Tiêm thử nghiệm vắc xin Nano Covax mũi 2 giai đoạn 2 cho người tình nguyện tại Học viện Quân Y
2 vắc xin phòng COVID-19 do Việt Nam nghiên cứu, phát triển đã và đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2. Đến nay 551 người đã tiêm mũi 2 giai đoạn 2 vắc xin Nano Covax; 66 người tiêm mũi 1 giai đoạn 1 vắc xin COVIVAC.
Đối với vắc xin phòng COVID-19 đầu tiên của Việt Nam là vắc xin Nano Covax, theo Học viện Quân y, hiện các tình nguyện viên tiêm đủ hai mũi giai đoạn 2 đều có sức khỏe bình thường.
Một số người xuất hiện phản ứng phụ nhẹ như sưng vùng tiêm, đau cơ khớp, song các phản ứng này hết nhanh sau khi nghỉ ngơi. Tổng cộng đến nay có 551 người đã tiêm xong mũi 2 của giai đoạn 2, trong đó 280 người đã tiêm thử tại Long An, 271 người tại Hà Nội. 9 người còn lại tại Hà Nội sẽ được tiêm trong tuần này.
Tiêm thử nghiệm vắc xin Nano Covax mũi 2 giai đoạn 2 cho người tình nguyện tại Học viện Quân Y
Nano Covax là vắc xin phòng COVID-19 do Công ty Nanogen nghiên cứu, phát triển, đưa vào thử nghiệm lâm sàng từ tháng 12/2020. Đến nay, thử nghiệm lâm sàng đã bước qua giai đoạn hai, mở rộng ra nhóm người cao tuổi và có bệnh lý nền. Hiện, 108 người cao tuổi đã được tiêm thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2, trong đó, cao nhất là 76 tuổi. Sau tiêm, họ đều có phản ứng nhẹ, không có biểu hiện bất thường.
Đối với vắc xin Nano Covax, sau khi kết thúc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, 100% người được tiêm đều an toàn, sinh kháng thể với nồng độ cao, có tác dụng bảo vệ tốt và được thử nghiệm hiệu quả trên các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 như chủng phát hiện ở Anh.
Theo kế hoạch, cuối tháng 4/2021, sẽ có đánh giá kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 của vắc xin NanoCovax, và đang có triển vọng rất lạc quan. Và dự kiến đầu tháng 5/2021, vắc xin NanoCovax sẽ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.
Căn cứ vào kết quả thử nghiệm giai đoạn 1 và giai đoạn 2 đến thời điểm hiện tại, tất cả các chuyên gia đều rất lạc quan cho rằng nếu thuận lợi, thậm chí cuối quý 3/2021 sẽ hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 3 đối với vắc xin Nano Covax, rút ngắn tiếp 3 tháng so với kế hoạch dự kiến trước đó.
Đối với vắc xin COVIVAC do IVAC sản xuất hiện đang được Trung tâm Dược lý lâm sàng- Đại học Y Hà Nội phối hợp cùng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương triển khai thực hiện thử nghiệm lâm sàng, tính từ ngày tiêm đầu tiên của giai đoạn 1- ngày 15/3 đến nay đã hoàn thành tiêm cho 66 tình nguyện viên với 5 buổi tiêm vắc xin (mỗi buổi 15 tình nguyện viên, riêng buổi đầu tiên 15/3 tiêm 6 tình nguyện viên).
PGS.TS Phạm Thị Vân Anh- Giám đốc Trung tâm Dược lý lâm sàng cho biết, đánh giá 24h sau tiêm và 7 ngày sau tiêm ở 66 tình nguyện viên cho thấy không xuất hiện các biến cố bất lợi nghiêm trọng.
“Các phản ứng đều nằm trong dự kiến, đa số là các triệu chứng nhẹ sau tiêm như đau tại vị trí tiêm, đau đầu thoáng qua. Các triệu chứng trên đa số hết trong 24h đầu sau tiêm, không cần điều trị gì. Hiện chưa phát hiện bất thường trên xét nghiệm huyết học và sinh hóa đánh giá an toàn sau tiêm”- PGS.TS Phạm Thị Vân Anh thông tin.
Tiêm vắc xin COVIVAC cho người tình nguyện sáng ngày 15/3 tại Trường Đại học Y Hà Nội
PGS.TS Phạm Thị Vân Anh cũng cho biết thêm 54 tình nguyện viên còn lại, hiện Trung tâm đã hoàn thành việc xếp lịch tiêm. Dự kiến ngày 18/4/2021 kết thúc việc tiêm mũi 1.
Theo đề cương thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 của vắc xin COVIVAC, thời gian tiêm mũi 1 và mũi 2 cách nhau 28 ngày. Do đó, hiện Trung tâm Dược lý lâm sàng đang chuẩn bị các công việc để ngày 12/4 tới đây tiến hành tiêm mũi 2 cho 6 tình nguyện viên đầu tiên ( đây là 6 người đầu tiên đã tiêm thử nghiệm mũi 1 ngày 15/3)
“Các nhóm tiêm vào đợt nghỉ lễ 30/04 – 01/05 đã được tư vấn và sắp xếp lịch hợp lý, hỗ trợ tối đa để người tình nguyện có thể tham gia và không mất dấu người tình nguyện giữa chừng”- PGS.TS Phạm Thị Vân Anh nói.
Về tiến độ tiêm chủng vắc xin AstraZececa của Việt Nam, tính đến 16 giờ ngày 06/04/2021, tổng cộng đã thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại 19 tỉnh/Thành phố cho 53.953 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các địa phương.
-Bài viết được sưu tầm từ trang web của Bộ Y tế-