Thứ sáu, ngày 19 tháng 04 năm 2024
Hợp tác quốc tế
Hình ảnh
THÔNG TIN ĐẤU THẦU
VIỆN VẮC XIN VÀ SINH PHẨM Y TẾ
THÀNH TỰU 40 NĂM THÀNH LẬP VÀ PHÁT TRIỂN
 THÀNH TỰU 40 NĂM THÀNH LẬP VÀ PHÁT TRIỂN

      Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) được thành lập ngày 23 tháng 11 năm 1978 với nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế phục vụ Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia (TCMR) và phòng, chống dịch bệnh cho nhân dân cả nước. Xuyên suốt hành trình 40 năm qua, IVAC đã đóng góp những thành quả to lớn trong sự nghiệp nghiên cứu phát triển vắc xin và sinh phẩm y tế, thực hiện có hiệu quả chủ trương “tự chủ sản xuất vắc xin trong nước” của Đảng, Nhà nước và Bộ Y tế, góp phần quan trọng trong công tác chăm sóc, nâng cao và bảo vệ sức khỏe Nhân dân.

      IVAC là đơn vị tiên phong nghiên cứu thành công vắc xin Bạch Hầu, Uốn ván, Ho gà (DTP) thông qua chương trình tài trợ của UNICEF và WHO. Lần đầu tiên, Việt Nam tự chủ sản xuất được vắc xin DPT vào năm 1990, nối tiếp là thành công trong sản xuất vắc xin Uốn ván (TT), vắc xin phòng lao (BCG), vắc xin phòng bạch hầu uốn ván (Td). IVAC đã cung cấp hơn 300 triệu liều các loại vắc xin DTP, TT, Td, BCG phục vụ công tác tiêm chủng thường xuyên và phòng chống dịch bệnh quay trở lại, góp phần tích cực loại trừ uốn ván sơ sinh năm 2005 và giảm thiểu đáng kể tỷ lệ mắc/ tử vong các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: Lao, Bạch hầu, Uốn ván, Ho gà. Đặc biệt từ năm 2014 đến nay, IVAC đã cung cấp kịp thời vắc xin Td cho phòng chống dịch Bạch hầu ở một số tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung bộ và miền Nam. Bên cạnh đó, IVAC là đơn vị duy nhất trong cả nước nghiên cứu sản xuất các loại huyết thanh chất lượng cao như huyết thanh kháng nọc rắn tinh chế (SAV), huyết thanh kháng dại tinh chế (SAR), huyết thanh kháng độc tố uốn ván tinh chế (SAT) và sinh phẩm y tế như interferon alpha – 2b (Superferon), Im. BCG trị liệu khối u bàng quang, đóng góp có giá trị trong việc phòng và điều trị bệnh cho cộng đồng. Khi dịch cúm A/H5N1 xuất hiện, nguy cơ đại dịch có thể xảy ra trên quy mô toàn cầu, IVAC đã nhanh chóng đầu tư nghiên cứu phát triển vắc xin cúm theo công nghệ nuôi cấy trên trứng gà có phôi. Đến nay, IVAC đã thiết lập được công nghệ sản xuất vắc xin cúm A/H5N1 và vắc xin cúm mùa ở quy mô 3 triệu liều/năm với sự hỗ trợ của WHO, PATH, BARDA – Hoa Kỳ và Chính phủ Việt Nam, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ. Việc sản xuất thành công vắc xin cúm mùa và vắc xin cúm đại dịch không những phục vụ lợi ích cho Nhân dân trong nước mà còn góp phần tăng nguồn cung vắc xin cúm cho khu vực và thế giới. Bộ Y tế đánh giá: “Thiết lập công nghệ sản xuất vác xin cúm theo tiêu chuẩn WHO-GMP ở Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế đã góp phần quan trọng trong quá trình phát triển nền y học Việt Nam”. Tổ chức Y tế thế giới và PATH đánh giá dự án “Nâng cao năng lực phát triển vắc xin cúm tại Việt Nam” là dự án hiệu quả nhất trong 11 dự án WHO tài trợ cho các nước đang phát triển. Nhờ đó, Việt Nam được ghi dấu ấn trên bản đồ Thế giới là quốc gia có năng lực sản xuất vắc xin cúm phòng nguy cơ đại dịch.

      Những ngày đầu thành lập đầy khó khăn, thiếu thốn về mọi mặt, các thế hệ cán bộ, viên chức và người lao động với ý chí và tâm huyết nghề nghiệp đã nỗ lực không ngừng để đến nay Viện đã phát triển được 13 loại vắc xin, huyết thanh và sinh phẩm y tế phục vụ cho cộng đồng. Nối tiếp truyền thống, IVAC đã và đang thực hiện các dự án vắc xin đa giá (5/1), vắc xin Ho gà vô bào, vắc xin cúm mùa tam giá (3/1) trong khuôn khổ Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia vắc xin phòng bệnh cho người. IVAC đã trở thành thương hiệu có đủ năng lực và uy tín với cơ sở vật chất và công nghệ đồng bộ, hiện đại, năng lực nghiên cứu khoa học và hợp tác hiệu quả. Ngày nay, tập thể người lao động IVAC tiếp tục phấn đấu để tiếp nối truyền thống 40 năm với những thăng trầm nhưng đầy tự hào nhằm đưa Viện vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, xây dựng IVAC phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, phục vụ tốt nhất cho công cuộc chăm sóc, nâng cao và bảo vệ sức khỏe Nhân dân. 

      “IVAC-Hành trình 40 năm” là chặng đường giao thoa nối liền giữa 2 thế kỷ đầy tự hào, là những ký ức hào hùng và sống động của các thế hệ các nhà khoa học IVAC, về những chiến công thầm lặng được vun đắp của lớp lớp cán bộ, viên chức và người lao động gắn liền với thời ký đổi mới phát triển của đất nước. Những nỗ lực thầm lặng và tâm huyết của các thế hệ IVAC, những thành tựu khoa học kỹ thuật và những đóng góp thiết thực trong công cuộc chăm sóc, nâng cao và bảo vệ sức khỏe Nhân dân suốt 40 năm qua sẽ còn đọng lại trong những trang sử đẹp đẽ của Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế.

CÁC THÀNH TỰU TRONG HÀNH TRÌNH 40 NĂM
Năm 1993: Huân chương Lao động hạng Ba.
Năm 1996: Giải thưởng VIFOTEC về SAR.
                Giải thường KOVALEPSKAIA.
Năm 1998: Huân chương Lao động hạng Nhì.
Năm 2001: Kỷ niệm chương Bạc của UNICEF.
Năm 2002: Huân chương Lao động hạng Nhất.
Năm 2007: UNICEF chứng nhận IVAC là “nhà sản xuất hàng đầu các vắc xin thiết yếu chất lượng cao”.
Năm 2008: Huân chương Độc lập hạng Ba.
Năm 2012: Bộ Y tế vinh danh công trình “Thiết lập công nghệ sản xuất vắc xin cúm” là công trình tiêu biểu của ngành Y tế “đã góp phần quan trọng trong quá trình phát triển nền y học Việt Nam”.
Năm 2013: Huân chương độc lập hạng Nhì.
Năm 2016: Giải thưởng Đặng Văn Ngữ.
                Bằng chứng nhận đạt giải A – Giải thưởng KH&CN tỉnh Khánh Hòa lần thứ I/2016 “Chứng nhận công trình  ứng dụng CN nuôi cấy trên trứng gà có phôi để sản xuất vắc xin cúm A/H7N9”.
Năm 2017: Huân chương Lao động hạng Ba lần 2.
        Công nhận danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân cho TS. Lê Văn Bé.
Năm 2018: Công nhận chức danh Phó Giáo sư cho TS. Lê Văn bé và TS. Nguyễn  Thị Lan Phương.
 
 
Huân chương IVAC đạt được qua các năm