Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Hợp tác quốc tế
Hình ảnh
THÔNG TIN ĐẤU THẦU
VIỆN VẮC XIN VÀ SINH PHẨM Y TẾ
Vắc xin cúm giúp hạn chế những biến chứng nghiêm trọng của Covid-19
Nguồn: https://thanhnien.vn/suc-khoe/vac-xin-cum-giup-han-che-nhung-bien-chung-nghiem-trong-cua-covid-19-1452946.html
Tiêm phòng vắc xin cúm mùa không chỉ bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng, mà còn giúp hạn chế những biến chứng nghiêm trọng do tác động của Covid-19 gây nên.

Tăng cường hệ miễn dịch
 
Tại cuộc họp trực tuyến của Hiệp hội Vi sinh lâm sàng và Bệnh truyền nhiễm châu Âu hôm 12.7.2021, giáo sư Devinder Singh, chuyên gia phẫu thuật Đại học Miami (Mỹ), cho biết nghiên cứu của ông cùng các đồng nghiệp về phân tích nguy cơ gặp phải những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như đông máu, đau tim, suy thận và suy hô hấp trong 4 tháng kể từ khi được chẩn đoán nhiễm nCoV được thực hiện trên gần 75.000 bệnh nhân Covid-19; kết quả cho thấy, những người mắc Covid-19 đã tiêm vắc xin cúm mùa sẽ giảm đáng kể tỷ lệ đột quỵ, huyết khối tĩnh mạch sâu, nhiễm trùng huyết, giảm nguy cơ nhập viện cấp cứu, chăm sóc y tế đặc biệt.


 
Nghiên cứu đã chia ra hai nhóm, mỗi nhóm gồm 37.377 bệnh nhân có sự tương đồng về tuổi tác, các vấn đề sức khỏe bao gồm béo phì, bệnh phổi và yếu tố lối sống như thói quen hút thuốc. Nhóm đầu tiên đã được chủng ngừa vắc xin cúm từ 2 tuần đến 6 tháng trước khi nhiễm Covid-19, trong khi các đối tượng của nhóm thứ hai cũng đã mắc Covid-19 nhưng không tiêm phòng cúm trước đó. Kết quả chỉ rõ, những bệnh nhân Covid-19 không được tiêm phòng cúm có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn 45% đến 58%, khả năng bị đông máu cao hơn khoảng 40% và khả năng bị nhiễm trùng huyết cao hơn 36% đến 45%. Đồng thời, họ cũng có nhiều khả năng phải điều trị tại phòng chăm sóc đặc biệt ICU (tăng 20%) và phòng cấp cứu (cao hơn 58%).
 
Điều này có nghĩa là những bệnh nhân đã tiêm vắc xin cúm có thể có sức khỏe tốt hơn những người không tiêm.


Phòng vệ kép cùng Covid-19
 
Mối lo dịch chồng dịch đang tiềm ẩn nguy cơ bùng phát khi dịch cúm “vào mùa”. Nếu tỷ lệ tiêm vắc xin cúm không duy trì liên tục ở ngưỡng cao, cúm vẫn sẽ gây ra những ảnh hưởng nặng nề trên toàn cầu, bên cạnh tác động của Covid-19 là nỗi lo tiềm ẩn cho việc đồng nhiễm Covid-19 và cúm.
 
Nhiễm trùng hỗn hợp giữa Covid-19 và bệnh cúm mùa có thể trở thành một vấn đề nghiêm trọng tới sức khỏe con người, vì cả virus cúm mùa và Covid-19 đều sinh sôi trong các tế bào ở màng trong của mạch máu. Khi các tế bào này bị hư hỏng, các phần tử virus sẽ được đưa theo dòng máu đến tất cả các cơ quan và lây nhiễm sang các tế bào của chúng. Chính vì vậy, việc lây nhiễm cả hai loại virus có thể gây ác tính mạnh hơn cho bệnh nhân nếu người bệnh bị ốm vì bất cứ virus nào (Covid-19 hoặc cúm mùa). Do đó, tiêm phòng Covid-19 sẽ không thể bảo vệ cơ thể khỏi bệnh cúm mùa, và ngược lại.


Lợi ích của tiêm phòng vắc xin cúm được thể hiện qua việc cung cấp khả năng kích thích miễn dịch đặc hiệu đối với virus cúm, làm giảm số ca mắc và nhập viện do cúm; tạo miễn dịch bẩm sinh không đặc hiệu mang lại sự bảo vệ bổ sung, giảm nguy cơ nhập viện, biến chứng nghiêm trọng do Covid-19 gây ra. Mặc dù tiêm phòng cúm không thể giúp miễn dịch hoàn toàn trước Covid-19, nhưng có thể bảo vệ người được tiêm chủng tránh được một trong hai bệnh và giúp giảm nhầm lẫn triệu chứng của Covid-19 và cúm mùa để điều trị bệnh kịp thời. Ngoài ra, tiêm vắc xin cúm giúp tránh tình trạng quá tải lên hệ thống y tế vốn đã căng mình vì Covid-19, điều này đặc biệt quan trọng đối với những nơi có nguồn lực y tế khan hiếm. Tỷ lệ nhập viện do cúm thấp hơn cũng giúp giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19 bằng cách giảm phơi nhiễm cho những người có nguy cơ, người bệnh, người chăm sóc và người nhà bệnh nhân.
 
Nhận định được tầm quan trọng của việc cần đẩy mạnh chiến dịch tiêm phòng vắc xin cúm mùa trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Tại Việt Nam, Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC) - đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, đã triển khai nghiên cứu và sản xuất cả hai loại vắc xin để phòng ngừa Covid-19 và cúm mùa trong tình hình dịch bệnh hiện nay.



Vắc xin cúm mùa IVACFLU - S được IVAC nghiên cứu, phát triển sản xuất dựa trên công nghệ trứng gà có phôi với sự hỗ trợ của PATH - một tổ chức quốc tế về y tế toàn cầu; Cơ quan Nghiên cứu Phát triển tiên tiến về y sinh học (BARDA) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từ năm 2010. Đến ngày 14.1.2019 vắc xin này chính thức được Bộ Y tế cấp phép lưu hành.
Bên cạnh đó, IVAC đang nghiên cứu và sản xuất vắc xin Covid-19 (COVIVAC) theo cùng nền tảng công nghệ trứng gà có phôi với sự hỗ trợ của Trường Y Icahn (New York), Đại học Texas và Tổ chức PATH, hiện đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2.
Các bài viết khác