Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
Hợp tác quốc tế
Hình ảnh
THÔNG TIN ĐẤU THẦU
VIỆN VẮC XIN VÀ SINH PHẨM Y TẾ
Thông tin tình hình dịch bệnh
Cục Y tế dự phòng thông báo tình hình dịch bệnh 4 tháng đầu năm 2014 trên cả nước cụ thể như sau:
I- Tình hình dịch bệnh

1. Viêm đường hô hấp cấp tính tại khu vực Trung Đông (MERS-CoV)

Trên Thế giới


Ngày 07/5/2014, đầu mối IHR của Tổ chức Y tế thế giới thông báo toàn cầu ghi nhận 496 trường hợp nhiễm MERS-CoV, trong đó có 93 trường hợp tử vong. Đến nay, MERS-CoV đã ghi nhận tại 17 quốc gia thuộc các khu vực Trung Đông (Ả Rập Xê Út, Jordan, Cô Oét, Ô Man, Quatar, Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Ai Cập và Y ê men), Châu Âu (Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Ý, Hy Lạp); Bắc Phi (Tunisia), Châu Á (Malayia và Phi líp pin) và Mỹ.
Tất cả các tường hợp mắc MERS-CoV đều có liên quan và xuất phát từ 6 nước tại Bán đảo Ả Rập. Phần lớn các ca bệnh đều có viêm phổi cấp tính nặng, sốt, ho và khó thở.

Tại Việt Nam:
Chưa ghi nhận trường hợp mắc

Nhận định: WHO đánh giá 75% ca bệnh gần đây là lây nhiễm thứ phát do có sự lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc và là bệnh có tỷ lệ tử vong cao trong nhóm bệnh truyền nhiễm. Hiện chưa phát hiện ca bệnh tại Việt Nam, nhưng không thể loại trừ các trường hợp du khách “quá cảnh” đi qua khu vực Trung Đông về rồi sang Việt Nam. Nhất là khi một số nước trong khu vực như Malaysia, Philippines đã có các trường hợp mắc bệnh sau khi trở về từ Trung Đông. Khó khăn trong việc ứng phó với MERS-CoV là chưa có vắc xin, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, xuất hiện các trường hợp không có triệu chứng, dẫn đến khó kiểm soát và làm tăng khả năng lây lan trong cộng đồng.

2. Cúm A(H7N9)

Trên Thế giới


Theo Tổ chức Y tế thế giới, từ tháng 3/2013 đến nay ghi nhận 430 trường hợp nhiễm cúm A(H7N9), 146 trường hợp tử vong, ghi nhận chủ yếu tại Trung Quốc (15 tỉnh, thành phố); Đài Loan, Hồng Kông và Malaysia.
3 tháng đầu năm 2014 số mắc tăng cao với 259 ca mắc cúm A(H7N9), tuy nhiên từ đầu tháng 4 đến nay số mắc đã giảm rõ rệt, cả tháng 4 chỉ ghi nhận 26 trường hợp mắc.

Tại Việt Nam: Chưa ghi nhận trường hợp mắc

Nhận định:
Sau hơn một năm tích cực triển khai các biện pháp phòng chống và giám sát, Việt Nam chưa xuất hiện ca bệnh trên người, tuy nhiên với đường biên giới dài cùng sự giao lưu đi lại, buôn bán qua biên giới giữa 2 nước, sự xuất hiện ca bệnh ở Quảng Tây (Trung Quốc) - giáp biên giới Việt Nam và Malaysia cũng đã có ca bệnh nên nguy cơ bệnh xâm nhập vào Việt Nam rất cao.

3. Cúm A(H5N1)

Trên Thế giới


Từ đầu năm 2014 đến nay Thế giới ghi nhận 13 trường hợp nhiễm cúm A(H5N1), trong đó có 06 trường hợp đã tử vong. Cụ thể số mắc/tử vong tại các quốc gia: Căm pu chia (9/4), Trung Quốc (2/0), Việt Nam (2/2).

Tại Việt Nam

Sau 9 tháng không ghi nhận ca bệnh trên người, trong tháng 01/2014 đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong do cúm A(H5N1) tại Bình Phước và Đồng Tháp, các trường hợp này đều có tiền sử tiếp xúc, giết mổ gia cầm bị bệnh. Hiện nay cả nước không còn tỉnh nào có dịch cúm gia cầm và cũng không ghi nhận thêm trường hợp mắc trên người. Như vậy trong năm 2014 cả nước ghi nhận 02 trường hợp tử vong do cúm A(H5N1).

Nhận định: Nước ta vẫn ghi nhận rải rác các ổ dịch trên các đàn gia cầm, thêm vào đó vi rút cúm A(H5N1) không gây bệnh ở các đàn thủy cầm nên khó khăn cho việc phát hiện và xử lý sớm ổ dịch trên gia cầm, tiềm ẩn nguy cơ lây truyền vi rút và gây bệnh ở người.

4. Cúm A(H5N6)

Trên thế giới:


Ngày 07/5/2014, Hãng Thông tấn CNN tại Hồng Kông đưa tin trường hợp đầu tiên nhiễm vi rút cúm A(H5N6) tại tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc. Bệnh nhân nam 49 tuổi, đã bị viêm phổi nặng, lấy dịch họng xét nghiệm và kết quả (+) với vi rút cúm A(H5N6). Bệnh nhân có tiền sử phơi nhiễm với gia cầm ốm chết.
Các chuyên gia y tế cho biết đây là trường hợp riêng lẻ và nguy cơ lây truyền từ người sang người là rất thấp, những người có tiếp xúc gần với bệnh nhân này đều không có biểu hiện triệu chứng.
Nhà chức trách khuyến cáo rằng: đối với tỉnh Tứ Xuyên, người dân cần tránh tiếp xúc với gia cầm sống hoặc gia cầm ốm chết.
Theo Cơ quan Thông tấn Đài Loan, cúm A(H5N6) được cho là vi rút cúm gia cầm có độc lực yếu, trước đó đã phát hiện thấy ở Đức, Thụy Điển và Mỹ.
Hiện Tổ chức Y tế thế giới chưa có thông tin chính thức về trường hợp này.

Tại Việt Nam:
  Chưa ghi nhận trường hợp mắc

Nhận định
: Việt Nam tiếp tục theo dõi sát và phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới để đánh giá nguy cơ đối với chủng vi rút cúm A(H5N6).

5. Bại liệt

Trên Thế giới


Theo thống kê của Chương trình thanh toán bệnh bại liệt toàn cầu, tính từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 68 trường hợp nhiễm vi rút bại liệt hoang dại (tăng 44 trường hợp so với năm 2013) tại 10 nước (Afghanistan, Cameroon, Guinea, Ethiopia, Israel, Nigeria, Pakistan, Somalia, Irac và Syri) trong đó Pakistan ghi nhận số mắc nhiều nhất (54 trường hợp).
WHO khuyến cáo để ngăn chặn sự lây lan quốc tế của vi rút bại liệt hoang dại cần thiết có sự hợp tác ứng phó quốc tế. Đối với các nước đang có ca bệnh, ưu tiên hàng đầu là phải ngăn chặn việc lây truyền của chủng vi rút bại liệt hoang dại ngay tại nước đó một cách nhanh nhất thông qua việc áp dụng tất cả các biện pháp phòng chống, cụ thể là các chiến dịch uống vắc xin bại liệt bổ sung (OPV), giám sát định kỳvi rút và tiêm chủng.

Tại Việt Nam


 Việt Nam giữ vững thành quả thanh toán bệnh bại liệt, từ năm 2000 đến nay không ghi nhận trường hợp mắc. Năm 2013, 92,6% số trẻ được uống đủ 3 liều vắc xin bại liệt (1.650.678 /1.782.720 trẻ dưới 1 tuổi).

Nhận định

Tại Việt Nam, bệnh bại liệt đã được công nhận loại trừ vào năm 2000. Cho đến nay không ghi nhận trường hợp nhiễm vi rút bại liệt hoang dại. Để duy trì thành quả trên,vắc xin phòng chống bệnh bại liệt vẫn đang được sử dụng trong tiêm chủng mở rộng quốc gia. Đồng thời Bộ Y tế vẫn đang  tiếp tục thực hiện các hoạt động giám sát chặt chẽ sự xâm nhập của vi rút bại liệt hoang dại vào Việt Nam và các hoạt động tiêm chủng quốc gia để bảo vệ thành quả trên.

6. Sởi

Trên Thế giới

Năm 2012 và 2013 dịch sởi trên thế giới diễn ra hết sức phức tạp với số mắc cao, cụ thể năm 2012, trên toàn cầu ghi nhận 226.722 trường hợp mắc sởi. Trong năm 2013 và 2 tháng đầu năm 2014, ghi nhận 181.813 trường hợp mắc sởi, tập trung tại các khu vực châu Phi (78.922 trường hợp), Tây Thái Bình Dương (37.989 trường hợp), châu Âu (31.726 trường hợp), năm 2011 tại Công Gô ghi nhận 106.000 trường hợp mắc, 1.100 tử vong.
Tại các nước khu vực Tây Thái Bình Dương: năm 2013 cả khu vực ghi nhận 30.910 trường hợp mắc sởi, tăng gần 3 lần so với 2012. Riêng 2 tháng đầu năm 2014 đã có 11.139 trường hợp mắc sởi. Các nước có số mắc gia tăng trong 2 tháng năm 2014 là: Trung Quốc (6.104 mắc), năm 2013 Philippines có 3.706 mắc, 69 tử vong.
Trong năm 2014, dịch sởi đã ghi nhận tại 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Dịch sởi tại Trung Quốc bắt đầu từ 2013 đến nay và chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Tháng 4/2014 Phi líp pin đã thông báo dịch sởi tại nước này, đến ngày 30/4/014 đã ghi nhận 17.630 trường hợp nghi sởi trong đó có 69 trường hợp tử vong.
Các chủng vi rút sởi chính lưu hành tại khu vực tại khu vực Tây Thái Bình Dương chủng H1, B3 và D8, hiện chưa có sự thay đổi về kiểu gen của vi rút sởi ở Việt Nam và trên thế giới.
Về lịch tiêm vắc xin sởi, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới đối với các nước sởi đang lưu hành cần tiêm vắc xin sởi cho trẻ lúc 9 tháng tuổi và mũi thứ hai khi trẻ 15-18 tháng tuổi. Hiện 190/195 quốc gia và vùng lãnh thổ bắt đầu tiêm vắc xin sởi mũi thứ nhất từ 9 tháng tuổi trở lên.

Tại Việt Nam

Từ đầu năm 2014 đến nay cả nước ghi nhận 4.180 trường hợp mắc sởi xác định trong số 16.168 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại 62/63 tỉnh, thành phố; ghi nhận 136 trường hợp nặng xin về và tử vong liên quan đến sởi tại khu vực miền Bắc.
Hầu hết các trường hợp mắc sởi là trẻ em dưới 10 tuổi; trong đó 12,5% là trẻ nhỏ dưới 9 tháng tuổi; 86,4% số trường hợp mắc sởi chưa tiêm vắc xin sởi hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng. Dịch xảy ra trên diện rộng, hiện chỉ xảy ra rải rác tại các xã phường, không còn các ổ dịch tập trung.

Nhận định: Hiện nay số trường hợp mắc sởi xác định tại các địa phương đã chững lại và bắt đầu giảm. Bộ Y tế tiếp tục thông tin cập nhật trong ngày.

7. Tay chân miệng

Trên Thế giới


Trong những năm gần đây, bệnh tay chân miệng có xu hướng tăng và duy trì ở mức cao tại một số nước Châu Á - Thái Bình Dương. Năm 2013, Trung Quốc ghi nhận 2.071.237 trường hợp mắc, trong đó có 550 trường hợp tử vong, Nhật Bản ghi nhận 67.981 trường hợp mắc, Singapore ghi nhận 36.518 trường hợp mắc và trong 3 tháng đầu năm 2014 số mắc của Trung Quốc tăng 1%, của Singapore tăng 29% so với cùng kỳ  2013.

Tại Việt Nam

Bệnh tay chân miệng bắt đầu ghi nhận ở nước ta từ năm 2005, tuy nhiên số mắc tăng cao chủ yếu từ năm 2011 với số ca mắc hàng năm trong khoảng 100-150 nghìn trường hợp.
Tích lũy từ đầu năm 2014 đến nay cả nước đã ghi nhận 18.659 trường hợp mắc tại hầu hết các tỉnh trên cả nước, ghi nhận 02 trường hợp tử vong tại Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu là các tỉnh tại khu vực miền Nam với tác nhân gây bệnh là EV71. Mặc dù so với cùng kỳ năm 2013 số mắc giảm 21%, số tử vong giảm 05 trường hợp và so với cùng kỳ năm 2012 số mắc giảm 57%, số tử vong giảm 20 trường hợp, tuy vậy bệnh tay chân miệng trong năm 2014 vẫn có số mắc cao và tập trung ở khu vực miền Nam với 15.024 trường hợp (chiếm 80,5% số mắc cả nước).
Có 05 tỉnh có số mắc tăng cao hơn so với cùng kỳ 2013 là Thành phố Hồ Chí Minh tăng 34,9%, Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 20,6%, Cà Mau tăng 15,3%, Kon Tum tăng 52,4%.

Nhận định: Bệnh tay chân miệng lưu hành ở hầu hết các tỉnh ở nước ta, mặc dù số mắc giảm so với năm 2013 bắt đầu có xu hướng gia tăng, trong khi đó bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin dự phòng, điều kiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường còn chưa tốt nên nguy cơ xảy dịch trong thời gian tới nếu không tích cực, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống.

8. Sốt xuất huyết

Trên Thế giới


Năm 2014 sốt xuất huyết vẫn lưu hành ở mức cao tại nhiều quốc gia trong khu vực Tây Thái Bình Dương như: Úc, Malaysia, Singapore, Căm pu chia, Lào, Phi líp pin, New Caledonia, trong đó Úc tăng 14,3%, Malaysia tăng 313%, Singapore tăng 10,2%.

Tại Việt Nam

Tích luỹ từ đầu năm 2014, cả nước ghi nhận 8.137 trường hợp mắc tại 41 tỉnh/thành phố, 04 trường hợp tử vong tại Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh, Cà Mau và Bình Phước. So với cùng kỳ năm 2013 (13.296/10), số mắc giảm 38,8%, tử vong giảm 6 trường hợp.
Số mắc tập trung chủ yếu ở khu vực miền Nam với 83,8% số mắc cả nước.
51 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc sốt xuất huyết giảm so với 2013
05 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc tương đương cùng kỳ 2013.
Tuy nhiên, có 18 tỉnh/thành phố đã ghi nhận trên 100 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tập trung tại một số tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An.

Nhận định:
Sốt xuất huyết là bệnh lưu hành ở mức cao tại các nước khu vực Đông Nam Á. Thời điểm bắt đầu mùa mưa (tháng 5) là thời điểm vào mùa dịch, ghi nhận số mắc gia tăng theo thống kê hàng năm, bệnh chưa có thuốc và vắc xin điều trị đặc hiệu cùng với tập quán trữ nước tại nhiều địa phương nguy cơ xảy dịch là rất lớn, việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống như diệt bọ gậy/lăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại các điểm nguy cơ cao, xử lý ổ dịch ngay khi phát hiện để giảm tối đa số mắc, tử vong là rất cần thiết.

9. Thủy đậu

Trung bình hàng năm số mắc thủy đậu khoảng 30-40 nghìn trường hợp, bệnh thường nhẹ và hầu như không có tử vong. Tích lũy từ đầu năm 2014 đến nay cả nước ghi nhận 16.380 trường hợp mắc tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước, không ghi nhận tử vong, số mắc tăng cao hơn so với cùng kỳ 2013 (7.900 trường hợp mắc), tuy nhiên vẫn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ 2008 - năm có dịch thủy đậu (22.821 trường hợp mắc).
Một số tỉnh có số mắc cao trong 3 tháng 2014 là: Hà Nội (869), Khánh Hòa (851), Đà Nẵng (771), Bà Rịa - Vũng Tàu (769), Nghệ An (669).

Nhận định:
Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm dễ lây lan, hầu hết bệnh ở mức độ nhẹ. Tuy nhiên nếu như không kịp thời phát hiện, cách ly các trường hợp mắc bệnh thì vi rút sẽ rất dễ phát tán và lây sang người khác qua dịch miệng, mắt, mũi. Các công ty vắc xin đã cung cấp đủ vắc xin thủy đậu cho các cơ sở tiêm chủng.

10. Viêm não vi rút


Đến nay cả nước ghi nhận 191 trường hợp mắc, 03 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ 2013 (175/5) số mắc cả nước tăng 9,0%, tử vong giảm 02 trường hợp.
Năm 2013 đã có 3.854.311 lượt trẻ chiếm 92,9% đối tượng từ 1-5 tuổi được tiêm mũi 3 vắc xin viêm não Nhật Bản.

Nhận định:
Bệnh viêm não vi rút thường gia tăng vào mùa hè, do đó trong thời gian tới có thể số mắc tiếp tục gia tăng.

11. Dại

Từ đầu năm 2014 đến nay ghi nhận 15 ca tử vong do dại tại 10 tỉnh, thành phố: Thanh Hóa (3), Yên Bái (2), Tuyên Quang (2), Sơn La (1), Phú Thọ (1), Lào Cai (1), Hà Tĩnh (1), Nghệ An (1), Quảng Ngãi (1), Quảng Nam (1). So với cùng kỳ 2013 (26 ca) số tử vong do dại giảm 11 trường hợp.

Nhận định:
Số tử vong do dại tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc, có thể gia tăng vào mùa hè do sự tăng các ổ dịch dại trên đàn chó trong thời gian này.

II. Các hoạt động đã triển khai


•    Ngành y tế đã chỉ đạo quyết liệt công tác phòng chống dịch. Ngay từ đầu năm, ngày 02/01/2014 Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về phòng chống dịch do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì với sự tham gia của Chủ tịch Ủy ban nhân dân 63 tỉnh, thành phố.

•    Tham mưu Văn phòng Chính phủ ban hành các công điện của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo về phòng chống dịch cúm ở người, sởi, bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết.

•    Giám sát chặt chẽ tình hình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế để có chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời các địa phương triển khai các biện pháp phòng chống dịch phù hợp, hiệu quả.

•    Đáp ứng nhanh, chủ động, giám sát và bao vây xử lý ổ dịch ngay khi phát hiện: Triển khai quyết liệt các biện pháp dập dịch khi ghi nhận những trường hợp mắc sởi đầu tiên tại Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang và một số tỉnh khu vực miền Bắc kể cả trong thời gian nghỉ tết; triển khai tiêm vét vắc xin sởi cho trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi tại 63/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc trong tháng 3, 4; hiện một số tỉnh đang tiếp tục triển khai để hoàn thành mục tiêu đề ra.

•    Tổ chức phân luồng, phân tuyến các bệnh viện điều trị bệnh nhân sởi, thiết lập các bệnh viện vệ tinh để giảm tải cho bệnh viện tuyến trung ương, ban hành hướng dẫn cập nhật về chẩn đoán, điều trị bệnh nhân sởi, hướng dẫn về chống lây nhiễm bệnh viện; tổ chức tập huấn và giám sát hỗ trợ cho các bệnh viện tuyến dưới.

•    Thường xuyên tổ chức họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi, họp hội đồng chuyên môn rút kinh nghiệm điều trị và đề xuất các biện pháp giảm tử vong; họp nhóm chuyên gia về lâm sàng, dịch tễ, vắc xin đề xuất các biện pháp phòng chống dịch.

•    Thành lập các đoàn kiểm tra, chỉ đạo tại các địa phương do Lãnh đạo Bộ Y tế, các Vụ, Cục, Viện làm trưởng đoàn, đã kiểm tra công tác phòng chống dịch tại 37 tỉnh, thành phố; thường xuyên kiểm tra tại các bệnh viện tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

•    Tổ chức 02 chiến dịch rửa tay bằng xà phòng tại Lạng Sơn (khu vực phía Bắc), Thành phố Cần Thơ (khu vực phía Nam); các địa phương đã và đang tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy/lăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi chủ động phòng, chống dịch.

•    Kịp thời cung cấp thông tin về bệnh và các biện pháp phòng, chống trên trang website của Bộ Y tế, Cục Y tế dự phòng. Trả lời báo chí, giải đáp thắc mắc cho người dân về các nội dung liên quan đến phòng, chống dịch bệnh sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết, thủy đậu…

-  Phối hợp liên ngành: Phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đánh giá tình hình, triển khai các hoạt động phòng chống bệnh lây truyền từ động vật sang người như cúm A(H5N1), cúm A(H7N9), dại…; phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tham gia cung cấp thông tin tại các buổi giao ban báo chí; phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để tuyên truyền, hướng dẫn triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trong trường học như tay chân miệng, sốt xuất huyết; phối hợp với Bộ Thông tin – Truyền thông tổ chức truyền thông về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng.

 -  Truyền thông: Chủ động cung cấp thông tin liên quan đến tình hình dịch bệnh trên website của Bộ Y tế, Cục Y tế dự phòng; đưa ra các khuyến cáo cho người dân để thực hiện các biện pháp phòng, chống; truyền thông nguy cơ, cung cấp các sản phẩm truyền thông tới tận xã/phường để thực hiện; phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí để cung cấp thông tin, giải đáp thắc mắc cho người dân.

 - Chỉ đạo các công ty vắc xin cung cấp kịp thời đáp ứng nhu cầu vắc xin thủy đậu của người dân. Hỗ trợ kịp thời trang thiết bị, vật tư, hóa chất phòng chống dịch bệnh cho các Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Nhi Trung ương và một số bệnh viện vệ tinh, các đơn vị y tế dự phòng, trung tâm y tế, bệnh viện tuyến hiện trên cả nước.

III. Trọng tâm các hoạt động trong thời gian tới

- Chỉ đạo triển khai các đơn vị, địa phương thực hiện Công điện số 585/CĐ-TTg ngày 6/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết hạn chế đến mức thấp nhất số các trường hợp mắc và tử vong do dịch bệnh.

-  Chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt sự phối hợp liên ngành và tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo một cách có hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh theo quy định của Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm về công tác quản lý chỉ đạo các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại địa phương, bố trí kinh phí cho các hoạt động chủ động phòng chống dịch.

- Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên cả nước và quốc tế để kịp thời chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng chống dịch phù hợp; phát hiện sớm, bao vây, xử lý ổ dịch triệt để, kịp thời, không để dịch lây lan, bùng phát, kéo dài. Thực hiện giám sát trọng điểm bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, cúm… để xác định sự lưu hành của vi rút, sự biến đổi gen.

- Hướng dẫn kỹ thuật cho tất cả các tuyến về giám sát và phòng chống, chẩn đoán và điều trị các bệnh truyền nhiễm mùa hè: tay chân miệng, sốt xuất huyết, viêm não Nhật bản...

- Kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo về phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là bệnh sởi, bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết và các bệnh có nguy cơ gia tăng trong thời gian tới. Ban hành Chỉ thị của Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương trên cả nước chủ động tập trung phòng, chống bệnh dịch mùa hè.

- Đẩy mạnh việc phân luồng, phân tuyến tại các cơ sở điều trị, củng cố các bệnh viện vệ tinh; thực hiện các biện pháp cách ly, giảm lây nhiễm chéo, nhiễm khuẩn bệnh viện.

- Cập nhật, phổ biến các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, tập huấn nâng cao năng lực cán bộ điều trị, chăm sóc bệnh nhân, thực hiện các biện pháp giảm tử vong do bệnh truyền nhiễm.

- Tăng cường công tác truyền thông, vệ sinh yêu nước, khuyến cáo các biện pháp phòng bệnh tới người dân để chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh. Phát động các đợt truyền thông

- Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đánh giá tình hình, triển khai các hoạt động phòng chống bệnh lây truyền từ động vật sang người như cúm A(H5N1), cúm A(H7N9), dại…; phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin - Truyền thông để tuyên truyền, hướng dẫn triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trong trường học và trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Trình Chính phủ cấp bổ sung kinh phí cho việc triển khai các hoạt động phòng chống dịch và đảm bảo chế độ chính sách cho các cán bộ tham gia công tác phòng chống dịch.

- Các đoàn kiểm tra tiếp tục đi giám sát tại các tỉnh thành phố trọng điểm trong tháng 5, tháng 6.
Thời tiết trong thời gian tới thuận lợi cho các bệnh đường tiêu hóa phát triển trong điều kiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường còn chưa đảm bảo, thêm vào đó việc giao lưu đi lại của người dân giữa các vùng trong cả nước, với các nước trong khu vực, trên thế giới tăng cao chứa đựng nhiều nguy cơ làm tình hình dịch bệnh sẽ có diễn biến phức tạp làm lây lan và bùng phát dịch, Cục Y tế dự phòng tích cực theo dõi và cung cấp thông tin kịp thời cho các cơ quan truyền thông.
Nguồn:  Cục Y tế dự phòng
Các bài viết khác