Tuyên ngôn Thiên niên kỷ do Ðại Hội đồng LHQ đưa ra năm 2000 nhận được sự hưởng ứng và cam kết thực hiện của tất cả các quốc gia thành viên. Tại phiên họp tháng 10-2007, LHQ bổ sung chỉ tiêu giảm hai phần ba tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới năm tuổi trong giai đoạn tới năm 2015. Ðây được xác định là một trong những mục tiêu quan trọng nhất, nhưng cũng có rất nhiều thách thức đối với nhiều quốc gia thành viên, nhất là những nước nghèo.
Sự phát triển nhanh của khoa học y học cùng với nền y tế tiến bộ mạnh mẽ mang tính toàn diện và tính nhân văn sâu sắc đã thay đổi bộ mặt sức khỏe con người, trong đó có sức khỏe của trẻ em. Trong vòng năm thập kỷ gần đây, tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do các bệnh truyền nhiễm ở trẻ em đã giảm đi hàng chục, thậm chí hàng trăm lần. Một trong những yếu tố quan trọng góp phần bảo vệ sức khỏe của trẻ em chính là tiêm chủng dự phòng, trong đó cốt lõi là Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) với đối tượng chính là trẻ em dưới năm tuổi. Tiêm chủng vắc-xin trở thành một trong những biện pháp hiệu quả nhất trong bảo vệ sức khỏe, dự phòng bệnh tật cho con người. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phát động một chương trình rộng lớn có tính toàn cầu là TCMR với mục đích chính là dự phòng chủ động các bệnh truyền nhiễm phổ biến, nguy hiểm trước hết cho trẻ em dưới năm tuổi bằng vắc-xin. WHO ước tính rằng nếu tất cả các vắc-xin sẵn có hiện nay đều được sử dụng rộng rãi trên thế giới với tỷ lệ bao phủ đạt hơn 90%, hằng năm có thể dự phòng cho thêm ba triệu trẻ em không bị chết vì các bệnh truyền nhiễm, góp phần đạt được mục tiêu Thiên niên kỷ làm giảm hai phần ba số trẻ em dưới năm tuổi chết vào năm 2015 so với năm 1990.
Tại Việt Nam, chương trình TCMR bắt đầu từ năm 1985 với sáu loại vắc-xin cho tất cả trẻ em dưới 12 tháng tuổi. Hiện chương trình đã bao phủ 100% số xã, phường cả nước, đạt tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ hơn 90% với tám loại vắc-xin cơ bản phòng bệnh lao, bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, viêm gan vi-rút B và viêm phổi do Hemophilus influenza cho trẻ em trong nhiều năm liên tục. Cùng với ba loại vắc-xin khác phòng viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn được sử dụng chọn lọc cho những nhóm cộng đồng có nguy cơ cao, hiện đã có 11 loại vắc-xin chính thức được sử dụng trong TCMR. Ðiều này đặc biệt có ý nghĩa khi 10 trong số 11 loại vắc-xin trong chương trình được các công ty trong nước sản xuất. Thành công của công tác TCMR đã làm cho tỷ lệ mắc các bệnh nhiễm trùng có vắc-xin dự phòng giảm đi hàng chục đến hàng trăm lần. Sau 28 năm triển khai, chương trình TCMR ở Việt Nam dự phòng cho 6,7 triệu trẻ em khỏi mắc 11 bệnh truyền nhiễm và cứu 43 nghìn trẻ khỏi bị tử vong do các bệnh lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và sởi. Theo thang đánh giá của các tổ chức quốc tế Chương trình TCMR của Việt Nam xếp ở mức "rất hiệu quả".
Tiêm chủng dự phòng là một biện pháp bảo vệ sức khỏe thông qua việc đưa các kháng nguyên lạ (vắc-xin) vào cơ thể, vì thế không tránh khỏi những phản ứng do thuốc. Vắc-xin đã được chứng minh là một trong những dược phẩm an toàn nhất mà con người có thể chế tạo, điều đó được chứng minh thực tế khi tiêm chủng cho hàng trăm triệu người khỏe mạnh mỗi năm. Tuy nhiên, vắc-xin vẫn có thể gây ra một số tác dụng bất lợi, không mong muốn được gọi là phản ứng sau tiêm chủng (PƯSTC). Có nhiều nguyên nhân gây ra, nhưng Hội đồng các tổ chức quốc tế về khoa học y học và WHO chia thành năm loại nguyên nhân của PƯSTC. Ðó là: Phản ứng liên quan đến vắc-xin, gây ra do một hoặc nhiều thành phần có trong chế phẩm cũng là phản ứng của từng cá thể với đặc tính vốn có của vắc-xin; Phản ứng liên quan đến sai sót tiêm chủng gây ra do việc bảo quản, vận chuyển, chỉ định và tiêm chủng vắc-xin không đúng quy định; Phản ứng liên quan đến lo lắng khi tiêm chủng xảy ra do sự lo lắng quá mức của đối tượng về tiêm chủng, thí dụ trẻ khóc thét, nôn trớ, co giật, ngừng thở ngắn hay thậm chí ngất xỉu trong hoặc sau mũi tiêm; Phản ứng trùng hợp ngẫu nhiên ra bởi một nguyên nhân khác không phải do vắc-xin hay do sai sót tiêm chủng, mà là do trạng thái sinh lý suy yếu hoặc bệnh lý sẵn có của đối tượng; Phản ứng không rõ nguyên nhân: Nhiều trường hợp PƯSTC không tìm được nguyên nhân do thiếu các thông tin có liên quan đến các nguyên nhân nêu trên.
Trong những năm qua ngành y tế đã có hàng loạt biện pháp để khống chế số lượng và hạ thấp tác hại những phản ứng bất lợi có thể liên quan tới công tác tiêm chủng. Số liệu của chương trình TCMR Việt Nam cho thấy tần số PƯSTC, bao gồm cả phản ứng nhẹ, thông thường và phản ứng nghiêm trọng, đã thường xuyên được duy trì ở dưới mức cho phép của WHO, kể cả khi dùng các chế phẩm vắc-xin sản xuất trong nước hay các chế phẩm nhập khẩu từ nước ngoài.
Thiếu sót chung là trong một thời gian dài vừa qua chúng ta đã tuyên truyền tới cộng đồng quá thiên về những ưu điểm của vắc-xin và lợi ích của TCMR mà hầu như không nói tới hoặc nêu chưa đầy đủ về những PƯSTC như một thực tế khó tránh khỏi; hoặc chưa nói về những tác động không tốt cho sức khỏe của đối tượng, trước hết là với trẻ em, nếu không tuân thủ đúng các khâu kỹ thuật của quy trình tiêm chủng. Chúng ta trang bị chưa thật đầy đủ cho người dân, cán bộ y tế trực tiếp làm công tác tiêm chủng về những hiểu biết, thái độ và hành động đúng đắn để họ bình tĩnh, chủ động đón nhận và đối đầu với những "mặt trái" của công tác này. Những thiếu sót đó đang được ngành y tế và cộng đồng kịp thời phát hiện và khắc phục trong thời gian gần đây. Vấn đề còn lại với mỗi người dân là hãy đưa con em đi tiêm chủng và thực hiện theo đúng các hướng dẫn để khỏi phải sống trong nỗi lo sợ mắc bệnh.
TIÊM chủng mở rộng góp phần tạo ra hạnh phúc gia đình, an sinh xã hội và an ninh chính trị trong điều kiện đất nước đang phát triển "nóng" với bao nhiêu vấn đề xã hội nảy sinh, huy động được cộng đồng cùng tham gia và là một trong những chương trình y tế có tính xã hội hóa cao theo ý nghĩa tích cực nhất. Các định hướng của Ðảng và Nhà nước về chăm sóc sức khỏe nhân dân đều đã khẳng định vai trò tích cực của nền y học dự phòng tiên tiến, trong đó có việc tiếp thu và phát triển thành quả của tiêm chủng mở rộng tới mọi người dân. Hưởng ứng tích cực, có trách nhiệm và có hiệu quả vào chương trình TCMR chính là thiết thực góp phần đẩy mạnh hơn tiến độ hiện thực hóa mục tiêu Thiên niên kỷ về giảm tỷ lệ tử vong trẻ em ở Việt Nam vào năm 2015.
GS PHẠM NGỌC ÐÍNH