Thứ tư, ngày 24 tháng 04 năm 2024
Hợp tác quốc tế
Hình ảnh
THÔNG TIN ĐẤU THẦU
VIỆN VẮC XIN VÀ SINH PHẨM Y TẾ
Rắn lục đuôi đỏ hoành hành, tấn công dữ dội người dân
Từ đầu năm đến nay, bệnh viện Quân Y 121, TP. Cần Thơ đã tiếp nhận gần 400 bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn từ khắp các tỉnh thành lân cận.

Anh Phùng Văn Hà (41 tuổi, xã Nguyễn Văn Thạnh, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long), đang điều trị tại Bệnh viện Quân y 121, cho biết, hôm 31.7, khi đang làm việc ngoài vườn, anh đột nhiên bị rắn tấn công ở tay. Sau đó, anh cảm thấy chóng mặt, tay chảy máu nhẹ và nhức liên tục và được người nhà tức tốc đưa đến bệnh viện để chữa trị. Quanh khu vực anh sinh sống, rất nhiều hộ dân bị rắn tấn công trong mấy ngày vừa qua, đặc biệt nhiều khi rắn còn bò vào nhà khiến mọi người hết sức lo sợ.

Anh Nguyễn Mạnh Khả (ngụ tại phường Thới An Đông, huyện Bình Thủy, TP. Cần Thơ) cùng chung tâm trạng: Bản thân anh bị rắn cắn hôm 1.8, trong khi đang đi vệ sinh ở gần khu dân cư Ngân Thuận. Rắn tấn công bất ngờ khiến anh không kịp đề phòng. Sau một hồi đau nhức liên tục, anh được người nhà chuyển ngay đến bệnh viện. Hiện nay, vết thương tuy đã thuyên giảm nhưng bản thân anh vẫn chưa hết hoảng sợ. Một số người dân ở khu vực anh sinh sống hiện cũng đang sống trong tâm trạng bất an, đứng trước nguy cơ có thể bị rắn lục đuôi đỏ tấn công bất cứ lúc nào.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, đại tá, bác sĩ Nguyễn Văn Vinh, Trưởng khoa tiêu hóa Bệnh viện Quân y 121 cho biết: “Mỗi ngày bệnh viến tiếp nhận khá nhiều trường hợp bệnh nhân bị rắn cắn, trong số đó chủ yếu là bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Loài rắn này có nọc rất độc, người bị rắn cắn sẽ chảy máu và hiện rõ dấu răng, vết thương sưng tấy và đau nhức. Trong vòng 12h đến 24h sau khi bị rắn cắn, nếu bệnh nhân không được sơ cứu và đưa đi bệnh viện kịp thời thì rất dễ hoại tử tại vết cắn, nghiêm trọng hơn là suy đa tạng, chảy máu phổi, thận…, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. ĐBSCL hiện đang vào mùa mưa, đây là thời kỳ loài rắn sinh trưởng rất nhanh, thường xuyên tấn công người dân”.

Theo VTC News, bệnh viện quận Thủ Đức TP.HCM cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Dũng, khoa Hồi sức tích cực chống độc A cho hay, người dân phải hết sức đề phòng để không bị rắn cắn, bởi không phải bệnh viện nào cũng có sẵn huyết thanh kháng nọc rắn để kịp thời điều trị; thường xuyên dọn dẹp xung quanh nhà, cắt ngắn cây cỏ, phát quang bụi rậm bởi đây có thể là nơi trú ngụ của nhiều loài rắn; khi dọn dẹp nên mặc quần dài, áo dài tay, đi ủng, mang bao tay loại dày, trùm kín vùng đầu - cổ - mặt, đeo kính bảo hộ, khua gậy dài trước khi dọn cỏ.

Bên cạnh đó, người dân cũng cần giữ nhà cửa và môi trường xung quanh sạch sẽ, diệt chuột và các loại côn trùng vì chúng là những con mồi yêu thích của rắn lục đuôi đỏ.

“Đối với trường hợp khi đã bị rắn lục đuôi đỏ cắn, bệnh nhân chỉ nên rửa sạch vết thương, có thể nẹp cố định chi bị cắn sau đó chuyển đến cơ sở y tế gần nhất, càng nhanh càng tốt. Không nên tự ý buộc dây ga-rô chặt ở vị trí rắn cắn, bởi vì việc buộc dây ga-rô kéo dài có thể làm cho chỗ tổn thương sưng nề nặng hơn, dẫn đến hoại tử chi về sau”, BS Nguyễn Trọng Dũng khuyến cáo.

Nguồn:
https://baomoi.com/ran-luc-duoi-do-hoanh-hanh-tan-cong-du-doi-nguoi-dan/c/27122632.epi?utm_source=iapp&utm_campaign=share
https://baomoi.com/ran-luc-duoi-do-tan-cong-du-doi-nguoi-dan-lam-gi-de-doi-pho/c/27124121.epi?utm_source=iapp&utm_campaign=share