, tiến tới ứng dụng trong bảo đảm thông tin liên lạc cho vùng sâu, vùng xa và hải đảo tại Khánh Hòa
Tên tác giả: TS. Nguyễn Bá Cao
Đồng tác giả: TS. Trần Mạnh Hoàng
 4.3. Tên công trình: Khảo sát tình hình một số dị tật bẩm sinh ở trẻ em từ 0 -36 tháng tuổi trên địa bàn thành phố Nha Trang, Cam Ranh và thị xã Ninh Hòa.
Tên tác giả: BSCKII. Nguyễn Văn Xáng.

II. Công trình Ứng dụng công nghệ:
 1. Giải A:
Tên công trình: Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất vắc xin cúm mùa ở quy mô công nghiệp
Tên tác giả: TS. Dương Hữu Thái
Đồng tác giả: ThS. Vũ Thị Thu Hương; PGS.TS. Lê Văn Bé; PGS.TS. Nguyễn Thị Lan Phương; CN. Trần Ngọc Nhơn; CN. Đàm Xuân Cường; CN. Nguyễn Thị Thùy Đoan; BS. Lê Đức Tân; ThS.Nguyễn Văn Được.
 
2.  Giải B:
Tên công trình: Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hotline vào vệ sinh, sửa chữa lưới điện đang mang điện trên phạm vi toàn tỉnh Khánh Hòa.
Tên tác giả: ThS. Nguyễn Thanh Lâm
 
Một số kết quả đặc sắc của hai công trình đạt giải A
1. Công trình: Nghiên cứu Khoa học “Nghiên cứu sản xuất Vắc-xin kép vô hoạt phòng bệnh phù đầu và phó thương hàn lợn (COLISAL)”
   Công trình có giá trị cao về khoa học: Vắc xin kép Phù đầu - Phó thương hàn lợn là vắc xin mới lần đầu tiên được cấp phép tại Việt Nam; Công trình đã sản xuất thành công vắc xin kép để phòng 2 bệnh nguy hiểm ở lợn, sản phẩm được thị trường, người chăn nuôi chấp nhận, có tác động thay đổi biện pháp phòng bệnh trong chăn nuôi. Giống E.coli dùng trong sản xuất vắc xin kép có chủng KH284 (Phân lập tại tỉnh Khánh Hòa) nên có độ tương đồng cao, phù hợp với phòng bệnh E.Coli trên địa bàn tỉnh.
   Công trình có giá trị cao về thực tiễn: Công trình được đánh giá có phạm vi ảnh hưởng cấp toàn quốc do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận năm 2020; Vắc xin COLISAL được sản xuất với công nghệ lên men nên kịp thời, nhanh chóng, phù hợp dịch tễ đàn lợn tại Việt Nam, ưu tiên người Việt dùng hàng Việt, chủ động công nghệ, không phụ thuộc vắc xin của nước ngoài. Ngoài ra, vắc xin COLISAL có giá thành cạnh tranh, chi phí tiêm vắc xin kép này chỉ bằng ½ chi phí tiêm các vắc xin đơn, giảm stress trên lợn, giảm nhân công thực hiện. Do đó, thuận tiện và làm lợi cho người chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội rất lớn; Kết hợp các chủng vi sinh vật để làm vắc xin đa giá là xu thế trong thực tiễn, làm giảm chi phí chăn nuôi, tăng hiệu quả trong phòng chống dịch.
 
2. Công trình: Ứng dụng công nghệ “Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất vắc xin cúm mùa ở quy mô công nghiệp”
   Công trình có giá trị cao về công nghệ: Sau 13 năm chuẩn bị, nghiên cứu và triển khai thực hiện, công trình khoa học công nghệ sản xuất vắc xin IVACFLU-S của IVAC đuợc đánh giá là xuất sắc (cấp bộ) và ngày 14-1-2019 đã được Bộ Y tế cấp giấy phép lưu hành để chính thức sử dụng cộng đồng. Vắc xin cúm IVACFLU-S phòng 3 chủng cúm là: Cúm A/H1N1, A/H3N2 và cúm B . Vắc xin này do IVAC sản xuất đạt tiêu chuẩn chất lượng; đạt yêu câu về an toàn, dung nạp tốt theo đường tiêm bắp và đáp ứng miễn dịch tốt phù hợp với khuyến cáo của WHO và quy định của Việt Nam. IVAC sản xuất vắc-xin IVACFLU-S dựa trên công nghệ cấy truyền qua phôi trứng gà - Một công nghệ sản xuất vắc xin kinh điển, đảm bảo tạo miễn dịch tốt với tính an toàn cao, có khả năng sản xuất trên quy mô công nghiệp với giá thành rẻ, được thừa nhận trên toàn cầu. IVACFLU-S là một công trình khoa học được tiến hành thận trọng, tỷ mỉ theo đúng chuẩn quốc tế với sự giám sát, đánh giá chặt chẽ của nhiều chuyên gia đầu ngành về y sinh học trong và ngoài nước. Để sản xuất thành công IVACFLU-S ngoài nỗ lực của Việt Nam còn có sự giúp đỡ hỗ trợ về kinh phí, kỹ thuật và giám sát theo chuẩn quốc tế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức PATH (tổ chức hỗ trợ phát triển kỹ thuật y tế toàn cầu của Mỹ) và tổ chức BARDA (Cơ quan Nghiên cứu phát triển tiên tiến về y sinh học - Mỹ). Trong quá trình sản xuất vắc xin IVACFLU-S, Viện vắc xin và Sinh phẩm Y tế đã chế được các kháng nguyên vi rút cúm mùa đạt độ tinh khiết rất cao và được WHO yêu cầu sản xuất kháng nguyên chuẩn để cung cấp cho Viện Nghiên cứu NIBSC (Anh) nghiên cứu sản xuất vắc-xin cúm mùa; Công trình sản xuất vắc xin IVACFLU-S của IVAC được Bộ Y tế lựa chọn là 1 trong 9 sự kiện y tế tiêu biểu năm 2018. Tổ chức Y tế thế giới ( WHO) đánh giá rất cao vắc xin cúm mùa IVACFLU- s của Việt Nam và hiện nay Việt Nam là 1 trong 14 quốc gia được tổ chức Y tế thế giới đặt hàng cơ sở sản xuất vắc xin cúm mùa để chủ động đảm bảo phòng chống đại dịch trên thế giới.
   Công trình có giá trị cao về thực tiễn: Cúm là một bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan nhanh và mạnh trên toàn cầu. Mỗi lần thay đổi chủng cúm thường dẫn tới các vụ đại dịch trên toàn cầu với hàng trăm triệu người mắc và hàng triệu người tử vong. Rất may, hiện nay loài người đã có vắc xin để chủ động phòng chống bệnh cúm - nhất là cúm mùa.
   Như vậy, hai giải A ở hai loại công trình đều tôn vinh những nhà khoa học có công trình nghiên cứu trong lĩnh vực Y, dược, cụ thể là sản xuất vắc-xin, việc duy trì và sản xuất vắc-xin là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng để giúp đương đầu với đại dịch. Dự kiến việc trao Giải thưởng khoa học và công nghệ năm 2021 vào cuối năm nhân dịp gặp gỡ các nhà khoa học và công nghệ trong tỉnh.

-sưu tầm-
Các bài viết khác