Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
Hợp tác quốc tế
Hình ảnh
THÔNG TIN ĐẤU THẦU
VIỆN VẮC XIN VÀ SINH PHẨM Y TẾ
Những kết quả tích cực về vắc xin cúm mùa giai đoạn 1 do Việt Nam sản xuất
Người liên hệ: TS. Lê Văn Bé, Viện trưởng Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế. Điện thoại: +84 58 3 822 408, +84 58 3 818 898, +84 903501529.
Nha Trang, Việt Nam, ngày 27/09/2016 – Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC), một đơn vị sản xuất vắc xin thuộc quản lý của Nhà nước Việt Nam, hôm nay đã công bố các kết quả thử nghiệm lâm sàng (TNLS) giai đoạn 1 của vắc xin cúm mùa bất hoạt (IVACFLU-S) để phòng 3 chủng cúm là: A/H1N1, A/H3N2, và B. Nghiên cứu đã đánh giá tính an toàn và khả năng đáp ứng miễn dịch của vắc xin trên người trưởng thành khỏe mạnh. Nhìn chung, kết quả thử nghiệm cho thấy vắc xin an toàn và có tính sinh miễn dịch tốt.
Nghiên cứu do IVAC tài trợ và được Bộ Y tế cho phép Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (VSDTTƯ) triển khai tại huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Kinh phí của đề tài nghiên cứu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tài trợ thông qua khoản tài trợ của Cơ quan Phát triển tiên tiến về Y sinh học (BARDA) thuộc Bộ Y tế và Phúc lợi con người Hoa Kỳ. PATH, là một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế, đóng vai trò cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật trong phạm vi một thỏa thuận hợp tác với BARDA.
Có tổng số 60 nam giới và phụ nữ khỏe mạnh tuổi từ 18 đến 45 đã tình nguyện tham gia vào TNLS giai đoạn 1, mù kép, ngẫu nhiên, có đối chứng này và được tiêm 1 liều vắc xin IVACFLU-S, hoặc giả dược là dung dịch đệm PBS. 30 người tình nguyện được tiêm vắc xin IVACFLU-S liều 15 mcg/0,5 ml, và 30 tình nguyện viên được tiêm giả dược. Không có biến cố bất lợi nghiêm trọng tại chỗ hay toàn thân nào được ghi nhận và vắc xin IVACFLU-S được chứng minh có tính sinh miễn dịch thông qua các phương pháp xét nghiệm tiêu chuẩn.
“Chúng tôi rất vui mừng công bố: các kết quả của TNLS giai đoạn 1 khẳng định vắc xin IVACFLU-S  an toàn và có khả năng bảo vệ Việt Nam khỏi căn bệnh cúm có thể gây tử vong”, TS. Lê Văn Bé, Viện trưởng IVAC đã nói. “Chúng tôi hy vọng tiếp tục hợp tác với các đối tác BARDA, WHO và PATH để thúc đẩy vắc xin này tiến tới TNLS giai đoạn 2/3 và cuối cùng là được cấp phép và sản xuất ở quy mô thương mại.”
Bệnh cúm là một trong những nguyên nhân quan trọng gây ra tỷ lệ mắc và tử vong trên toàn thế giới. Bệnh cúm mùa gây ra 250.000 đến 500.000 ca tử vong và khiến 5 triệu người mắc bệnh nghiêm trọng mỗi năm. Nếu một chủng vi rút đại dịch có độc lực cao xuất hiện, bệnh cúm có thể gây ra hàng triệu ca tử vong trên toàn thế giới. Việt Nam ghi nhận sự lưu hành quanh năm của cúm mùa và cũng đã từng có những ca mắc cúm gia cầm A/H5N1 trên người, đặc biệt những ca này có tỷ lệ mắc-chết cao. 
Việt Nam hiện chưa có nguồn cung vắc xin cúm sản xuất trong nước, điều đó khiến chúng ta phải mở rộng tầm nhìn để tìm kiếm những công cụ cứu sống cho người dân của mình. Cách tốt nhất để đảm bảo Việt Nam tiếp cận với vắc xin cúm là phát triển năng lực trong nước nhằm sản xuất được các vắc xin cúm mùa chất lượng cao, giá cả phải chăng, có thể duy trì năng lực sản xuất liên tục và cho phép Việt Nam tự trang bị một cách bền vững để đối phó với cả dịch cúm mùa và đại dịch cúm. Những nỗ lực của IVAC nhằm sản xuất vắc xin cúm mùa trong nước không những sẽ đem lại lợi ích cho người Việt Nam, mà còn góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng cung ứng vắc xin cúm cho khu vực và thế giới. Với các nguồn lực phát triển và sản xuất vắc xin cúm của toàn thế giới chủ yếu tập trung hạn chế ở một số nhà máy, việc sản xuất vắc xin cúm toàn cầu hiện nay thiếu hụt nghiêm trọng so với nhu cầu, dẫn đến các nước có thu nhập trung bình và thấp không có cơ hội tiếp cận với những vắc xin này. Việc có nhiều nhà cung cấp vắc xin cúm hơn, như IVAC, là vô cùng cần thiết để giải quyết một cách bền vững những thiếu hụt trên. 
 
Về IVAC
IVAC được thành lập năm 1978 theo quyết định của Bộ Y tế, có nhiệm vụ lập kế hoạch và thực hiện việc sản xuất vắc xin và huyết thanh cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam cũng như phòng chống và điều trị bệnh tật nói chung. IVAC tiến hành nghiên cứu và áp dụng các công nghệ tiên tiến trong phát triển và sản xuất vắc xin trên cơ sở hợp tác với các tổ chức trong nước và quốc tế. Trụ sở chính của IVAC nằm ở thành phố Nha Trang, Việt Nam, và cơ sở khác nằm ở Suối Dầu. www.ivac.com.vn

MỘT SỐ HÌNH ẢNH TẠI BUỔI HỘI THẢO CÔNG BỐ KẾT QUẢ
 





























Nguồn Path/Nguyễn Phú Cường
 
Các bài viết khác