Ngày 3 tháng 8 năm 2012, các Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã công bố: kể từ tháng 7 năm 2011 đến nay số lượng bệnh nhân nhiễm vi rút cúm lạ ở lợn đã tăng lên 29 ca, trong đó có 12 ca mới được báo cáo tuần này.
Trong 29 ca nhiễm bệnh hầu hết là trẻ em, nguyên nhân là do tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với lợn. Tuy nhiên, CDC cũng đã xác nhận có một vài trường hợp mắc bệnh là do lây truyền từ người sang người, trung tâm đang giám sát chặt chẽ vi rút này để xem xét nó có thể đột biến thành một dạng vi rút dễ dàng lây lan nhanh chóng ở người hay không. Vào tháng hai vừa qua, một cuộc nghiên cứu đã đăng tải trực tuyến “Kỹ yếu của Viện hàn lâm khoa học Quốc gia”, thông báo rằng vi rút cúm này có khả năng trở thành đại dịch ở người.
Hôm nay, Nhà Dịch tễ học của CDC, Bác sĩ Joseph Bresee đã nói với báo chí rằng trước tình huống này, Trung tâm đang phát triển một loại vắc xin thử nghiệm chống lại loại vi rút mới này và sẽ thử nghiệm lâm sàng vào cuối năm nay.
Trong số 12 ca nhiễm bệnh tuần này thì có 10 bệnh nhân đã từng phơi nhiễm với lợn tại hội chợ ở hạt Bulter bang Ohio, 1 bệnh nhân khác đã từng phơi nhiễm với lợn tại hội chợ ở bang Indiana, và một bệnh nhân là nông dân chăn nuôi lợn ở Hawaii. Không có trường hợp nào phải nhập viện.
12 ca bệnh này là nằm trong số 16 ca đã được báo cáo trong 3 tuần vừa rồi.
Tiến sĩ Bresee đã nói rằng: “Chúng tôi muốn tìm hiểu tại sao các ca bệnh lại tăng cao hơn so với trước đây”. Lời giải thích lợp lý đó là do sự thay đổi về cấu tạo gen của vi rút, do sự tiếp xúc giữa người với lợn tăng trong suốt các hội chợ mùa hè, hoặc đơn giản là do sự tăng cường nỗ lực tìm kiếm vi rút của các nhà chức trách về sức khoẻ cộng đồng.
Vi rút cũng có thể đang lây lan ở người với phạm vi rộng hơn so với các ca nhiễm bệnh đã được thông báo. Tiến sĩ Breese lưu ý rằng: “Nếu trong 3 tuần vừa qua chúng ta phát hiện được 16 ca nhiễm bệnh thì có thể trong thực tế có nhiều ca nhiễm bệnh hơn mà chưa được báo cáo”.
Ông cũng nói thêm: “Chúng ta hi vọng là các ca nhiễm bệnh mới sẽ được ghi nhận và tiên liệu có một số ca có thể bị bệnh nặng”.
Vi rút cúm lạ ở lợn này mang gen từ vi rút gây đại dịch ở người
Vi rút cúm lợn này khiến bệnh nhân có dấu hiệu bệnh giống như bị nhiễm vi rút cúm mùa. Tiến sĩ Bresee nói rằng: “Nếu chỉ dựa vào những triệu chứng lâm sàng thì rất khó hoặc thậm chí không thể xác định được cụ thể”. Do đó, các nhà lâm sàng học cần phải lấy mẫu xét nghiệm ở Trung tâm CDC hoặc Sở y tế của bang để có thể định danh vi rút.
Tất cả 29 bệnh nhân nhiễm bệnh từ năm ngoái đã phục hồi sức khỏe. Chỉ có 3 trường hợp phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
Tiến sĩ Breese cho rằng người trưởng thành có thể có miễn dịch đối với vi rút lạ này tuy nhiên trẻ em lại bị vi rút tấn công mạnh.
Vi rút cúm lạ ở lợn có công thức là A(H3N2)v, “v” có nghĩa là biến thể. Sự sản sinh biến thể này bắt nguồn từ gen “M” của vi rút cúm A(H1N1) là gen mã hóa protein cấu trúc của vi rút gây ra đại dịch cúm ở người năm 2009. Các chuyên gia nói rằng vi rút cúm A(H1N1) đã tìm cách xâm nhập vào lợn và biến đổi thành vi rút cúm A(H3N2)v đang lan truyền trong những động vật này.
Tiến sĩ Bresee nói rằng gien M từ vi rút gây ra đại dịch cúm ở người có liên quan đến sự nhân lên và giải phóng vi rút, và sự tồn tại của nó trong vi rút cúm lợn A(H3N2)v “có thể lan truyền ở người”.
Vi rút cúm A(H3N2) đang lây truyền ở người, và giống như những năm trước đây, vắc xin cúm mùa của năm nay được sử dụng để phòng chống. Tuy nhiên, Tiến sĩ Breese cho rằng vi rút cúm lợn A(H3N2)v thì có tính chất khác nên vắc xin cúm mùa thì không có tác dụng. Vì thế cần phải phát triển một loại vắc xin riêng biệt.
Trong thời điểm hiện nay, Trung tâm CDC khuyên các đối tượng có tiếp xúc với lợn tại các hội chợ và nông trại nên lưu ý những điều sau đây:
· Rửa tay bằng xà phòng và nước trước khi tiếp xúc với lợn,
· Không bao giờ được ăn hoặc uống tại khu vực có lợn,
· Tránh tiếp xúc gần với lợn có biểu hiện bị bệnh.
Thêm vào đó, vì chúng ta đang trong giai đoạn nguy cơ cao do những diễn biến phức tạp nguy hiểm của bệnh cúm vì vậy trẻ em dưới 5 tuổi, người già từ 65 tuổi trở lên, phụ nữ đang mang thai, và những người mắc các bệnh mãn tính như hen suyễn hoặc bệnh tim nên tránh tiếp xúc với lợn.
Tiến sĩ Bresee nói rằng ông hi vọng các chất chống lại vi rút như oseltamivir (Tamiflu, Genetech) và zanamivir (Relenza, GlaxoSmithKline) đã có tác dụng với cúm mùa thì sẽ có thể điều trị hiệu quả cúm A(H3N2)v.
Những thông tin khác về cúm lợn A(H3N2)v có trong trang web của CDC:
news@medscape.net
Người dịch: Bích Hồng