Thứ sáu, ngày 19 tháng 04 năm 2024
Hợp tác quốc tế
Hình ảnh
THÔNG TIN ĐẤU THẦU
VIỆN VẮC XIN VÀ SINH PHẨM Y TẾ
Giới thiệu tổng quát
GIỚI THIỆU TỔNG QUÁT

Thành lập
    Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) được thành lập ngày 23 tháng 11 năm 1978, là đơn vị trực thuộc Bộ Y tế. Trải qua nhiều lần đổi tên và sắp xếp, ngày nay Viện có trụ sở chính ở Nha Trang và Trại Chăn nuôi Suối Dầu.

Chức năng nhiệm vụ chính
    Nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và dịch vụ tư vấn về vắc xin và sinh phẩm y tế. Đó là nhiệm vụ nặng nề nhưng hết sức cao quí, đầy tính nhân văn mà tập thể cán bộ công nhân viên đang cố gắng hết mình để xây dựng Viện trở thành một cơ sở khoa học có tầm cỡ và uy tín của quốc gia.

Công nghệ
    Trải qua quá trình phấn đấu không ngừng, Viện đã xây dựng và củng cố cơ sở vật chất để trở thành một đơn vị sản xuất tương đối hoàn chỉnh và đồng bộ từ dịch vụ kỹ thuật phụ trợ đến các dây chuyền sản xuất chính, có cơ sở chăn nuôi động vật thí nghiệm rộng lớn, có các công nghệ nguồn quan trọng với trang thiết bị hiện đại như:
  1. Công nghệ lên men sinh học;
  2. Công nghệ đông khô vắc xin và chế phẩm sinh học;
  3. Công nghệ tinh chế kháng nguyên, kháng thể;
  4. Công nghệ khai thác huyết thanh ngựa - plasmaphereris;
  5. Công nghệ đóng ống vắc xin;
  6. Công nghệ sản xuất vắc xin cúm trên trứng gà có phôi;
  7. Các kỹ thuật vi sinh, hóa - miễn dịch, nuôi cấy tế bào dùng trong kiểm định chất lượng sản phẩm.
Quản lý chất lượng
    Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế là đơn vị thiết lập hệ thống đảm bảo chất lượng (QA) từ rất sớm đồng thời áp dụng tiêu chuẩn ISO 9001:2000, ISO 9001:2008 trong quản lý, nhờ đó chất lượng sản phẩm luôn được đảm bảo và ổn định. Đến nay, Bộ Y tế đã cấp cho Viện 10 chứng nhận GMP-WHO, bao gồm: 8 sản phẩm chính và 2 dây chuyền sản xuất.

Sản phẩm

    Viện Vắc xin đã sản xuất thành công các vắc xin Bạch hầu, uốn ván, ho gà – DTP, vắc xin phòng lao – BCG, vắc xin uốn ván – VAT và cung cấp cho chương trình TCMR từ những năm 1990 đến nay.
Hiện nay, ngoài việc chuyển giao vắc xin tả uống cho Viện Vệ sinh dịch tễ TW (1997) và bàn giao vắc xin Vi.polysaccharide cho công ty Vắc xin - Pasteur Đà Lạt (tách độc lập năm 2007); Viện còn duy trì sản xuất ổn định 13 loại vắc xin, huyết thanh và các sinh phẩm Y tế (DTP,VAT, BCG, VAT1, Td1, Td20, SAT, SAR, SAD, SAV - Naja kaouthia, SAV - trimesurus albolabris, Interferon alpha – 2b, im.BCG trị liệu u bàng quang). Nguồn thu từ Vắc xin và Sinh phẩm Y tế chiếm tỷ trọng 85% trên tổng doanh thu hàng năm (thống kê từ năm 2010 - 2013).

Sự giúp đỡ trong và ngoài nước
    Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sắc của Bộ Y tế, sự giúp đỡ có hiệu quả của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, sự ủng hộ tạo điều kiện của các cấp bộ Đảng và Chính quyền địa phương; các thế hệ cán bộ công nhân viên của Viện đã vượt qua muôn vàn khó khăn và thách thức, ngày đêm cùng với các cơ sở khoa học trong cả nước nghiên cứu sản xuất vắc xin và các sinh phẩm y tế nhằm mục đích vì một xã hội khỏe mạnh và phát triển, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Bộ Y tế đã giao phó. Sự miệt mài thầm lặng của lớp lớp cán bộ công nhân viên qua các thời kỳ lịch sử của Viện đã vun đắp nên những thành quả có ý nghĩa nhân đạo sâu sắc “vắc xin vì cuộc sống con người”.

Thành tựu về phát triển vắc xin, sinh phẩm y tế và công nghệ
 
Năm 1986: Khánh thành dây chuyền công nghệ sinh học hiện đại lần đầu tiên ở Việt Nam, sản xuất vắc xin DPT, VAT cho Chương trình TCMR, công trình hợp tác với UNICEF.
Năm 1990: Sản xuất thành công vắc xin DPT, VAT đánh dấu mốc lịch sử IVAC bắt đầu cung cấp các loại vắc xin phòng 5 bệnh Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván, Uốn ván sơ sinh và Lao cho Chương trình TCMR.
Năm 1992: Sản xuất thành công vắc xin BCG trên qui mô lớn (6 – 8 triệu liều/năm), công trình hợp tác với UNICEF.
Năm 1996: Thành công sản xuất vắc xin Tả uống trên qui mô bán công nghiệp, công trình hợp tác với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, thuộc chương trình nghiên cứu cấp Nhà nước.
Thành công sản xuất và đưa ra sử dụng huyết thanh kháng Dại tinh chế (SAR), công trình nghiên cứu độc lập cấp Nhà nước.
Năm 1998: Thiết lập hệ thống quản lý chất lượng.
Năm 2000: Thành công đông khô Interferon α-2b và đưa ra sử dụng, công trình hợp tác với Viện Công nghệ Sinh học TP. Hồ Chí Minh.
Thành công sản xuất chế phẩm Im.BCG trị liệu khối u bàng quang.
Năm 2002: Thành công sản xuất vắc xin Td, huyết thanh kháng độc tố Uốn ván cho điều trị loại 10.000 đvqt/lọ.
Năm 2004: Thành công sản xuất và đưa ra sử dụng 2 loại huyết thanh kháng nọc rắn độc tinh chế: rắn Hổ mang đất và Lục tre, công trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ.
Thành công sản xuất và sử dụng vắc xin Thương hàn Vi-Polysaccharide, công trình hợp tác nhận chuyển giao công nghệ từ Viện Sức khỏe quốc gia NIH - Mỹ.
Năm 2008: Khởi công thiết lập cơ sở sản xuất vắc xin Cúm thử nghiệm theo chuẩn WHO-GMP, công trình hợp tác với WHO và các tổ chức quốc tế.
Năm 2011: Thành công xây dựng qui trình “lõi” sản xuất vắc xin Cúm và sản xuất thành công vắc xin Cúm đại dịch A/H1N1/09 trên qui mô lớn.
Năm 2012: Thành công sản xuất vắc xin Cúm A/H5N1 trên dây chuyền công nghệ. Thử lâm sàng giai đoạn 1 vắc xin cúm A/H1N1/09 trên người tình nguyện.
Nhận 10 chứng nhận GMP-WHO, bao gồm: 8 sản phẩm chính (vắc xin DPT, BCG, VAT, SAT, SAD, SAV_Tri, SAV_ Naja, VAT đơn) và 2 dây chuyền công nghệ: dây chuyền đóng ống các loại vắc xin, sinh phẩm y tế và sản xuất vắc xin Cúm.
 
 Các danh hiệu cao quí và giải thưởng khoa học
 
Năm 2013: Huân chương Độc lập hạng Nhì.
Năm 2012: Bộ Y tế vinh danh công trình “Thiết lập công nghệ sản xuất vắc xin Cúm” là công trình tiêu biểu của Ngành y tế “đã góp phần quan trọng trong quá trình phát triển nền y học Việt Nam
Năm 2008: Huân chương Độc lập hạng Ba.
Năm 2007: UNICEF chứng nhận IVAC là “nhà sản xuất hàng đầu các vắc xin thiết yếu chất lượng cao”.
Năm 2002: Huân chương Lao động hạng Nhất.
Năm 2001: Kỷ niệm chương Bạc của UNICEF.
Năm 1998: Huân chương Lao động hạng Nhì.
Năm 1996: Giải thưởng VIFOTEC về SAR và vắc xin Tả uống.
Giải thưởng KOVALEPSKAIA.
Năm 1993: Huân chương Lao động hạng Ba.